Tổ chức trong nước giao dịch thế nào khi VN-Index tăng điểm trở lại sau hai tuần điều chỉnh liên tục?
VN-Index tăng điểm trở lại sau hai tuần giảm điểm trước đó. Áp lực bán tiếp tục nối dài trong hai phiên đầu tuần để kéo giảm chỉ số về gần mức hỗ trợ 1.030 điểm. Tuy nhiên, lực mua trở lại tại đây để giúp chỉ số chung bật tăng trở lại đầy mạnh mẽ và sắc xanh này liên tục được củng cố. Kết tuần, VN-Index tăng 15,61 điểm, tương đương 0,38% so với tuần trước, đạt mức 1.059,31 điểm.
Giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình trên toàn thị trường đạt 8.576 tỷ đồng, giảm 3,89% so với tuần trước.
Độ rộng cải thiện nhưng thị trường có sự phân hóa mạnh tại các cổ phiếu lớn và không có sự hỗ trợ của dòng tiền ngoại nên VN-Index chưa thể lấy lại mốc 1.060 điểm. Thị trường ghi nhận 14/19 ngành tăng điểm, trong đó dầu khí, bán lẻ, tài nguyên cơ bản tăng trên 2%. Ở chiều ngược lại nhóm bất động sản giảm 1,5% dù nhà đầu tư vẫn kỳ vọng về cuộc họp quan trọng liên quan đến ngành vào cuối tuần qua.
Kịch bản dòng tiền tại các nhóm nhà đầu tư đã có sự thay đổi trong tuần qua. Trong khi nhà đầu tư cá nhân trở lại mua ròng sau 14 tuần bán ròng liên tiếp thì khối ngoại lại đảo chiều bán ròng. Giao dịch cùng chiều với các cá nhân trong nước, tổ chức nội duy trì mua ròng 39 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 150 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng, chứng khoán thu hút dòng tiền tổ chức nội
Theo thống kê từ Fiinpro, dòng tiền đầu tư của tổ chức nội ghi nhận cải thiện trong tuần 13 – 17/2 với 12/18 ngành được mua ròng.
Trong đó, nhóm cổ phiếu “vua” được tổ chức nội giải ngân mạnh nhất tuần qua với quy mô 311 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng có tỷ trọng giá trị giao dịch của ngành giảm xuống 20,18% toàn thị trường, thấp nhất trong 10 tuần liên tiếp trong bối cảnh chỉ số giá tăng 0,98%. Nhóm cổ phiếu tăng mạnh trong tuần gồm BID, VBB, PGC, BVB, LPB, STB, TCB, ACB, VIB, CTG.
Chỉ số dòng tiền tích lũy của nhóm ngân hàng giảm trong tuần và mang giá trị âm, chỉ số giá tăng tạo phân kỳ cho thấy dòng tiền thận trọng với nhóm này và số âm cho thấy có dòng tiền rút ra. Chỉ số dòng tiền của nhóm ngân hàng trong tuần giảm so với thị trường chung cho thấy cầu vào nhóm này yếu hơn thị trường.
Ngành được mua ròng mạnh thứ hai là dịch vụ tài chính. Hoạt động gom cổ phiếu chứng khoán được chứng kiến trong tuần qua với quy mô 123 tỷ đồng.
Ngoài ra, dòng tiền từ các tổ chức trong nước còn tìm đến các ngành bán lẻ, bảo hiểm, công nghệ thông tin, dầu khí, điện, nước & xăng dầu khí đốt, thực phẩm & đồ uống, …
Ở chiều ngược lại, tổ chức nội tập trung xả cổ phiếu nhóm tài nguyên cơ bản với giá trị hơn 203 ỷ đồng.
Mặt khác, tổ chức trong nước cũng có động thái chốt lời các ngành hóa chất (71 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (53 tỷ đồng), bất động sản (32 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (21 tỷ đồng), …
Tập trung gom STB trong khi rút ròng mạnh nhất mã HPG
Danh mục mua ròng tuần qua nổi trội với hoạt động giải ngân vào cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank. Đây cũng là mã duy nhất được mua/bán ròng trên trăm tỷ đồng tuần vừa qua.
Cùng thuộc nhóm bán lẻ công nghệ, CTG cũng được tổ chức nội mua ròng 62,7 tỷ đồng. Dòng vốn tổ chức nội cũng giải ngân vào nhiều cổ phiếu nhà băng khác như VCB (56,8 tỷ đồng), ACB (36,7 tỷ đồng). Nằm ngoài top 5 còn có BID, EIB, SHB, … với giá trị thấp hơn.
Tại giao dịch chứng chỉ quỹ, FUEVFVND cũng được gom ròng với giá trị 81,9 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát bị NĐT tổ chức trong nước xả mạnh nhất với giá trị gần 226,1 tỷ đồng. Trong đó, bên hấp thụ chủ yếu là NĐT cá nhân trong nước và khối ngoại.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán SSI cho rằng lợi nhuận năm 2023 của Hòa Phát sẽ cải thiện nhờ giá thép ổn định sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại và tác động của hàng tồn kho giá cao sẽ ít hơn năm trước.
Cụ thể, SSI dự báo doanh thu năm 2023 của Hòa Phát sẽ giảm 14% còn 121.000 tỷ đồng do cả sản lượng tiêu thụ và giá bán cho khách hàng đều giảm. Lợi nhuận ròng ước tính sẽ phục hồi 15% so với cùng kỳ và đạt 9.700 tỷ đồng nhờ giá thép ổn định hơn và giảm ảnh hưởng từ hàng tồn kho giá cao.
Trở lại với giao dịch của tổ chức trong nước, danh mục rút ròng còn có sự góp mặt của một số cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn như HAH (59,5 tỷ đồng), VHM (57,5 tỷ đồng), VPB (38,5 tỷ đồng), DPM (31,8 tỷ đồng), …