Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 3 tăng 39%
Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý I của Tổng Cục Thống kê (GSO) vừa mới công bố, trong tháng 3/2021, cả nước có 11.171 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 113.000 tỷ đồng và số lao động đăng ký 72.800 người, tăng 39% về số doanh nghiệp, giảm 37% về vốn đăng ký và tăng 28% về số lao động so với tháng 2/2021.
Theo GSO, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 3 đạt 10,1 tỷ đồng, giảm 55% so với tháng trước và giảm 6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng, cả nước còn có 4.529 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 2% so với tháng trước và tăng 32% so với cùng kỳ năm trước; 2.213 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 38% và giảm 10%; 3.458 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 32% và tăng 24%; 1.608 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 7% và tăng 22%.
Số lượng doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng gia tăng
Tính chung quý I/2021, GSO cho biết cả nước có 29.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 447.800 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 245.600 lao động, giảm 1,4% về số doanh nghiệp, tăng 27% về vốn đăng ký và tăng 0,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong ba tháng đầu năm đạt 15,3 tỷ đồng, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo GSO, nếu tính cả 525.300 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 9.600 doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong ba tháng đầu năm 2021 là 973.100 tỷ đồng.
Báo cáo của GSO cũng cho biết, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong ba tháng đầu năm 2021 là 44.000 doanh nghiệp, tức trung bình mỗi tháng có gần 14.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo nhận xét của GSO, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong ba tháng đầu năm 2021 giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng có vốn đăng ký tăng 27,5%, nguyên nhân do gia tăng số lượng doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng (tăng 37%) và giảm số lượng doanh nghiệp có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng (giảm 3%).
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020; doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 26%, phần lớn là doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ, dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Cạnh tranh hàng hóa trong nước tác động lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh
Theo điều tra của GSO về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các doanh nghiệp kỳ vọng sản xuất kinh doanh trong quý II/2021 khả quan hơn quý I/2021.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 86,2% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2021 tốt hơn và giữ ổn định so với quý I/2021; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước lần lượt gần 85% và 83%.
Theo kết luận của GSO, trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý I/2021, có 55% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỷ lệ 49,5% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp và 33% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính.
27% số doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 27% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 26% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 24% số doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao; 21% số doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao và 21% số doanh nghiệp cho rằng thiết bị công nghệ lạc hậu.