|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vì đâu lợi nhuận Vinaconex giảm gần 70% năm 2021?

09:41 | 30/01/2022
Chia sẻ
Trong năm 2021, Vinaconex đạt 5.742 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi sau thuế gần 531 tỷ; tăng trưởng 3,4% về doanh thu và giảm gần 70% về lợi nhuận.

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) vừa công bố báo tài chính quý IV/2021 với lợi nhuận sau lũy kế cả năm là hơn 531 tỷ đồng, giảm gần 70% so với 2020 và tương đương hơn 53% kế hoạch năm.

Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ việc trong năm 2020, Vinaconex đã lãi hơn 2.805 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng công ty con, công ty liên doanh và liên kết; trong khi đó, năm 2021, công ty chỉ thu về gần 246 tỷ đồng từ hoạt động này.

Mặt khác, doanh thu thuần của công ty vẫn tăng trưởng 3,4% lên 5.742 tỷ đồng. Về cơ cấu doanh thu, mảng hoạt động xây lắp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (60,5%), tăng trưởng 7%. Doanh thu sản xuất công nghiệp và cho thuê, cung cấp dịch vụ,.. xếp sau đó với tỷ trọng lần lượt là 18,5% và 14,8%.

Lợi nhuận Vinaconex sụt giảm gần 70%, nợ tăng gần gấp đôi trong năm 2021 - Ảnh 1.

(Nguồn: Báo cáo tài chính Vinaconex).

Một điểm đáng chú ý khác đó là chi phí quản lý doanh nghiệp đã giảm mạnh hơn 90% xuống còn 130 tỷ đồng, do công ty không còn phải trích hàng nghìn tỷ đồng để dự phòng các khoản phải thu khó đòi.

Lợi nhuận Vinaconex sụt giảm gần 70%, nợ tăng gần gấp đôi trong năm 2021 - Ảnh 2.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Xét riêng trong quý IV/2021, mặc dù doanh thu tăng trưởng 22%, song do chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến, lợi nhận sau thuế của Vinaconex vẫn sụt giảm 30% xuống còn 174 tỷ đồng

Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của Vinaconex là 31.194 tỷ đồng, tăng 60% so với đầu năm. 

Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn - chiếm tỷ trọng lớn nhất, tăng hơn 45% lên 10.852 tỷ đồng; các khoản phải thu dài hạn tăng hơn 11 lần lên 2.380 tỷ đồng; các khoản đầu tư tài chính (ngắn hạn + dài hạn) tăng gấp đôi lên 5.412 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của công ty đã tăng 90% lên 23.554 tỷ đồng, cao gấp 3 lần vốn chủ sở hữu và chiếm khoảng 75% nguồn vốn. Chỉ tiêu biến động mạnh nhất đến từ các khoản vay và nợ thuê tài chính.

Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng gấp 2,3 lên 5.027 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng gấp 3 lần (chủ yếu từ phát hành trái phiếu) lên 6.649 tỷ đồng.

Ngoài ra, khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn cũng tăng 2,8 lần lên 6.592 tỷ đồng.

Lợi nhuận Vinaconex sụt giảm gần 70%, nợ tăng gần gấp đôi trong năm 2021 - Ảnh 3.

(Nguồn: Báo cáo tài chính Vinaconex).

Lê Huy