6 khu 'đất vàng' bỏ không nhiều năm ở trung tâm Hà Nội
Khu đất bị bỏ không ở 148 Giảng Võ, quận Ba Đình có hai mặt tiền: Giảng Võ và Ngọc Khánh, từng là Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia.
Giữa năm 2016, Hà Nội cho phép Công ty cổ phần Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam chuyển đổi mục đích sử dụng 68.380 m2 đất tại đây để xây Tổ hợp Trung tâm dịch vụ, thương mại và nhà ở. Theo quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, sẽ có 10 tòa nhà chung cư cao 50 tầng mọc lên. Nhưng đến tháng 3/2019, Hà Nội thu hồi chủ trương đầu tư dự án, sau khi tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, người dân và chỉ đạo của Chính phủ.
Theo quy hoạch 1/500 mới điều chỉnh ngày 10/11, UBND TP Hà Nội đã loại bỏ chức năng làm nhà ở của dự án này, chỉ còn chức năng hỗn hợp: khách sạn, văn phòng, thương mại để đảm bảo chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc.
148 Giảng Võ không phải khu đất duy nhất nằm ở trung tâm TP Hà Nội bị bỏ hoang.
Khu 94 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) trong cảnh tương tự. Nơi đây từng là Nhà máy rượu Hà Nội do Công ty cổ phần cồn rượu quản lý. Theo chủ trương di dời nhà máy khỏi nội đô, năm 2013, UBND TP Hà Nội đã giải phóng mặt bằng để xây trường học tại đây.
Sau khi thu hồi, khu đất được giao cho Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Thiên Bình nghiên cứu lập dự án. Công ty này do ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh, người đang bị tạm giam, là đại diện pháp luật với 99% vốn.
Khu đất rộng gần 8.000 m2 ở quận Hai Bà Trưng với 3 mặt tiền: Lò Đúc, Nguyễn Công Trứ và Hòa Mã. Ô đất này hiện bị bỏ hoang khoảng 10 năm.
Thiên Bình dự kiến xây Tổ hợp công trình văn phòng, khách sạn, trường học, trung tâm thương mại công trình cao tầng. Dù chưa thực hiện dự án, quyền tài sản phát sinh từ tổ hợp này đã được Thiên Bình nhiều lần thế chấp ngân hàng để vay hàng trăm tỷ đồng.
Ngay sát tòa nhà Keangnam Landmark 72 tầng, mặt đường Phạm Hùng, một toà nhà cao 31 tầng, diện tích sàn khoảng hơn 78.000 m2 đã xây xong phần thô nhưng bỏ hoang nhiều năm. Đây là Trung tâm điều hành và giao dịch của Tổng công ty xi măng Việt Nam (VICEM), xây trên lô đất rộng gần 8.500 m2.
Theo thiết kế, chủ đầu tư sẽ xây dựng tòa văn phòng tiêu chuẩn hạng A. Toà nhà khởi công vào năm 2011, dự kiến hoàn thành năm 2014 nhưng liên tục phải lùi tiến độ.
Sau hơn 12 năm khởi công, công trình vẫn chỉ là khối bê tông.
Tại quận Tây Hồ có ô đất rộng gần 4.000 m2 với 2 mặt tiền ở số 161 Yên Phụ và đường Nghi Tàm bị bỏ hoang nhiều năm. Vị trí đắc địa, view trọn hồ Tây, nằm gần các khách sạn nổi tiếng: Intercontinental Hanoi Westlake, Sheraton…, cách không xa khu phố cổ Hà Nội, khu đất được đánh giá đầy tiềm năng thương mại, du lịch. Nhưng đến nay, nó được quây hàng rào bảo vệ mang dòng chữ “tập đoàn Tân Hoàng Minh”.
Theo UBND quận Tây Hồ, khu đất được quy hoạch làm dự án khu cây xanh, thể thao, dịch vụ công cộng có tính chất kinh doanh. Nhưng bên trong, sau khi bị bỏ hoang nhiều năm, đang được người dân tận dụng nuôi gà với nhiều cây dại mọc lên.
Ngay gần đó là khu đất hơn 4.000 m2 thuộc sở hữu của Khách sạn Thắng Lợi ở 151-153 Yên Phụ cũng để không nhiều năm qua.
Tháng 5/2019, khu đất này được công bố sẽ làm dự án Tổ hợp vui chơi giải trí Sanrio Hello Kitty World Hanoi với 8 tầng, mật độ xây dựng 80%, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Dự án do tập đoàn BRG và Công ty Sanrio Hong Kong - đơn vị sở hữu thương hiệu nhân vật Hello Kitty thỏa thuận hợp tác phát triển.
Tháng 6, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã chấm dứt hoạt động dự án Tổ hợp vui chơi giải trí Sanrio Hello Kitty World Hanoi vì nhà đầu tư không được tiếp tục sử dụng địa điểm.
Khu đất rộng 13.000 m2 tại ngã tư Trần Duy Hưng - Nguyễn Chánh, quận Cầu Giấy, vốn được quy hoạch thành Tháp tài chính quốc tế IFT. Năm 2007, Bảo Việt Nhân thọ liên danh với Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lập Công ty cổ phần đầu tư SCIC - Bảo Việt với vốn điều lệ 140 tỷ đồng để thực hiện dự án.
Năm 2013, dự án Tháp tài chính quốc tế IFT được cấp phép quy hoạch cao 34 tầng, công năng chính là văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại. Nhưng đến nay, sau 10 năm, khu đất vẫn chỉ quây tôn, bỏ hoang lãng phí.