|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sức khoẻ tài chính của Gojek trước khi rời thị trường Việt Nam

09:14 | 05/09/2024
Chia sẻ
Mảng kinh doanh của Gojek đã có lãi EBITDA vào quý II năm nay.

Tập đoàn Goto mà Gojek là hạt nhân đang dần thu hẹp khoản lỗ sau khi chuyển giao mảng thương mại điện tử cho Tiktok. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của họ vẫn giảm 85% so với thời điểm mới lên sàn hai năm trước.

Theo The Business Times, các nhà đầu tư có lẽ đang mong đợi những động lực tăng trưởng mạnh mẽ hơn từ mảng gọi xe và giao đồ ăn của Goto.

Quý II, Goto báo cáo khoản lỗ điều chỉnh trước lãi vay, thuế, khấu hao và phân bổ tài sản cố định (EBITDA) là 48 tỷ rupiah (tương đương 4 triệu đô la Singapore). Con số cho thấy sự cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 885 tỷ rupiah cùng kỳ năm ngoái, dựa trên giả định việc tách mảng thương mại điện tử diễn ra vào ngày 1/1/2023.

Doanh thu quý II của tập đoàn mẹ Gojek tăng 39%, đạt 4.300 tỷ rupiah. Trong đó, 3.400 tỷ rupiah đến từ mảng dịch vụ của Gojek. Mảng này đã có lãi, với 90 tỷ rupiah lợi nhuận EBITDA. Tuy nhiên, Goto vẫn lỗ 168 tỷ rupiah EBITDA điều chỉnh ở mảng fintech.

Tài xế của Gojek. (Ảnh: CNBC).

Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và đạt điểm hòa vốn EBITDA điều chỉnh cho cả năm, theo chia sẻ của CEO Patrick Walujo trong báo cáo tài chính quý II.

"Một năm sau khi tôi nhậm chức, Goto đang có nền tảng vững chắc nhất từ trước đến nay,” ông Walujo, Người đồng sáng lập Northstar Group - một trong những nhà đầu tư đầu tiên của Gojek, và đảm nhiệm vị trí CEO từ giữa năm 2023, cho biết.

"Thất vọng"

Mặc dù tình hình tài chính của Goto đang cải thiện, các nhà đầu tư vẫn còn khá thờ ơ. Giá cổ phiếu của công ty đã giảm 54,1% trong năm qua và 85,2% kể từ khi IPO vào tháng 4/2022. Giá cổ phiếu khi IPO đã từng đạt mức cao 416 rupiah/cp, nhưng hiện tại chỉ còn giao dịch ở mức 50 rupiah/cp.

Ông Walujo chia sẻ trong cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh: “Ban lãnh đạo Goto và cá nhân tôi cảm thấy rất thất vọng về hiệu suất giá cổ phiếu. Chúng tôi cho rằng nó không phản ánh đúng những kết quả kinh doanh tích cực mà công ty đã đạt được."

Một phần nguyên nhân có thể đến từ sự suy thoái của ngành công nghệ. Giống như đối thủ Grab, Goto phải đối mặt với tâm lý e dè của nhà đầu tư trong bối cảnh lãi suất tăng cao kéo dài.

Các cổ đông lớn nhất của Goto là Softbank và Alibaba cũng đang gặp khó khăn trong môi trường đầy biến động này.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng hơn có thể nằm ở nhận thức về câu chuyện tăng trưởng của công ty. Goto được thành lập vào năm 2021 từ sự hợp nhất giữa Gojek và Tokopedia. Năm ngoái, công ty đã sáp nhập Tokopedia với Tiktok Shop Indonesia, với Tiktok nắm giữ 75% cổ phần.

Goto vẫn duy trì một phần hoạt động thương mại điện tử sau thương vụ này. Trong quý II, họ ghi nhận 171 tỷ rupiah phí dịch vụ thương mại điện tử.

"Làm lớn hoặc về nhà"

Một số nhà quan sát cho rằng thương vụ này là một sự đánh đổi: cải thiện tình hình tài chính nhưng đánh mất quyền kiểm soát một động lực tăng trưởng tiềm năng.

Ông Nathan Naidu, nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence, nhận định: "Việc Goto bán 3/4 mảng thương mại điện tử cho Tiktok, dù giúp giảm áp lực lên lợi nhuận, nhưng lại phải đánh đổi bằng việc mất đi một nguồn doanh thu đáng kể."

Tuy nhiên, cũng có một mặt tích cực: không còn phải gánh nặng chi phí lớn từ thương mại điện tử, Goto có thể tập trung nguồn lực vào các cơ hội sinh lời cao hơn.

Mảng fintech còn non trẻ của công ty có thể mang đến một câu chuyện tăng trưởng mới. CEO Walujo cho biết cả mảng thanh toán và cho vay đều đang phát triển.

Tổng dư nợ của Goto đã tăng khoảng 3,5 lần so với năm ngoái, đạt 3.500 tỷ rupiah. Họ cũng đã ra mắt sản phẩm mua trước trả sau trên nền tảng Shoptokopedia của Tiktok. Ông Walujo nhấn mạnh rằng vẫn còn "rất nhiều dư địa để tăng trưởng". Tuy nhiên, có thể sẽ mất một thời gian để mảng fintech đạt được quy mô đủ lớn.

Một số nhà quan sát cho rằng một bước đi tốt hơn sẽ là Goto sáp nhập với Grab. Đội ngũ bán hàng của Macquarie đã nói với khách hàng vào tháng 2 rằng sự hợp nhất như vậy là "không thể tránh khỏi" và có thể giúp tiết kiệm chi phí lên tới 50%, theo bài báo của Reuters.

Cả hai công ty được cho là đã nối lại các cuộc thảo luận sáp nhập vào đầu năm nay, nhưng Goto đã phủ nhận thông tin này. Gojek và Grab đã từng cân nhắc việc sáp nhập vào năm 2020, nhưng thương vụ bất thành. Grab cũng đang đối mặt với những khó khăn kinh tế vĩ mô; giá cổ phiếu của họ đã giảm 11,7% trong năm qua.

Việc sáp nhập Grab-Goto có xảy ra hay không vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Tuy nhiên, nếu không có thương vụ này, Goto sẽ cần phải thuyết phục các nhà đầu tư rằng ngay cả khi hoạt động độc lập, họ vẫn là một đại diện tiềm năng cho sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số Indonesia.

Không giống như các nhà đầu tư ở các lĩnh vực khác, những người quan tâm đến công nghệ thường kỳ vọng nhiều hơn là những chỉ số tài chính tốt. Đối với Goto, có lẽ họ đang đứng trước lựa chọn "go big or go home”, tạm dịch là “làm lớn hoặc về nhà”.

Liên quan đến lựa chọn này, chiều 4/8, Gojek thông báo sẽ rời thị trường Việt Nam vào ngày 16/9 nhằm củng cố hoạt động kinh doanh, phù hợp với chiến lược tăng trưởng dài hạn của tập đoàn mẹ. 

Tờ Bloomberg đánh giá quyết định này cho phép Gojek tập trung nguồn lực vào những hoạt động có thể mang lại hiệu quả bền vững, phù hợp với cam kết của Goto trong việc đạt được tăng trưởng kinh doanh bền vững lâu dài.

Đức Huy

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: Ước tính sơ bộ đợt bão lũ này gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ước tính sơ bộ đợt bão lũ ở miễn Bắc gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng. So với kịch bản không có bão số 3, tăng trưởng GDP quý III có thể giảm 0,35 điểm %.