Xe đạp Thống Nhất lên sàn và vòng quay đơn độc trên sân nhà
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa chấp thuận cho 23,7 triệu cổ phiếu CTCP Thống Nhất Hà Nội giao dịch trên thị trường Upcom với mã chứng khoán TNV, tương ứng giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch là 237 tỷ đồng.
Trước đó, TNV đã hoàn tất thủ tục lưu ký chứng khoán vào ngày 15/8.
Động thái đánh dấu bước tiến mới của nhà sản xuất xe đạp “quốc dân” một thời tại Việt Nam. Nó cũng cho thấy sự đơn độc của Thống Nhất khi là nhà sản xuất xe đạp duy nhất đang hiện diện trên sàn chứng khoán, bền bỉ cạnh tranh với làn sóng đổ bộ của xe đạp nhập ngoại trong những năm gần đây.
Sân chơi của những tên tuổi ngoại
Những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, xe đạp được coi là tài sản giá trị, phương tiện đi lại của đa số người dân. Trong đó, thương hiệu xe đạp Thống Nhất là niềm mơ ước của nhiều người thời bấy giờ.
Được thành lập từ năm 1960, CTCP Thống Nhất Hà Nội (tiền thân là nhà máy xe đạp Thống Nhất) là công ty duy nhất của Việt Nam trong suốt thời gian dài sản xuất ra những chiếc xe đạp “Made in Vietnam”. Thống Nhất được coi là xe đạp “quốc dân” của người Việt.
Không những bán trong nước, xe đạp Thống Nhất còn xuất khẩu sang các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Hong Kong, Cuba, Thái Lan, Lào, Campuchia,… Từ giai đoạn 2004 đến 2017, Xe đạp Thống Nhất liên tiếp tái cơ cấu, trong đó có sáp nhập với một số công ty khác cũng như chuyển từ công ty nhà nước sang cổ phần hoá.
Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim của Xe đạp Thống Nhất không kéo dài được lâu, khi kinh tế mở cửa hội nhập, các thương hiệu xe ngoại ồ ạt đổ vào Việt Nam và Thống Nhất dần đánh mất thị phần.
Năm 2021, trao đổi trên tờ Vietnamnet, ông Hoàng Trung Phong, khi ấy là Giám đốc Kinh doanh của CTCP Thống Nhất Hà Nội cho biết hiện xe đạp Thống Nhất chỉ chiếm 10% thị phần ở Việt Nam. Điều đó có nghĩa 90% thị phần còn lại đang thuộc về các thương hiệu ngoại.
Ngày nay, không khó để người tiêu dùng bắt gặp các thương hiệu xe đạp ngoại nhập bày bán trong các cửa hàng như Trek, Marin, Surly, Specialized (Mỹ), Giant, Asama (Đài Loan, Trung Quốc), Pinarello (Italia), Canyon, Porsche (Đức)…
Thị trường xe đạp Việt Nam với sự cạnh tranh yếu ớt của các doanh nghiệp nội đã trở thành miếng bánh ngon dành cho các ông lớn ngoại.
Theo báo cáo của Statista, doanh thu từ mảng xe đạp tại Việt Nam ước đạt 295,8 triệu USD vào năm 2023. Doanh thu dự kiến ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2023 – 2027 là 5,88%, dẫn đến việc thị trường xe đạp Việt Nam có thể ghi nhận doanh thu đạt mức 371,8 triệu USD vào năm 2027.
Trong khi đó, xét về doanh số, Statista dự đoán doanh số bán xe đạp tại Việt Nam vào năm 2027 sẽ đạt mức 2,49 triệu chiếc. Ngoài ra, doanh số bán xe đạp hàng năm tại Việt Nam, theo dự đoán của Statista, luôn duy trì ở mức trên hai triệu chiếc mỗi năm và tăng trưởng đều qua từng năm trong giai đoạn 2023 – 2027.
Sẵn sàng cho thử thách
Trên Fanpage chính thức của Xe đạp Thống Nhất nổi bật với ảnh bìa mang dòng chữ “ready for challenge”, tạm dịch: sẵn sàng cho thử thách. Đây dường như là quyết tâm của thương hiệu xe đạp “quốc dân” này nhằm đổi mới chính mình, lấy lại thị phần ngay trên sân nhà.
Tháng 4/2023, sau 7 năm chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Xe đạp Thống Nhất đã nhận bàn giao vốn, tài sản, đất đai, lao động từ công ty TNHH MTV Thống Nhất sang CTCP Thống Nhất Hà Nội.
Kể từ khi chuyển đổi mô hình sang cổ phần hoá, Thống Nhất đã có những bước thay đổi trong hoạt động bán hàng. Cụ thể sau khi nâng tổng số đại lý trên toàn quốc lên gần 400 cửa hàng năm 2020, Thống Nhất đã chuyển sang khai thác mảng khách hàng dự án.
Năm 2021, Thống Nhất đã bán hơn 40.000 xe đạp cho Vinamilk, chiếm 60% tổng doanh số bán hàng trong năm. Tiếp đến năm 2022, công ty đã mở rộng hệ thống phân phối trong miền Nam với việc hợp tác cùng AEON và Điện Máy Xanh. Trong năm này, Thống Nhất bán được hơn 100.000 xe đạp, doanh thu 142 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ.
Thống Nhất cũng đầu tư mạnh vào công nghệ sản xuất, mua sắm robot, hệ thống cân vành,… trị giá hơn 7 tỷ đồng nâng năng suất nhà máy lên 300 xe đạp/ngày.
Quan sát biểu đồ tổng hợp dưới đây có thể thấy doanh thu của Thống Nhất đã cải thiện trong những năm gần đây. Sau hai năm chịu lỗ do dịch bệnh, đến năm 2022, Thống Nhất đã ghi nhận lãi 14 tỷ đồng, tăng so với khoản lãi gần 500 triệu đồng tại thời điểm trước khi dịch bùng phát.
Năm 2023, Thống Nhất đạt doanh thu thuần 176 tỷ đồng tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, bán được hơn 130.000 xe đạp các loại. Tuy nhiên, lãi sau thuế chỉ đạt gần 3 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ giá vốn và chi phí bán hàng tăng trong khi hụt thu từ hoạt động tài chính. Năm 2022, Thống Nhất ghi nhận lãi bán các khoản đầu tư gần 8 tỷ đồng nhưng năm 2023 không ghi nhận khoản mục này.
Năm ngoái, công ty cũng tập trung đổi mới, cải thiện mẫu mã sản phẩm để phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, Thống Nhất đã phát triển thêm 10 mẫu sản phẩm mới để đa dạng hóa phân khúc sản phẩm, hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Hệ thống kho xưởng, máy móc trang thiết bị sản xuất cũng tiếp tục được sắp xếp lại, nâng cấp, sửa chữa nhằm đảm bảo sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm. Công ty đã đầu tư mua sắm tài sản cố định gần 8,5 tỷ đồng với hệ thống sàn tầng lửng, gia tăng diện tích phục vụ sản xuất, hệ thống sơn tự động, hệ thống băng tải treo hiện đại cùng nhiều máy móc thiết bị khác.
Nhờ đó, trong năm Thống Nhất sản xuất được hơn 126.000 xe các loại tương đương 420 xe/ngày, tăng hơn 40% so với năm 2022.
Tháng 7/2023, Thống Nhất đã hợp tác với DC ra mắt phiên bản xe đạp giới hạn The Flash, lấy cảm hứng từ nhân vật siêu anh hùng trong bộ phim cùng tên. Mẫu xe đặc biệt này có giá bán hơn 4 triệu đồng.
Năm nay, Thống Nhất đặt mục tiêu doanh thu 162 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2 tỷ đồng.