5 huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng sắp lên quận của Hà Nội đang phát triển ra sao?
Theo Quyết định phê duyệt kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030, dự kiến 5 huyện của Hà Nội sắp lên quận gồm huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng. Hiện cả 5 huyện này đều đang phấn đấu đạt các tiêu chí để lên quận theo đúng kế hoạch.
Hoài Đức đặt mục tiêu hoàn thành tiêu chí về hạ tầng khung
Với huyện Hoài Đức, 5 năm qua, giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện tăng bình quân 10,8%/năm (vượt 0,8% so với Nghị quyết Đại hội); thu nhập bình quân năm 2020 đạt 62 triệu đồng/người/năm (vượt 7 triệu đồng/người/năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội); giá trị sản xuất dịch vụ tăng trưởng bình quân 13,8%/năm (vượt 0,8% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội)...
Theo Cổng TTĐT TP Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Trường, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết giai đoạn 2015-2020, Hoài Đức tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Tính đến nay, toàn huyện đã triển khai 1.075 dự án với tổng kinh phí 8.700 tỷ đồng; đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng 743 công trình.
Hoài Đức cũng đã thu hút một số dự án thương mại dịch vụ lớn như: Cảng cạn ICD Đức Thượng, các trung tâm thương mại tại thị trấn Trạm Trôi...Ở thời điểm hiện tại, Hoài Đức có gần 3.400 doanh nghiệp, tăng 161,7% so với năm 2015.
Về triển khai Đề án xây dựng huyện Hoài Đức thành quận, huyện đã tập trung làm tốt việc quy hoạch và quản lý quy hoạch để triển khai một số dự án hạ tầng khung như xây dựng 8 tuyến đường giao thông khung với chiều dài 40,52km; xây dựng 9 tuyến đường trục chính, đường bao các khu dân cư với chiều dài 16km.
Tính đến nay, Hoài Đức đạt 22/27 tiêu chí lên quận, trong đó đạt 5/6 tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội, 17/21 tiêu chí về phát triển hạ tầng.
Tuy nhiên, huyện còn 5 tiêu chí chưa đạt, như cân đối thu chi ngân sách, mật độ đường giao thông đô thị, cơ sở y tế cấp đô thị, đất cây xanh công cộng, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý…
Nhằm hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng khung, hạ tầng giao thông, cuối tháng 12/2020, huyện Hoài Đức khởi công dự án đường Liên khu vực 1 (đoạn từ xã Đức Thượng đến xã Song Phương) với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Tuyến đường có chiều dài 6,49km, mặt đường rộng 40m, vận tốc thiết kế 80km/giờ, được kỳ vọng góp phần đẩy mạnh giao thương, thu hút đầu tư các khu đô thị, khu công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Giai đoạn 5 năm tới, huyện Hoài Đức đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 11% trở lên; thu nhập bình quân 95 triệu đồng/người/năm trở lên; tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2020-2025 khoảng 60.000 tỷ đồng. Huyện cũng nỗ lực hết năm 2021 cơ bản hoàn thành các tiêu chí lên quận.
Gia Lâm khởi công nhiều dự án giao thông nghìn tỷ đồng
Giai đoạn 2015-2020, Gia Lâm đạt được nhiều dấu ấn nổi bật, hoàn thành 20/20 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đề ra. Trong đó, có một số kết quả đáng chú ý như giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng bình quân 11,03%/năm; giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng 9,4%/năm; các loại hình dịch vụ cũng tăng trưởng khá với giá trị sản xuất tăng bình quân 16,58%/năm.
Ngoài ra, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hàng năm đều vượt cao so với dự toán TP và huyện giao, trung bình đạt 2.772 tỷ đồng/năm, vượt 67,0% so với kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 62,5 triệu đồng/người, tăng gấp 1,88 lần so với năm 2015.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng giai đoạn 2016-2020, Gia Lâm đã triển khai thi công 306/424 dự án với kinh phí 5.506 tỷ đồng, đáng chú ý phải kể đến đầu tư cải tạo nâng cấp 190,5km tuyến đường giao thông trục chính, hoàn thành xây dựng đường liên thôn, liên xã.
Về tiêu chí lên quận, đến nay huyện Gia Lâm đạt 24/27 tiêu chí.
Giai đoạn 5 năm tới, về kinh tế, huyện đặt chỉ tiêu thu ngân sách bình quân 2021-2025 đạt 3.200 tỷ đồng mỗi năm. Đến năm 2025, huyện tự đảm bảo cân đối thu chi ngân sách. Đồng thời, huyện tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, các chỉ tiêu về đô thị phấn đấu đến năm 2025 trở thành quận.
Về xây dựng phát triển hạ tầng giao thông, đầu tháng 1/2021, Gia Lâm khánh thành, thông xe tuyến đường từ khu đô thị Trâu Quỳ qua đường Dương Xá - Đông Dư đến ga Phú Thụy. Dự án tổng mức đầu tư 198 tỷ đồng, chiều dài hơn 3,4km, rộng từ 30 đến 40m, được khởi công tháng 12/2019 và hoàn thành sau một năm triển khai xây dựng.
Tuyến đường này được kỳ vọng tạo sự kết nối giao thông trong khu vực; góp phần giảm tải, hạn chế ùn tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 5, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngoài ra, huyện Gia Lâm cũng đã khởi công bốn tuyến đường trên địa bàn, gồm Dự án xây dựng hoàn chỉnh, khớp nối hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp vừa và nhỏ Phú Thị, khu công nghiệp Dương Xá A, tổng mức đầu tư 253 tỷ đồng; Dự án xây dựng tuyến đường đê hữu Đuống đoạn Dốc Lời - Đặng Xá đến xã Lệ Chi, tổng mức đầu tư hơn 508 tỷ đồng; Dự án xây dựng tuyến đường đô thị song hành với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, huyện Gia Lâm, tổng mức đầu tư gần 290 tỷ đồng; Dự án xây dựng tuyến đường gom từ cầu Thanh Trì đến cầu vượt Phú Thị, tổng mức đầu tư hơn 407 tỷ đồng.
Đông Anh tập trung triển khai 22 dự án hạ tầng khung
Giai đoạn 2015-2020, huyện Đông Anh đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Trong đó, giá trị sản xuất các ngành kinh tế đạt hơn 156.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,2%/ năm, vượt 1,7% so với chỉ tiêu đề ra.
Đối với 27 tiêu chí xây dựng huyện lên quận, Đông Anh hiện còn 8 tiêu chí chưa đạt.
Thời gian tới, huyện Đông Anh tập trung triển khai thực hiện 22 dự án hạ tầng; đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên; tuyến đường nối cầu Tứ Liên đến Quốc lộ 3 mới; tuyến đường Vành đai 3 đoạn từ nút giao với Quốc lộ 3 mới đến nút giao với đường Võ Văn Kiệt và đoạn kéo dài đến đường Vành đai 4.
Huyện Đông Anh đặt mục tiêu tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất các ngành chủ yếu trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 là 10,2-10,5%; cơ cấu các ngành kinh tế trên địa bàn huyện đến năm 2025 là Dịch vụ - thương mại chiếm 14,9%; công nghiệp - xây dựng 84,31%; nông nghiệp - thủy sản 0,79%.
Huyện cũng đặt mục tiêu đến 2025, thu nhập bình quân/đầu người/năm hơn 85 triệu đồng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5.800 tỷ đồng; chi ngân sách nhà nước địa phương 5.000 tỷ đồng.
Thanh Trì đầu tư đường giao thông quan trọng cấp khu vực 461 tỷ đồng
Giai đoạn 2015-2020, huyện Thanh Trì đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 17 chỉ tiêu Đảng bộ huyện đề ra. Tổng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 5 năm tăng 10,2%/năm; mức tăng thu ngân sách bình quân năm đạt 16,6%.
Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/người/năm, tăng 7,7 triệu đồng so với năm 2019. Thu NSNN trên địa bàn đạt 1.720 tỷ đồng, vượt 19% so dự toán TP giao.
Huyện cũng đề ra mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng/năm trong giai đoạn 2020 – 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất trên địa bàn giai đoạn 2020-2025 đạt 13,2%/năm.
Đến nay huyện đã hoàn thành 24/27 tiêu chí lên quận và đang nỗ lực để hoàn thành 3 tiêu chí còn lại là: tự cân đối thu chi ngân sách, mật độ đường giao thông đô thị và diện tích đất cây xanh công cộng.
Nhằm hoàn thiện tiêu chí hạ tầng giao thông trước khi lên quận, những năm gần đây, huyện Thanh Trì đã triển khai nhiều dự án đáng chú ý như đường giao thông liên xã Yên Mỹ - Duyên Hà - Vạn Phúc có tổng mức đầu tư hơn 155 tỷ đồng; tuyến nút giao Xa La gần 2km kết nối từ đường Nguyễn Xiển đến khu đô thị Xa La đi qua xã Thanh Liệt và Tân Triều; tuyến đường nối cầu Hòa Bình đến khu đô thị mới Nam Linh Đàm.
Hiện nay, Thanh Trì đang đầu tư xây dựng mới đường giao thông liên xã Tả Thanh Oai - Đại Áng - Liên Ninh có chiều dài toàn tuyến hơn 5,7km, tổng mức đầu tư 461 tỷ đồng.
Tuyến đường hoàn thành sẽ hình thành trục giao thông kết nối huyện Thanh Trì với các quận, huyện lân cận như Thường Tín, Thanh Oai, Hà Đông.
Đây cũng là tuyến đường giao thông quan trọng cấp khu vực kết nối các khu vực phát triển đô thị phía Tây huyện Thanh Trì theo định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Đan Phượng đầu tư xây dựng nhiều dự án bất động sản, hạ tầng giao thông
5 năm qua, giá trị sản xuất các ngành kinh tế thuộc huyện Đan Phượng tăng trưởng bình quân 9,63%/năm. Thu nhập bình quân năm 2020 của huyện đạt 61,2 triệu đồng/người.
Về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong 5 năm qua, huyện đã huy động được hơn 2.597 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 646 công trình ở tất cả các lĩnh vực.
Được định hướng phát triển trở thành quận, nhiều đồ án có quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 do TP phê duyệt đã, đang triển khai xây dựng tại huyện Đan Phượng.
Theo Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Đan Phượng Phạm Văn Khôi thông tin, hiện các khu đô thị lớn khang trang hiện đại đang dần hiện diện như khu chức năng đô thị Green City, rộng 130ha đang triển khai đầu tư xây dựng; Khu đô thị mới Tây Nam xã Tân Lập đã giải phóng mặt bằng được khoảng 35ha/42ha; Khu đô thị sinh thái cao cấp Đan Phượng rộng 45ha, chủ đầu tư đang trình phê duyệt điều chỉnh thiết kế cơ sơ, thiết kế bản vẽ thi công các hạng mục…
Bên cạnh những dự án bất động sản, nhiều dự án hạ tầng xã hội, 8 tuyến đường giao thông cấp huyện có mặt cắt rộng 13 - 22m cũng đã được đầu tư xây dựng để đáp ứng tiêu chí lên quận.
Huyện cũng đang đề nghị TP sớm phê duyệt chủ trương dự án xây dựng tuyến đường Tây Thăng Long (đoạn từ đường Vành đai 3,5 đến đường kênh Đan Hoài).