4 dự án lớn bỏ hoang trên đất vàng ở vùng qui hoạch đẹp Keangnam
Vùng qui hoạch đẹp Keangnam mà chúng tôi đề cập tới là phạm vi bán kính 2 km quanh Keangnam. Phạm vi này được giới hạn bới các vị trí sau: Vành đai 2 (đường Láng) ở phía Đông, đường Xuân Thủy ở phía Bắc, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình ở phía Tây, Dự án Vinhomes Green Bay ở phía Nam.
Khu vực này được qui hoạch có hệ thống giao thông hiện đại, nhiều cây xanh và hồ nước. Hiện đã có rất nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đầu tư tại đây. Hàng loạt các dự án nhà ở, các trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng... đã được hoàn thành.
Tuy nhiên, trong khu vực này vẫn có một số chủ đầu tư ôm đất cả thập kỉ chưa triển khai dự án dự án như Diamond Rice Flower của Kinh Bắc hay Công viên Tây Nam của Công ty TNHH VNT và Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (OceanGroup).
Có hai dự án đã xây thô hàng chục tầng như bỏ hoang nhiều năm qua là hình ảnh không đẹp về không gian kiến trúc trong khu vực. Hai dự án này lần lượt của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (trên đường Phạm Hùng, sát tòa Keangnam) và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (ở gần ngã tư Dương Đình Nghệ - Trung Kính).
Dưới đây là 4 dự án bỏ hoang, chậm tiến độ trong vùng qui hoạch đẹp Keangnam.
Dự án Trung tâm giao dịch than - khoáng sản Việt Nam
Dự án Trung tâm giao dịch than - khoáng sản Việt Nam (trụ sở Vinacomin) với chủ đầu tư là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam được phê duyệt năm 2012, có tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỉ đồng, qui mô gồm 35 tầng nổi, 2 tầng kĩ thuật và 5 tầng hầm.
Dự án này được xây dựng tại lô đất 22E3 thuộc Khu đô thị Cầu Giấy - Hà Nội với diện tích đất là 9.442 m2.
Chức năng và mục tiêu đầu tư công trình là nhằm đáp ứng văn phòng làm việc của tập đoàn, văn phòng các đơn vị Vinacomin tại Hà Nội và đại diện các đơn vị khác ở các tỉnh, quảng bá thương hiệu Vinacomin và cho thuê văn phòng.
Dự án được khởi công vào ngày 20/01/2015 và dự kiến hoàn thành vào quý IV/ 2018. Tuy nhiên, đến hiện tại dự án mới chỉ xây xong phần thô.
Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem
Cạnh toà nhà Keangnam, dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem nằm tại lô 10E6, khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, được thiết kế tòa nhà với 31 tầng nổi và 4 tầng hầm. Diện tích sử dụng là 8.500m2, diện tích xây dựng khoảng 2.800m2 với chức năng làm trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê và kinh doanh thương mại.
Tổng mức đầu tư xây trụ sở ban đầu được duyệt 1.951 tỉ đồng, sau đó năm 2011 được điều chỉnh lên 2.743 tỉ đồng.
Khởi công năm 2011, dự kiến hoàn thành năm 2014 nhưng đến nay, Vicem Tower mới chỉ xây xong phần thô.
Theo thiết kế, dự án có 31 tầng nổi, 4 tầng hầm, diện tích sàn xây dựng khoảng 80.000m2, đáp ứng 200 chỗ đỗ xe ô tô ngầm.
"Siêu" dự án hình bông lúa của Kinh Bắc
Hiện nay, mảnh đất 4,2 ha ven Vành đai 3, cách Keangnam khoảng 300 m, dự kiến là nơi làm "siêu" dự án Diamond Rice Flower với kiến trúc hình bông lúa vẫn đang bỏ hoang.
Dự án này do Tổng Công ty CP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) làm chủ đầu tư với tổ hợp gồm một tòa nhà 100 tầng (chiều cao khoảng 400 m), một tòa cao 80 tầng (cao 320 m) và một tòa 15 tầng. Dự án rục rịch thủ tục đầu tư cùng thời với tòa Keangnam nhưng tới nay vẫn chưa khởi công.
Từng có thời điểm, Kinh Bắc đã bán dự án này cho một doanh nghiệp khác. Tới đầu năm 2020, Kinh Bắc lại chi ra gần 1.855 tỉ đồng để mua lại dự án từ Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Dự án Công viên Tây Nam chậm tiến độ nhiều năm
Mảnh đất làm Công viên Tây Nam thuộc địa phận phường Trung Hòa, giáp ranh phường Yên Hòa. Phía Bắc công viên là khu đất công cộng, trường học; phía Tây và Nam là khu đô thị Nam Trung Yên; phía Đông là dự án Home City của Văn Phú Invest, Viện Dầu khí Việt Nam và nhiều nhà ở thấp tầng của cư dân.
Công viên này còn được biết đến với một số tên gọi khác như Công viên hồ điều hòa Yên Hòa, Công viên hồ điều hòa Nam Trung Yên, Công viên hồ điều hòa thuộc Khu đô thị Tây Nam Hà Nội.
Đây là dự án do Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (OceanGroup) hợp tác với Công ty TNHH VNT đầu tư. Dự án có diện tích đất 112.410 m2, tổng mức đầu tư dự kiến là 1.600 tỉ đồng.
Dự án được duyệt qui hoạch chi tiết, hoàn thiện các thủ tục đầu tư từ trước năm 2010. Tuy nhiên, tới nay, Công viên Tây Nam vẫn chậm tiến độ, thậm chí chưa giải phóng xong mặt bằng.
Dự án thi công một phần hạ tầng và dừng nhiều tháng qua.