Tỷ giá trong hai năm kinh tế khó khăn: Từ nổi sóng rồi bình lặng, đến dự báo sẽ biến động mạnh vào cuối 2023
Giai đoạn căng thẳng nhất của tỷ giá
“Lạm phát sẽ tràn vào nếu phòng tuyến tỷ giá bị phá vỡ”, TS.Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam nói tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 18/9/2022 trong bối cảnh giá USD tại phần lớn ngân hàng được giao dịch quanh vùng 23.800 đồng, mức cao nhất tính đến thời điểm đó.
Vùng 23.800 đồng nhanh chóng được xô đổ. Hai tháng 9 và 10/2022 là giai đoạn giá USD ngân hàng liên tục xác lập kỷ lục mới, có lúc lên đến 24.800 đồng, cũng là giai đoạn căng thẳng nhất của tỷ giá.
Với khối doanh nghiệp, hơn ai hết họ là người cảm nhận rõ nhất sức ép của tỷ giá ảnh hưởng trực tiếp lên hoạt động kinh doanh.
“Chênh lệch tỷ giá tăng cao, doanh nghiệp không cẩn thận chưa làm đã lỗ”, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 nói, khi đó doanh nghiệp đối mặt khó khăn kép khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hai lần tăng lãi suất và tỷ giá tăng cao.
Trước giai đoạn tỷ giá căng thẳng nhất, bức tranh kinh doanh quý II/2022 của nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận những khoản lỗ chênh lệch tỷ giá khá lớn từ vài trăm đến nghìn tỷ đồng như Tập đoàn Vingroup báo lỗ 1.014 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá, trong khi cùng kỳ lãi 36 tỷ đồng; Vietnam Airlines ghi nhận khoản lỗ tỷ giá 841 tỷ đồng, tăng gần 34 lần so với cùng kỳ năm 2021 hay Hòa Phát lỗ chênh lệch tỷ giá (chưa thực hiện và đã thực hiện) 1.270 tỷ đồng, gấp 6,4 lần con số của quý II/2021.
Tỷ giá bắt đầu có tín hiệu dịu lại từ giữa tháng 11/2022 khi chỉ số USD Index – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh xu hướng đi xuống và về vùng thấp nhất trong 3 tháng (106 điểm). Tại Vietcombank, giá USD có lúc lên gần 24.900 đồng nhưng thời điểm giữa tháng 11 dao động 24.580 – 24.860 đồng.
Kết thúc năm 2022 đầy sóng gió, tỷ giá USD/VND chỉ tăng khoảng 3,81% so với cuối năm 2021. Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, mức mất giá của VND so với USD thấp hơn các đồng tiền khác trên thế giới.
Tỷ giá tăng trở lại sau nửa năm bình lặng
Sau khoảng nửa năm ổn định, tỷ giá bất ngờ tăng trở lại vào đầu tuần trước, có lúc giá USD vượt 24.000 đồng – cao nhất trong nhiều tháng. Sau 4 phiên tăng liên tiếp, đến ngày 18/8, giá USD mới quay đầu giảm về dưới mốc 24.000 đồng.
Hiện thị trường có hai luồng nhận định trái chiều, một là cho rằng rủi ro tỷ giá không quá lớn, biến động tăng đột biến của tỷ giá USD/VND tuần vừa qua chỉ mang tính chất ngắn hạn. Ý kiến còn lại thận trọng hơn, thậm chí cảnh báo kịch bản tỷ giá biến động mạnh như cuối năm 2022 có thể lặp lại.
TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả, Bộ Tài chính cho rằng cần hết sức cẩn trọng với vấn đề tỷ giá vì bối cảnh năm nay khá giống năm ngoái.
"Tỷ giá tăng cao khá giống với giai đoạn tháng 8, tháng 9 năm ngoái, khi đó NHNN đã phải sử dụng khoảng 25 tỷ USD/100 tỷ USD để duy trì tỷ giá. Tỷ giá đột ngột tăng cao cũng là lý do cơ bản khiến NHNN phải điều chỉnh tăng lãi suất hai lần liên tiếp mỗi lần 1% vào tháng 9 và tháng 10/2022", ông nói.
Nguyên nhân là do năm ngoái khi Fed và một số ngân hàng Trung ương tăng lãi suất Việt Nam vẫn chưa tăng. Trước tháng 9/2022 lãi suất vẫn còn ở mức khá thấp nhưng sau đó tỷ giá đột ngột tăng phi mã nên NHNN đã phải liên tiếp tăng lãi suất để ổn định mặt bằng tỷ giá.
Với năm nay, NHNN nỗ lực rất nhiều để đưa lãi suất điều hành về mức thấp như hiện nay nhưng Fed và các quốc gia châu Âu vẫn chưa hạ lãi suất nên bối cảnh khá giống năm ngoái. Hiện nay mới chỉ có một số quốc gia châu Á như Trung Quốc hay Nhật Bản nới lỏng chính sách tiền tệ còn Mỹ hay châu Âu thì vẫn tăng lãi suất và mới chỉ để ngỏ khả năng sẽ giữ lãi suất ở mức cao cho đến hết năm nay chứ chưa có động thái quay đầu giảm.
“Bối cảnh giống nhau nên hoàn toàn có khả năng tỷ giá sẽ bùng lên vào cuối quý III, đầu quý IV, tương tự năm 2022. Chỉ có điểm khác đó là năm nay xuất khẩu rất kém và nhập khẩu còn sụt giảm mạnh hơn nên thặng dư thương mại cao gấp mấy lần năm ngoái. Điều này sẽ tác động tích cực đến cán cân thanh toán”, ông Ánh phân tích.
“Tỷ giá sẽ chịu áp lực tăng trong ngắn hạn”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam nói trong nhận định mới nhất, thậm chí đưa ra dự báo giá USD sắp tới có thể vượt lên 25.000 đồng.
“Fed có nhiều lý do hơn nữa để tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9 sắp tới khi mối lo ngại lạm phát tăng đang quay trở lại trong bối cảnh giá dầu, giá nông sản, giá phân bón đều tăng”, ông cho hay.
Đại diện Chứng khoán Yuanta Việt Nam đồng thời đưa ra một kịch bản xấu hơn trong trường hợp dự trữ ngoại hối về mức thấp. Khi không đủ dự trữ ngoại hối, Việt Nam sẽ không có công cụ để kiểm soát tỷ giá, khi đó buộc phải dùng đến công cụ lãi suất, nguy cơ tăng lãi suất có thể xảy ra.
Tuy nhiên nguồn cung ngoại tệ dồi dào vẫn đang hỗ trợ tỷ giá không tăng mạnh. Hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn khoảng 88 tỷ USD, kỳ vọng về cuối năm có thể tăng lên hơn 100 tỷ USD nhờ dòng vốn FDI giải ngân ổn định, xuất khẩu phục hồi nhẹ và lượng kiều hối về sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm do yếu tố mùa vụ.
Trong bối cảnh USD được dự báo sẽ neo ở mức cao nhờ lãi suất hấp dẫn và vai trò nơi trú ẩn an toàn giữa lúc kinh tế thế giới lao đao, giới chuyên gia cho rằng tiền đồng có thể mất giá 2%, mức mất giá này sẽ không khiến NHNN có hành động cụ thể để ổn định tỷ giá như nâng lãi suất hay bán ra ngoại hối.
Theo nhận định của ngân hàng HSBC, tiền đồng vẫn có khả năng tăng giá trở lại khi những yếu tố nội tại của kinh tế vẫn đưa ra những dấu hiệu tích cực, đồng thời Fed đã đi đến gần cuối chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Nhóm phân tích giữ nguyên dự báo mức tỷ giá bình quân 23.450 đồng vào cuối quý III và 23.350 đồng vào cuối năm nay.
Chứng khoán Rồng Việt cho rằng tỷ giá USD/VND có thể tăng vượt mức 24.500 nếu USD tăng tốc mạnh nhưng áp lực có thể không mạnh bằng năm trước do năm nay Việt Nam sẽ ghi nhận thặng dư thương mại cao kỷ lục, lạm phát trong xu hướng giảm và dự trữ ngoại hối đang được tích lũy trở lại.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo trong 6 tháng cuối năm, nguồn cung ngoại tệ tiếp tục đến từ xuất siêu, FDI và kiều hối. Ngoài ra, một số thương vụ bán vốn lớn tại SHB, Thaco và Vincom Retail cũng như phát hành trái phiếu quốc tế của Vinhomes có thể mang lại lượng ngoại tệ lớn.