|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VNDirect: Tỷ lệ đòn bẩy toàn thị trường (không bao gồm ngân hàng) lần đầu tiên tăng lên kể từ quý I/2022

15:01 | 15/05/2023
Chia sẻ
Chứng khoán VNDirect cho biết tỷ lệ đòn bẩy toàn thị trường (không bao gồm ngân hàng) lần đầu tiên tăng lên kể từ quý I/2022 do tổng nợ ngắn hạn tăng 2,3% và tổng vốn chủ sở hữu giảm 2% so với quý IV/2022.

CTCP Chứng khoán VNDirect ước tính tổng lợi nhuận ròng quý I của các công ty niêm yết trên HOSE, HNX và giao dịch tại UPCoM đã giảm hơn 18% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm này thấp hơn so với quý IV/2022 (giảm 32% so với cùng kỳ).

Theo thống kê của VNDirect, quý I, các công ty thép, hoá chất và chứng khoán đã làm lợi nhuận toàn thị trường giảm 13,5 điểm % so với cùng kỳ. Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất thép cho thấy lãi ròng giảm 93%, nhưng đã cải thiện đáng kể so với hai quý lỗ ròng trước đó nhờ giá thép phục hồi và hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

Ngành hóa chất tiếp tục kéo dài xu hướng giảm với lãi ròng quý I chỉ bằng 28% so với cùng kỳ do giá phốt pho và phân bón giảm sâu. Còn các công ty chứng khoán ghi nhận lãi ròng giảm gần 97% bởi thanh khoản thị trường giảm 63% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, ngành du lịch – giải trí và bất động sản lại có mức tăng trưởng tốt về lợi nhuận, đóng góp 4,9 điểm % vào tăng trưởng lợi nhuận ròng quý I. Trong giai đoạn khó khăn, các nhà  phát triển bất động sản vẫn đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng 28% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ đóng góp của CTCP Vinhomes (Mã: VHM) khi công ty này có lãi ròng gấp 2,6 lần cùng kỳ khi ghi nhận các giao dịch bán buôn số lượng lớn. Tuy nhiên, nếu loại trừ Vinhomes, lãi ròng của các nhà phát triển bất động sản đã giảm hơn 40%.

Ngành du lịch - giải trí dần quay trở lại, lần đầu tiên ghi nhận lãi ròng đạt hơn 200 tỷ đồng kể từ sau dịch COVID-19. Kết quả này phần lớn được đóng góp bởi việc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) ghi nhận mức lỗ chỉ còn 104 tỷ đồng so với khoản lỗ 2.613 tỷ đồng trong quý I/2022. 

Mức tăng trưởng lãi ròng và đóng góp của các nhóm ngành vào tăng trưởng chung của toàn thị trường.

Nhóm vốn hoá vừa và nhỏ có mức suy giảm lợi nhuận cao nhất

Thống kê của VNDirect cũng cho biết tổng lợi nhuận ròng quý I của các doanh nghiệp nhóm VN30 đã giảm 11% so với cùng kỳ, trong đó có 14 công ty tăng trưởng lãi ròng và 16 đơn vị có lợi nhuận suy giảm.

Dẫn đầu về mức tăng trưởng là CTCP Vincom Retail (Mã: VRE) với mức 171%, kế đến là Vinhomes (tăng 152%) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX, tăng 155%) . Theo VNDirect, Vincom Retail đã tối ưu hoá chi phí một cách hiệu quả và được hưởng lợi sau khi kết thúc gói hỗ trợ chi phí cho khách hàng thuê.

Còn với Vinhomes, tăng trưởng lợi nhuận đến từ việc bàn giao dự án Vinhomes Ocean Park 2 và ghi nhận các giao dịch bán buôn tại Vinhomes Ocean Park 2 và 3 với tổng lợi nhuận trước thuế 8.500 tỷ đồng, chiếm 56% lợi nhuận trước thuế của công ty này trong quý I.

Trong khi Petrolimex thì phục hồi từ mức thấp của quý I/2022, nhờ nguồn cung xăng dầu ổn định từ các nhà máy lọc dầu trong nước (chủ yếu là Nghi Sơn).

Ở chiều ngược lại, CTCP Đầu tư Thế giới di động (Mã: MWG) là công ty có lợi nhuận ròng giảm mạnh nhất ở mức 98,5%. Điều này đã phản ánh tác động của nhu cầu tiêu dùng suy giảm trong bối cảnh lãi suất tăng cao và một vài công ty tài chính tiêu dùng bị điều tra. 

Mặc dù, quý I, lãi ròng của CTCP Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) giảm 95% nhưng VNDirect nhận định đã có tín hiệu tốt sau hai quý lỗ trước đó.

CTCP Tập đoàn Đâu tư Địa ốc No Va (Novaland - Mã: NVL) là doanh nghiệp duy nhất trong nhóm lỗ ròng, ở mức 337 tỷ đồng khi doanh thu chuyển nhượng bất động sản đã giảm gần 71% so với cùng kỳ.

Mức tăng trưởng lãi ròng của nhóm VN30.

Ở nhóm vốn hóa lớn, lãi ròng có mức giảm 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận của nhóm vốn hóa lớn sụt giảm nhiều hơn so với VN30 chủ yếu đến từ việc lãi ròng của Tổng Công ty Phân bón Dầu khi – CTCP (Đạm Phú Mỹ - Mã: DCM); CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau – Mã: DCM) và Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global – VGI) lần lượt giảm 88%, 85% và 69% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, lãi ròng của nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ giảm mạnh lần lượt giảm 40% và 39%, tuy nhiên, mức này giảm thấp hơn ở quý IV/2022 do tỷ giá hối đoái ổn định và lãi suất thấp hơn.

Mưc tăng trưởng doanh thu, lãi ròng của các nhóm vốn hoá.

Biên lãi gộp báo hiệu sự cải thiện của thị trường

Ngoài ra, VNDirect cũng cho rằng biên lợi nhuận gộp của thị trường đang báo hiệu sự cải thiện khi tăng 0,1 điểm % so với quý IV/2022, đạt 15,5%. Nhóm ngành chứng kiến mức tăng cao nhất so với quý IV/2022 bao gồm du lịch - giải trí, thép, xây dựng - vật liệu. Trong khi, các nhóm ngành bất động sản, hóa chất và bán lẻ có biên lãi gộp giảm mạnh nhất.  

Chi phí lãi vay trung bình trên thị trường cũng đã giảm từ 6% ở quý IV/2022 xuống còn 5,9% do lãi suất tiền gửi 12 tháng của các ngân hàng thương mại giảm 50 điểm cơ bản vào tháng 3 (tính từ mức đỉnh hồi tháng 1) và Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn lần lượt là 1 điểm % và 0,5 điểm % (vào tháng 3).  

Trong khi đó, tỷ lệ đòn bẩy toàn thị trường (không bao gồm ngân hàng) lần đầu tiên tăng lên kể từ quý I/2022 do tổng nợ ngắn hạn tăng 2,3% và tổng vốn chủ sở hữu giảm 2% so với quý IV/2022. 

Biên lợi nhuận gộp toàn thị trường không bao gồm ngân hàng.

 Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của toàn thị trường (không bao gồm ngân hàng).

Đăng Nguyên