|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

[Infographic] Sự thay đổi của các 'ông lớn' ngân hàng trong quý I/2022

15:04 | 10/05/2022
Chia sẻ
Kết thúc quý I/2022, BIDV tiếp tục là ngân hàng quốc doanh có tài sản, dư nợ tín dụng lớn nhất nhưng vẫn thua xa Vietcombank về lợi nhuận, VietinBank đẩy mạnh dự phòng,...

Các ông lớn mất ngôi vương lợi nhuận

Trong quý đầu năm, kết quả kinh doanh nhóm Big4 ngân hàng có sự phân hoá mạnh, trong khi hai "ông lớn" Vietcombank và BIDV tiếp đà tăng trưởng về lợi nhuận thì VietinBank lại tụt dốc khi lợi nhuận giảm gần 28% so với cùng kỳ.

Vietcombank đã để tuột mất vị trí "quán quân" lợi nhuận trên toàn hệ thống với mức lãi trước thuế trong quý I/2021 là 9.950 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi thuần nhiều mảng kinh doanh như dịch vụ, chứng khoán đầu tư, hoạt động kinh doanh khác,... đều giảm mạnh trong quý I.  

Mặc dù vậy, nếu loại bỏ phần thu nhập bất thường từ chi phí trả trước bảo hiểm thì lợi nhuận của VPBank, quán quân lợi nhuận quý I, chỉ khoảng 6.000 tỷ đồng vẫn kém xa so với Vietcombank.

 Đồ hoạ: Alex Chu. 

Dù bất ngờ báo lãi giảm nhưng VietinBank vẫn ghi nhận lợi nhuận cao hơn BIDV đạt 5.822 tỷ đồng. Các mảng thu nhập chính như thu nhập lãi thuần, dịch vụ, mua bán chứng khoán đầu tư và kinh doanh đều sụt giảm so với cùng kỳ. Trong quý, VietinBank tiếp tục trích lập dự phòng cao với chi phí dự phòng tăng đến 228% so với cùng kỳ, đạt 4.427 tỷ đồng.

Mặc dù có tổng tài sản cao nhất hệ thống nhưng BIDV là ngân hàng có lợi nhuận thấp nhất nhóm, đạt 4.531 tỷ đồng, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng vẫn duy trì mức trích lập dự phòng cao với chi phí dự phòng rủi ro trong kỳ đạt 7.391 tỷ đồng, tăng 3% so với quý I/2021. 

Quy mô tài sản của BIDV  đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,9% so với cuối năm 2021. Đứng thứ 2 và thứ 3 lần lượt là hai "ông lớn" VietinBank và Vietcombank với quy mô tổng tài sản là hơn 1,6 triệu tỷ đồng (tăng 8,6%) và hơn 1,4 triệu tỷ đồng (tăng 3,4%).

Đồ hoạ: Alex Chu.

BIDV cũng là nhà băng có số dư cho vay khách hàng và tiền gửi khách hàng cao nhất hệ thống (chưa tính Agribank) với lần lượt tăng 4,67% và 1,2% so với cuối năm 2021.

Hai "ông lớn" VietinBank và Vietcombank cũng ghi nhận tăng trưởng cho vay cao lần lượt là 8,75% và 7,09%. Số dư tiền gửi khách hàng đều trên 1 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 4,4% và 3,9% so với cuối năm trước.

Đồ hoạ: Alex Chu.  

Đông nhân viên nhất nhưng kém năng suất nhất

Trong nhóm, BIDV là ngân hàng có số lượng nhân viên cao nhất với hơn 27.600 người và Vietcombank là ngân hàng ít nhân viên nhất với hơn 21.500 người. 

Mặc dù đông nhân viên nhưng năng suất lao động của BIDV lại kém xa hai ngân hàng còn lại. Bình quân mỗi tháng một nhân viên của Vietcombank tạo ra hơn 155 triệu đồng lợi nhuận trước thuế cho ngân hàng, cao hơn gấp đôi nhân viên của VietinBank và gấp ba nhân viên BIDV. Trong khi đó, chi phí cho mỗi nhân viên (bao gồm lương thưởng) của 3 ngân hàng này không có cách biệt đáng kể.

Đồ hoạ: Alex Chu. 

Nợ xấu tiếp tục tăng, bao phủ nợ xấu cao hơn

Về chất lượng tài sản, VietinBank là nhà băng có dư nợ xấu cao nhất nhóm với quy mô nợ xấu ở mức 15.322 tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm ngoái. Tỷ lệ nợ xấu tại ngày 31/3/2022 là 1,25%, giảm so với cuối năm 2021.  

Tính đến cuối quý I/2022,  tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VietinBank là 197,3%, cao hơn mức 180% cuối năm trước.

Trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine và COVID-19 diễn biến phức tạp, ngân hàng đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%. Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên, Chủ tịch Trần Minh Bình cho rằng thực tế ngân hàng có thể làm tốt hơn mức 1,8% này. 

Trong khi đó, số dư nợ xấu tại Vietcombank thấp hơn một nửa so với VietinBank. Trong quý đầu năm, số dư nợ xấu của ngân hàng là 8.372 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,81%.

Vietcombank cho biết đã trích lập đủ 100% dự phòng cụ thể của dư nợ cơ cấu theo Thông tư 03, sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của NHNN. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng. 

Đồ hoạ: Alex Chu.

BIDV lên kế hoạch đưa vốn điều lệ vượt 61.000 tỷ đồng

Trong năm 2022, các "ông lớn" đều đặt ra kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ. Theo đó, Vietcombank tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng, thông qua phát hành hơn 856 triệu cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 với tỷ lệ 18,1%.

Trong khi, VietinBank dự kiến sẽ dùng toàn bộ lợi nhuận giữ lại sau khi trích lập các quỹ năm 2021 là hơn 9,624 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Vốn điều lệ của VietinBank đã được tăng từ 37.234 tỷ đồng lên 48.057 tỷ đồng trong năm 2021 nhờ chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Đồ hoạ: Alex Chu.

Như vậy nếu thực hiện chia cổ tức xong, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng thêm khoảng 20%. Phương án phân phối lợi nhuận của ngân hàng sẽ được trình lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi được thực hiện. 

Tham vọng hơn cả, BIDV đặt mục tiêu tăng vốn thêm 10.623 tỷ đồng lên 61.208 tỷ đồng (tăng 21% so với năm 2021) thông qua hai phương án.

Ngân hàng sẽ phát hành hơn 607 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ chia cổ tức là 12%. Đồng thời chào bán thêm hơn 455 triệu cổ phiếu bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, tỷ lệ phát hành dự kiến là 9%.

Thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2022-2023, thời điểm cụ thể giao HĐQT quyết định sau khi có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Tính đến hết 31/3/2022, BIDV vẫn đứng đầu bảng xếp hạn vốn điều lệ nhóm ngân hàng quốc doanh với 50.585 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ vốn góp nhà nước là 80,99%. Đứng sau đó lần lượt là VietinBank (48.058 tỷ) và Vietcombank (47.325 tỷ).

Phương Nga

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.