|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Từng phản đối gay gắt, tại sao ông Trump lại ‘quay xe’ ủng hộ bitcoin?

15:49 | 19/07/2024
Chia sẻ
Trong quá khứ, cựu Tổng thống Trump từng chỉ trích mạnh bitcoin và tiền mã hóa. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử năm 2024, ông Trump đã thay đổi quan điểm với lớp tài sản này.

Năm 2019, trong một bài đăng trên X (Twitter), cựu Tổng thống Donald Trump từng thừa nhận mình không thích bitcoin hay những đồng tiền mã hóa khác. 

Ông cho rằng những tài sản này “không phải là tiền, giá thì biến động mạnh” và “không dựa trên gì cả”. Ngoài ra, vị Tổng thống này cũng cho biết tài sản mã hóa không được quản lý sẽ hỗ trợ các hành vi phạm pháp như buôn bán ma túy.

Tuy nhiên, 5 năm sau đó, trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024, ông Trump lại “quay ngoắt 180” và bày tỏ quan điểm ủng hộ tiền mã hóa, bitcoin. 

Ứng cử viên thân thiện với bitcoin

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với Bloomberg, khi được phóng viên hỏi tại sao lại thay đổi quan điểm nhanh đến vậy đối với tiền mã hóa, ông Trump trả lời rằng nguyên nhân là do Trung Quốc. 

“Nếu chúng ta không làm thì Trung Quốc sẽ làm”, ông nhấn mạnh. Ngoài ra, cựu Tổng thống Mỹ cho rằng tiền mã hóa sẽ không biến mất và công nghệ này thực sự “tuyệt vời”. 

Đồng thời, cựu Tổng thống Trump cũng giải thích rằng việc phát hành các bộ sưu tập NFT đã giúp ông “mở mắt” về tiềm năng một loại tiền tệ mới. Theo ông, khoảng 80% NFT được trả bằng tiền mã hóa và bán hết chỉ trong một ngày.

Không những thế, trong bài phỏng vấn, ông Trump còn nhắc đến việc CEO của JPMorgan, Jamie Dimon đã thay đổi quan điểm với bitcoin và tiền mã hóa. Trước kia, ông Dimon từng phê phán gay gắt bitcoin, gọi đồng tiền này là “lừa đảo” và “mô hình Ponzi”. 

CEO JPMorgan và cựu Tổng thống Trump (phải). (Ảnh: Bloomberg).

Việc ông Trump lựa chọn vị phó tướng cũng cho thấy sự ủng hộ với ngành công nghiệp tiền mã hóa. Đầu tuần, cựu Tổng thống Mỹ đã chọn Thượng nghị sĩ James David Vance là ứng viên Phó Tổng thống.

Vào năm 2021, trong cuộc đua vào Thượng viện, ông Vance tiết lộ sở hữu 100.000 USD bitcoin. Đồng thời, ông cũng nhận được nguồn tài trợ chiến dịch đáng kể từ doanh nhân ủng hộ tiền điện tử Peter Thiel.

Đầu năm nay, ông Vance đã đề xuất dự thảo luật để sửa đổi các quy định về tiền mã hóa và làm rõ hơn về việc cơ quan chức năng nào sẽ quản lý các đồng tiền, token. Politico đưa tin rằng dự thảo này này có vẻ “thân thiện với ngành công nghiệp hơn” so với các dự luật trước đó.

Tháng 6, ông Trump cũng xuất hiện tại một sự kiện với các doanh nghiệp khai thác tiền mã hóa tại Mỹ. Sau khi trở về, ông đưa ra tuyên bố sẽ muốn tất cả bitcoin còn lại được “sản xuất tại Mỹ”. 

Ngày 27/7 sắp tới, ông Trump dự kiến sẽ tham dự một buổi gây quỹ trị giá 15 triệu USD tại Hội nghị Bitcoin 2024 ở Nashville. Vậy điều gì đã khiến cựu Tổng thống Mỹ bất ngờ thay đổi quan điểm với tiền mã hóa?

Hàng chục triệu phiếu bầu tiềm năng

FiveThirtyEight cho biết theo các khảo sát tỷ lệ của ủng hộ của ông Trump đang nhỉnh hơn so với ông Biden khoảng 3,1 điểm %, đặc biệt sau màn trình diễn đáng thất vọng của đương kim Tổng thống Mỹ. 

Tuy nhiên, cách biệt này chưa đủ để đảm bảo chắc chắn cho chiến thắng, Việc tìm đến sự ủng hộ từ những người sử dụng tiền số có thể là một sự lựa chọn chiến lược để giành thêm phiếu bầu.

Ông Trump đang dẫn trước nhưng với khoảng cách không quá lớn.

Theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), 7% người trưởng thành tại Mỹ sở hữu tiền mã hóa vào năm 2023. Còn dữ liệu của công ty đầu tư Paradigm lại cho rằng 28% cử tri Đảng Cộng hòa sở hữu tiền mã hóa. Coinbase đưa ra con số 52 triệu người Mỹ nắm giữ tài sản này. 

Các ước tính cho thấy có từ 23 triệu đến 52 triệu người Mỹ sở hữu bitcoin. Đây thực sự là một con số đáng kể và có thể thay đổi kết quả của một cuộc bầu cử.

Tất nhiên, không phải tất cả mọi người sở hữu tiền mã hóa đều sẽ ủng hộ ứng cử viên của Đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, ông Trump cũng chẳng cần đến hàng chục triệu phiếu bầu để giành chiến thắng.

Nhà sáng lập của công ty nghiên cứu Messari, ông Ryan Selkis cho biết tại những bang chiến địa, cách biệt thường chỉ là hàng chục nghìn phiếu bầu. “Bạn không cần 50 triệu phiếu bầu. Bạn chỉ cần vài trăm nghìn phiếu bầu ở những nơi cần thiết”, ông nói. 

Chi phí vận động tranh cử

Các cuộc bầu cử tại Mỹ ngày càng tiêu tốn nhiều tiền bạc. Theo thống kê của tổ chức OpenSecrets, cuộc bầu cử năm 2004 giữ Tổng thống George W. Bush và ông John Kerry chỉ tiêu tốn khoảng 500 triệu USD. 

Tuy nhiên, sang đến 2020, số tiền mà các ứng viên thu hút được cho nỗ lực tranh cử đã lên tới gần 4 tỷ USD. Trong đó, riêng ông Biden là 1,6 tỷ USD, còn ông Trump là 1,1 tỷ USD. Đây là mức chi phí rất lớn, ngay cả với tỷ phú có tài sản ròng lên tới 6 tỷ USD như ông Trump. 

Do đó, việc cựu Tổng thống Mỹ và Đảng Cộng hòa tỏ ra thân thiện với tiền mã hóa cũng có thể là động thái nhằm thu hút ủng hộ. OpenSecrets cho biết tính đến nay, ông Trump đang dẫn trước trong nỗ lực gây quỹ khi thu về được gần 430 triệu USD trong khi đối thủ là Tổng thống Biden chỉ mới thu được hơn 400 triệu USD.

Khoảng 1/4 số tiền ủng hộ cho ông Trump (97 triệu USD) đến từ lĩnh vực chứng khoán và đầu tư. Trong khi đó, ông Biden mới chỉ nhận được 32 triệu USD từ lĩnh vực này. Những cái tên đứng đầu về quy mô ủng hộ tranh cử năm 2024 như nhà đầu tư Timothy Mellon, Susquehanna International, Citadel, Coinbase, Ripple, Andreessen Horowitz đều có mối quan hệ với thị trường tiền mã hóa. 

Ông Trump đang thu hút được rất nhiều sự ủng hộ từ các quỹ đầu tư, ngân hàng và công ty tiền mã hóa.

Ngoài những cái tên kể trên, ông Trump còn nhận được khoản hỗ trợ đáng kể bằng tiền mã hóa. Hai nhà sáng lập sàn giao dịch Gemini, Cameron và Tyler Winklevoss, mỗi người đã quyên góp 1 triệu USD bằng BTC cho chiến dịch của ông Trump. Tương tự, nhà sáng lập sàn Kraken, ông Jesse Powell đã quyên góp một lượng Ethereum (ETH) đáng kể cho cựu Tổng thống Mỹ.

Tại cuộc gặp gỡ vào tháng 6 giữ các thợ đào bitcoin và cựu Tổng thống Trump, ông David Bailey, CEO của BTC Inc, khẳng định: “ngành công nghiệp của chúng tôi dự định sẽ biến bitcoin và tiền mã hóa trở thành một vấn đề quan trọng trong cuộc bầu cử năm 2024”. 

“Ngành công nghiệp của chúng tôi cam kết sẽ huy động hơn 100 triệu USD và 5 triệu cử tri cho nỗ lực trở lại Nhà Trắng của ông Trump”, vị này nói thêm. 

Minh Quang

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.