|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì một công ty dược tăng trưởng quá nhanh, Đan Mạch có nguy cơ rơi vào 'cái bẫy Nokia' mới?

17:55 | 04/08/2024
Chia sẻ
Hãng dược Novo Nordisk, nhà sản xuất loại thuốc Ozempic nổi tiếng, gần như đã một mình đẩy lui suy thoái cho Đan Mạch vào năm 2023.

Trụ sở Novo Nordisk ở Đan Mạch. (Ảnh: Novo Nordisk). 

Gã khổng lồ quyền lực

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu nền kinh tế của một quốc gia phụ thuộc vào một sản phẩm duy nhất? Đó là câu hỏi mà Đan Mạch cần phải trả lời, bởi nền kinh tế nước này đang vận hành dựa trên Ozempic - loại thuốc điều trị tiểu đường được nhiều người sử dụng để giảm cân.

Ozempic là động cơ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Doanh số bán loại thuốc này tăng 60% trong năm 2023. Tại Mỹ, số đơn thuốc kê Ozempic và các loại dược phẩm tương tự tăng gấp 4 lần trong giai đoạn 2020 - 2022. Thậm chí Mỹ - một trong những thị trường lớn nhất của Ozempic - còn thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu hụt.

Novo Nordisk, hãng dược Đan Mạch sản xuất Ozempic, đang gặt hái vô số lợi ích từ cơn sốt này. Lợi nhuận ròng của công ty tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2023, giá cổ phiếu leo lên tầm cao mới.

Vào cuối năm 2023, Novo Nordisk trở thành doanh nghiệp lớn nhất châu Âu tính theo vốn hóa. Công ty dược phẩm này hiện đang thống trị nền kinh tế Đan Mạch, tạo ra cả tác động tiêu cực lẫn tích cực.

Novo Nordisk là doanh nghiệp tạo ra gần 20% việc làm ở Đan Mạch vào năm ngoái.

Song, nếu tính cả các công việc mà Novo Nordisk tạo ra một cách gián tiếp - ví dụ như tại các nhà cung ứng - thì gần một nửa số việc làm mới trong khu vực tư nhân ở Đan Mạch vào năm ngoái có liên quan tới gã khổng lồ này.

Hơn thế nữa, nếu không có sự đóng góp của ngành dược phẩm thì GDP năm 2023 của Đan Mạch đã tăng trưởng âm. Nói cách khác, Novo Nordisk gần như đã một mình chặn đứng suy thoái cho Đan Mạch.

 

Căn bệnh Hà Lan

Trong kinh tế, quá nhiều điều tốt cũng có thể gây hại. Một trong những trường hợp minh đáng chú ý là “căn bệnh Hà Lan”. Khi người Hà Lan phát hiện trữ lượng khí tự nhiên lớn ở Groningen vào năm 1959, họ cố gắng khai thác và xuất khẩu nguồn tài nguyên này nhanh nhất có thể.

Hoạt động xuất khẩu khí tự nhiên mạnh mẽ khiến nhu cầu và giá đồng guilder của Hà Lan tăng vọt, dẫn đến việc các hàng hóa xuất khẩu khác mất đi sức cạnh tranh. Kết cục là ngành sản xuất của Hà Lan bị tàn phá và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Một số nhà kinh tế lo ngại sự xuất hiện của loại thuốc giảm cân thần kỳ mà nhiều người trên thế giới muốn có có nguy cơ khiến Đan Mạch nhiễm “căn bệnh Hà Lan”.

Trên thực tế, doanh số bán thuốc bùng nổ của Novo Nordisk đã thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của Đan Mạch và đem về lượng lớn ngoại tệ cho quốc gia này.

Song, Novo Nordisk phải đổi kha khá ngoại tệ thành đồng krone của Đan Mạch để trả lương nhân viên và nộp thuế cho chính phủ, mở rộng nhà máy ở quê nhà,… Điều này gây áp lực tăng giá cho đồng krone so với những đồng tiền khác, ví dụ như USD hay euro.

Để bù đắp tác động mà Novo Nordisk gây ra với đồng nội tệ, ngân hàng trung ương Đan Mạch phản ứng bằng cách duy trì lãi suất thấp.

Ông Jens Nærvig Pedersen, Giám đốc thị trường ngoại hối và lãi suất tại Danske Bank, chia sẻ với Bloomberg: “Việc thuốc giảm cân tác động đến lãi suất ở Đan Mạch nghe rất kỳ lạ, nhưng nó là sự thực”.

Cái bẫy Nokia mới?

Nhiều chuyên gia cảnh báo Đan Mạch nên cẩn thận để tránh giẫm vào vết xe đổ của Hà Lan và rơi vào “cái bẫy Nokia” mới. Đầu những năm 2000, Nokia là nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới. Công ty này đóng góp gần 25% tăng trưởng kinh tế của Phần Lan và chiếm hơn 20% xuất khẩu của nước nhà.

Tuy nhiên, bắt đầu từ khoảng năm 2004, Nokia nhanh chóng mất thị phần vào tay Apple và các nhà sản xuất smartphone. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ập đến đúng lúc đó và Phần Lan rơi vào suy thoái.

So với các nước láng giềng Bắc Âu, nền kinh tế Phần Lan sụt giảm mạnh hơn và quá trình phục hồi cũng diễn ra chậm hơn nhiều.

Rất nhiều người tin rằng sự sụp đổ của Nokia đã khiến nền kinh tế Phần Lan ngã gục. Thủ tướng Phần Lan khi đó còn bình luận trong một cuộc phỏng vấn: “Steve Jobs đã lấy mất việc làm của chúng ta”.

Đan Mạch và Phần Lan gần gũi nhau về mặt địa lý và có nhiều điểm tương đồng về kinh tế. Liệu Đan Mạch cũng có nguy cơ rơi vào cái bẫy Nokia hay không? Câu trả lời không hề đơn giản.

Khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra cùng lúc với sự suy yếu của Nokia. Điều đó cho thấy nhiều rắc rối kinh tế của Phần Lan không liên quan tới Nokia.

Viện Nghiên cứu Kinh tế Phần Lan ước tính rằng Nokia chịu trách nhiệm cho hơn 30% mức giảm GDP và 20% số việc làm bị mất của Phần Lan trong giai đoạn năm 2008 - 2014. Tuy những con số trên rất đáng kinh ngạc, chúng rõ ràng không chiếm đa số.

Hiện tại khả năng Novo Nordisk sớm sụp đổ như Nokia là rất thấp, nhưng họ cũng đối mặt với một số thách thức. Nhiều quốc gia đang xem xét tăng cường kiểm soát giá thuốc của hãng dược này.

Ngoài ra, bằng sáng chế của Novo Nordisk với thuốc Ozempic sẽ hết hạn trong vòng một thập kỷ tới, đến khi đó công ty sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều đối thủ khác. 

Và như những gì dữ liệu GDP cho thấy, nếu Novo ngừng tăng trưởng thì nhiều khả năng nền kinh tế Đan Mạch cũng vậy. Đây chính là cái bẫy Nokia của Đan Mạch.

Cách tốt nhất để tránh kịch bản này là các doanh nghiệp Đan Mạch khác phải tăng trưởng nhanh hơn và tạo ra nhiều giá trị hơn Novo Nordisk. Khi đó, tốc độ tăng trưởng của Đan Mạch sẽ được thúc đẩy bởi nhiều công ty hơn là chỉ một gã khổng lồ.

Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.