5 sự kiện nổi bật trên thị trường bất động sản
Bất động sản Việt Nam trong nửa đầu năm được ông Lưu Quang Tiến, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - BĐS Dat Xanh Services (DXS - FERI), đánh giá đã có những diễn biến khả quan hơn so với kịch bản kỳ vọng.
Trong đó, nguồn cung mới tăng 40%, vượt xa mức dự đoán 20 - 30%, Giá bán tăng 3 -5%, phù hợp với dự báo. Lãi suất thả nổi ở mức 10 - 12%, cũng nằm trong khoảng dự kiến. Một số ngân hàng chào lãi suất ưu đãi rất tốt cho 6 - 12 tháng đầu tiên dao động 6 - 8%/năm. Tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 34%, tương đương với mức ước tính 30 - 35%.
“Kết quả này cho thấy thị trường bất động sản đang có những tín hiệu phục hồi tích cực, vượt qua những khó khăn của năm 2023. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức như kinh tế suy thoái do tác động bất ổn địa chính trị toàn cầu, tăng trưởng tín dụng thấp dù lãi suất cho vay đã giảm sâu, pháp lý bất động sản chưa được tháo gỡ triệt để và niềm tin thị trường vẫn chưa phục hồi mạnh mẽ”, ông Tiến nhận định.
Nhìn lại 6 tháng đã qua, chuyên gia cho rằng có 5 sự kiện nổi bật trên thị trường và mỗi sự kiện sẽ tác động đến tiến trình hồi phục của thị trường trong thời gian tới.
Nhà nước đã thông qua và đẩy nhanh tiến độ thi hành các bộ luật quan trọng
Ngày 18/1/2024, Quốc hội chính thức thông qua hai văn bản luật quan trọng gồm Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng. Đây được xem là bước ngoặt đánh dấu sự hoàn thiện về hành lang pháp lý cho ngành bất động sản.
Chính phủ đang yêu cầu các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết. Dự kiến Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8 tới đây.
Việc thực thi các luật này được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện khung thể chế cho thị trường bất động sản, tạo môi trường minh bạch, thu hút đầu tư…
Nguồn vốn vào thị trường bất động sản liên tục tăng
Thị trường ghi nhận tín hiệu tích cực từ hoạt động thu hút FDI và vốn tín dụng. Đây được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ để thị trường phục hồi.
Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong nửa đầu năm đạt 15,19 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành bất động sản đứng thứ hai khi chiếm gần 16,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và con số này tăng 61,5% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tín dụng cũng tăng trưởng mạnh mẽ, hỗ trợ nhu cầu vay mua nhà. Dư nợ tín dụng bất động sản chiếm gần 22% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Hàng loạt dự án mới được khởi động trên khắp cả nước
Tính đến hết tháng 6, đã có hơn 20 dự án mới với đa dạng địa bàn, phân khúc, chính sách bán hàng được giới thiệu ra thị trường. Bên cạnh các chủ đầu tư lớn, một số chủ đầu tư mới đang từng bước gia nhập thị trường với nhiều chiến lược truyền thông và chính sách bán hàng cạnh tranh.
Đẩy mạnh tiến độ triển khai chương trình phát triển nhà ở xã hội
Vào tháng 3/2024, Hội nghị nhà ở xã hội đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Chính phủ, tập trung tháo gỡ vướng mắc và đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội, nghiên cứu phương án phát hành trái phiếu hỗ trợ lãi suất.
Ngày 24/5, Ban chấp hành Trung ương ban hành Chỉ thị 34 về công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới, nêu ra định hướng cụ thể và yêu cầu cơ quan các cấp tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội. Nhiều địa phương sau đó đã lần lượt công bố kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, mời gọi nhà đầu tư tham gia.
Sức hấp thụ tăng mạnh trên toàn quốc
Tổng nguồn cung bất động sản nhà ở đã có sự tăng trưởng mạnh 182% so với cùng kỳ và tăng gần 46% so với thời điểm cuối năm 2023. Khu vực phía Bắc chiếm hơn 50% trong tổng nguồn cung mới. Tuy nhiên, về số liệu lũy kế thì khu vực phía Nam vẫn dẫn đầu về tổng nguồn cung sơ cấp. Tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường đã gấp khoảng 4 lần so với mức rất thấp ở cùng kỳ năm 2023.
Giá bán sơ cấp đã tăng 5 - 10%, riêng loại hình căn hộ có mức tăng trung bình cao nhất 20% tại khu vực phía Bắc (riêng thị trường Hà Nội có mức tăng giá trung bình 30 - 40%). Trước đó vào cuối quý I, thị trường căn hộ tại Hà Nội "sốt nóng”.
Ở thị trường thứ cấp, dù tình trạng bán cắt lỗ vẫn còn nhưng đã tăng nhẹ ở hầu hết các loại hình sản phẩm, đặc biệt tăng mạnh ở loại hình nhà phố riêng lẻ.
Giá cho thuê nhà ở cũng tăng 5 - 10%, đặc biệt ở phân khúc căn hộ. Điều này phản ánh thị trường đang dần ổn định trở lại.
Thị trường vùng ven, cận biên cũng dần phục hồi. Đầu năm nay, sức hấp thụ tại một số tỉnh vùng ven Hà Nội như Hải Phòng tăng mạnh nhờ hiệu ứng một số dự án lớn và đến nay đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, sự kiện này đã lan tỏa tín hiệu tích cực hơn cho phía Nam và miền Trung, đặc biệt là phân khúc giá nhà ở vừa túi tiền.
Theo khảo sát của nhóm chuyên gia FIRT, thị trường đã có sự thay đổi đáng kể trong tâm lý người mua nhà. Cụ thể, tỷ lệ khách hàng ưu tiên mua nhà để ở chiếm ưu thế với tỷ trọng 79%, trong khi 21% còn lại mua với mục đích đầu tư.
Bên cạnh đó, dự án mới thu hút 84% sự quan tâm của người mua, trong khi dự án hiện hữu chỉ chiếm 16%. Điều này cho thấy người mua ngày càng quan tâm đến giá trị thực của sản phẩm, bao gồm vị trí, tiện ích, chất lượng xây dựng…
Ngoài ra, khảo sát cũng chỉ ra rằng 67% khách hàng vẫn ưu tiên thuê nhà hơn mua nhà, cho thấy nhu cầu nhà ở vẫn rất lớn nhưng khả năng tài chính còn hạn chế. Chính sách hỗ trợ thanh toán tốt và lãi suất ưu đãi sẽ là những yếu tố quan trọng giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận bật động sản hơn.
“Nhìn chung, thị trường bất động sản nửa đầu năm chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng bền vững và minh bạch hơn. Người mua nhà ngày càng tỉnh táo và thông thái hơn trong việc lựa chọn sản phẩm, ưu tiên giá trị thực và pháp lý an toàn.
Những diễn biến này đang tạo nên khúc giao mùa tích cực cho thị trường trong giai đoạn tới. Sau giai đoạn ‘phòng thủ’ đầy thận trọng, thị trường đang dần chuyển mình sang giai đoạn ‘tấn công’.
Vẫn còn khá sớm để kết luận thị trường đã phục hồi vì việc phục hồi cần có thời gian và lộ trình, muốn nhanh muốn sớm cũng không thể gấp hơn được. Tuy nhiên, với những diễn biến đang dần tích cực, hoàn toàn có thể tin rằng bất động sản đã đi qua vùng đáy chữ U”, ông Lưu Quang Tiến nhận định.