|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao PAN không chia cổ tức năm thứ hai liên tiếp dù lợi nhuận tăng trưởng cao?

07:00 | 28/04/2023
Chia sẻ
Việc tăng vốn trong của PAN Group năm nay  được cho là sẽ khó khăn khi giá cổ phiếu giảm xuống thấp. Do đó, quyết định không chia cổ tức nhằm dành tiền cho các khoản đầu tư khi công ty tiếp tục lên kế hoạch M&A trong tương lai.

Không chia cổ tức dù tăng trưởng lợi nhuận đạt hai con số 

Cũng giống như nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán khác, năm nay CTCP Tập đoàn PAN không chia cổ tức dù năm ngoái công ty đạt tăng trưởng lợi nhuận tốt. 

Theo đó, năm 2022, tính chung cả năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất đạt 13.655 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 48% so với 2021.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất cả năm 2022 đạt 794 tỷ đồng, tăng trưởng 51% và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 373 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với năm 2021. Kết quả này cũng vượt kế hoạch lợi nhuận đã được đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 thông qua (755 tỷ lợi nhuận sau thuế và 355 tỷ lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ).

 Số liệu: BCTC PAN Group (H.Mĩ tổng hợp)

Việc lợi nhuận tăng trưởng tốt nhưng PAN vẫn quyết định không chia cổ tức khiến một số cổ đông tại cuộc họp thường niên diễn ra hôm 26/4 không mấy hài lòng. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp PAN không chia cổ tức. 

  H.Mĩ tổng hợp

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT của PAN cho biết việc không chia cổ tức nhằm để dành nguồn lực cho các hoạt động cân đối nguồn vốn và đầu tư phát triển. Mặc dù có lợi nhuận cao nhưng công ty chưa có dòng tiền tốt nên chưa thể chia cổ tức. 

“Tôi cũng là cổ đông lớn nhất, việc chưa chia cổ tức cũng là trăn trở của tôi. Năm nay, hội đồng quản trị cũng tính đến chuyện bằng mọi giá phải chia cổ tức nhưng đánh đổi là phải thu hồi các khoản đầu tư. Chúng ta có lợi nhuận cao và tài sản cũng nhiều, điển hình hình như năm vừa rồi đã hoàn tất thâu tóm 98% cổ phần của Bibica. Tất cả những tài sản đó đều có phần góp vốn của cổ đông”, ông Hưng chia sẻ.

Trước đó, hồi tháng 5/2022, PAN đã chi 524 tỷ đồng mua gần 7,4 triệu cổ phiếu từ 17 nhà đầu tư (giá 71.000 đồng/cổ phiếu), trên tổng số 7,7 triệu cổ phiếu đăng ký mua. 

Sau giao dịch, PAN sở hữu hơn 18,4 triệu cổ phiếu của Bibica, tương ứng 98,3% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết. 

Ngoài ra, PAN đầu tư vào công ty con là CTCP Thực phẩm Sao Ta để mở rộng vùng nuôi tôm. Năm ngoái, Sao Ta nhận chuyển nhượng 203 ha vùng nuôi tôm từ Công ty TNHH Vĩnh Thuận và sở hữu 100% vốn từ công ty này. Quá trình chuyển nhượng được chia làm hai giai đoạn với tổng vốn đầu tư là 200 tỷ đồng. Tại thời điểm chuyển nhượng, Sao Ta có 250 ha vùng nuôi riêng và doanh nghiệp hướng tới mở rộng vùng nuôi tôm tối đa, hướng đến mục tiêu đạt trên 500 ha nuôi tôm đến 2025.

“Tất cả những đầu tư tài sản ấy đều là những cơ hội tích góp những tài sản có giá trị cho tập đoàn. Vậy đặt lại câu hổi cổ đông có gì nếu không chia cổ tức? Cổ đông có tài sản. Nếu bán toàn bộ tài sản, toàn bộ cổ phần các công ty con rồi chia nhau thì lợi hơn chia cổ tức rất nhiều, tất nhiên chúng ta không làm điều đấy. Định đoạt tất cả những câu chuyện này là chia từng giai đoạn. Tôi cũng là cổ đông, tôi cũng không được lợi ích hơn các cổ đông khác bất kỳ điều gì cả”, ông Hưng cho biết. 

Theo báo cáo tài chính sau kiểm toán của PAN, tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản đạt 16.081 tỷ đồng, tăng 3,5% so với đầu năm. Trong đó, tài sản dài hạn tăng 10% lên 5.966 tỷ đồng. 

 Số liệu: BCTC PAN Group (H.Mĩ tổng hợp)

Trong cơ cấu nguồn vốn, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1. Cụ thể, nợ phải trả là 8.203 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu là gần 7.878 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. 

Trong năm nay, PAN đặt kế hoạch hoạch kinh doanh tăng trưởng nhẹ so với năm ngoái. Theo đó, kế hoạch doanh thu 15.156 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng 840 tỷ đồng, tăng 5,8%.

Ông Hưng cho biết trong năm 2023 nếu công ty đạt kế hoạch, mức cổ tức dự kiến ít nhất là 5% bằng tiền

"Chúng ta cố gắng chờ một chút nữa thôi. Tôi hứa các cổ đông rằng sang năm có cổ tức. Tôi cũng rất cần cổ tức. Nếu cổ đông không có cổ tức thì sống bằng cái gì? Điều đó tôi công nhận. Chúng ta không thể giữ nhiều tài sản nhiều mãi được", Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng trấn an cổ đông.

  Ảnh: PAN Group (Đồ hoạ: H.Mĩ)

Giá cổ phiếu thấp cản trở việc tăng vốn

Như vậy, lý do chính của việc không chia cổ tức năm nay của PAN là dành tiền cho các khoản đầu tư. Ông Hưng cũng chia sẻ việc mua bán, sáp nhập là “câu chuyện luôn luôn, không chỉ mua không mà còn bán ra. Việc bán cổ phần của Sao Ta cho C.P. năm ngoái là một ví dụ”.  

“Trong các quyết định kinh doanh mỗi người có ý kiến khác nhau nhưng ai đang là người giữ quyền thì điều hành thì cho người ta quyết định”, ông Hưng nói.

Ông cho biết PAN sẽ tiếp tục các thương vụ M&A trong tương lai có thể đứng từ phía tập đoàn hoặc từ các công ty thành viên, tuỳ thuộc vào dòng tiền và đối tác.  

Tuy nhiên, năm vừa qua, PAN gặp khó khăn trong việc tăng vốn khi thị trường chứng khoán ảm đảm và giá cổ phiếu PAN cũng lao dốc. Cuối năm 2021, đầu 2022 sau khi thông tin PAN bán cổ phần của Sao Ta cho ông lớn Thái Lan là C.P. giá cổ phiếu PAN tăng phi mã lên đỉnh 4 năm, lên 42.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại giá cổ phiếu giảm hơn một nửa còn 18.500 đồng/cổ phiếu do ảnh hưởng bởi thị trường chung.

 Số liệu: Investing (H.Mĩ tổng hợp)

Và ông Hưng thừa cũng thừa nhận đây là một trong hai vấn đề lớn của PAN, bên cạnh việc không chia cổ tức.

Việc giá cổ phiếu giảm khiến việc tăng vốn trở nên khó khăn hơn. Với mức giá 18.500 đồng/cổ phiếu, giá trị cổ phiếu đang thấp hơn so với giá trị sổ sách và thấp hơn giá thanh lý. Do đó, công ty không có ý định huy động vốn với giá thị trường lúc này. 

“Thậm chí nếu cổ phiếu PAN tăng bằng lần, chúng ta cũng chưa thể nghĩ đến chuyện tăng vốn”, ông Hưng cho biết.

Ông Hưng nói thêm không có kế hoạch mua cổ phiếu quỹ để đỡ giá cổ phiếu bởi lượng tiền có hạn khi năm ngoái đã phải chi tiền nâng tỷ lệ sở hữu tại Bibica đồng thời đầu tư vào Sao Ta để mở rộng vùng nuôi… Hiện tại, Tập đoàn đang ưu tiên tài sản cho khoản đầu tư mang lại giá trị dài hạn, hơn là hướng tới giá cổ phiếu do lượng tiền của tập đoàn không phải vô hạn.

Trước đó, PAN lên kế hoạch phát hành thêm tối đa 188 triệu cổ phần, tương đương 90% số cổ phiếu đang lưu hành.

Trong đó, tập đoàn sẽ phát hành tối đa 83.557.990 cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 5:2.

Đồng thời, PAN dự kiến chào bán tối đa 104.447.375 cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cp. Tỷ lệ phát hành là 2:1.

PAN dự kiến sẽ thu được khoảng gần 1.567 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

825 tỷ đồng sẽ dùng để nâng tỷ lệ sở hữu tại 5 công ty có hoạt động kinh doanh hiệu quả và tăng trưởng tốt nhằm nâng cao lợi ích tổng thể cả tập đoàn và tạo điều kiện lựa chọn, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho từng công ty bằng việc chuyển nhượng vốn/phát hành mới tại các công ty tương ứng.

Nỗi trăn trở của giá cổ phiếu thấp cũng từng được để cập tại cuộc gặp cổ đông của ban lãnh đạo với nhà đầu tư vào cuối năm ngoái. 

Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc của PAN cho biết bản thân đang giữ khá lớn cổ phiếu nhiều năm nay chưa bán ra cổ nào.

“Giá cổ phiếu chúng tôi kỳ vọng ở mức độ cao nhất nhưng nhiều khi cũng tủi thân vì tập đoàn sở hữu toàn công ty tốt nhất Việt Nam mà không hiểu sao giá cổ phiếu lại như thế. Đó là trăn trở của ban lãnh đạo không riêng ai”, bà My cho biết.

Ngoài ra, lãnh đạo PAN cho rằng giá cổ phiếu phụ thuộc vào thị trường, chứ không phải một cá nhân nào, đặc biệt là một công ty làm ăn minh bạch tối đa như PAN.

“Chúng tôi bán gói kẹo mười mấy nghìn đồng mà đẩy doanh số mười mấy nghìn tỷ là cố gắng lắm rồi. Hy vọng nhà đầu tư hiểu rõ hơn về cách đi kế hoạch thời gian tới giai đoạn bùng nổ của PAN giúp giá cổ phiếu cải thiện hơn thời gian tới", bà My nói.

Theo ông Hưng, việc PAN có duy trì kế hoạch phát hành hay không còn tuỳ thuộc vào thị trường vốn, tất cả mảng khó khăn năm ngoái vẫn tăng trưởng tốt. Động lực tăng trưởng kinh doanh của Tập đoàn PAN là rất tốt. Cái chưa tốt của PAN là kiểm soát dòng tiền, làm sao để chia cổ tức tiền cho cổ đông.

H.Mĩ