6 tháng đầu năm, ngân hàng bơm thêm 120.000 tỷ cho bất động sản, ngành này đóng góp hơn 160.000 tỷ vào quy mô GDP
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2021, hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 3,58% trong cơ cấu GDP của Việt Nam. Năm 2022 (thị trường bắt đầu bước vào giai đoạn trầm lắng), ngành này đóng góp 3,46%, tương đương hơn 328.000 tỷ đồng. Nếu tính cả hai ngành liên quan trực tiếp nhiều nhất với bất động sản gồm xây dựng (6,2% GDP) và tài chính - ngân hàng - bảo hiểm (4,76% GDP) thì hoạt động của ba ngành này chiếm tỷ trọng 14,42% GDP.
Trong đó, quý I/2022, bất động sản đóng góp 3,58%; quý II/2022 đóng góp 3,7%; quý III/2022 đóng góp 3,54%, quý IV/2022 đóng góp 3,64%.
6 tháng đầu năm 2023, ngành này đóng góp 3,38% vào tăng trưởng GDP (quý I đóng góp 3,53%; quý II đóng góp 3,24%), tương đương hơn 160.000 tỷ đồng.
Tỷ trọng của ngành bất động sản trong cơ cấu GDP đã giảm trong một thập kỷ qua (so với 5,6% vào năm 2012), do các ngành khác như sản xuất trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn với dòng vốn FDI lớn chảy vào.
Nhìn lại giai đoạn 2018 – 2020 (thời điểm bất động sản nóng sốt khắp nơi), tỷ trọng đóng góp của ngành này vào quy mô GDP đều ở mức trên 4%.
Trong khi đó, dòng vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực này lại có xu hướng tăng mạnh trong giai đoạn 2018 – 2022.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giai đoạn 2017 - 2019 (thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19), tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng trưởng trên 20%/năm; cao hơn mức độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (13 - 14%) và giữ tỷ trọng 18 - 19% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế.
Giai đoạn 2020 - 2021, dưới tác động của đại dịch, dư nợ tín dụng bất động sản vẫn có sự tăng trưởng tuy nhiên ở mức thấp hơn những năm trước (năm 2020 tăng 12,06%, năm 2021 tăng 15,37%).
Tính đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực này đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24,27% so với cuối năm 2021. Trong cơ cấu trên, hơn 60% là tín dụng cho nhu cầu nhà ở, đáng nói ở đây là chủ yếu là phân khúc giá trị cao, còn hơn 30% là cho vay đối với nhu cầu kinh doanh bất động sản (cho vay chủ đầu tư).
Tăng trưởng tín dụng vào bất động sản tính đến cuối năm ngoái đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua và chiếm khoảng 21,2% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế (riêng hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ).
Như vậy, hơn 1/5 dư nợ nền kinh tế đã dành cho bất động sản, nghĩa là cứ 5 đồng vốn ngân hàng bỏ ra đã có 1 đồng vào bất động sản.
Bước sang năm 2023, vốn tín dụng chảy vào bất động sản có xu hướng tăng chậm lại. Số liệu mới đây của NHNN cho biết, tính đến hết tháng 6/2023, dư nợ tín dụng bất động sản đạt hơn 2,7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 4,6% so với cuối năm 2022 (tức có thêm khoảng 120.000 tỷ đồng, tương đương 20% tổng quy mô tín dụng tăng thêm của toàn nền kinh tế), tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Trong đó, dư nợ tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng 17,41%, vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%). Ngược lại, tín dụng tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản giảm 1,12%. Đây cũng là năm đầu tiên dư nợ tín dụng tiêu dùng bất động sản có xu hướng giảm trong 3 năm gần đây.
Phía NHNN cho biết, số liệu trên phản ánh nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm. Diễn biến trên cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng, các khó khăn về mặt pháp lý của các dự án bất động sản đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu về mua nhà ở chưa phải là nhu cầu được khách hàng ưu tiên trong thời điểm hiện tại; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư 6 thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân; các dự án bất động sản gặp khó khăn về mặt pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn.