|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Phù thủy thiết kế Jony Ive lần đầu nói về lý do rời Apple sau khi Tim Cook làm CEO: Thất vọng và kiệt sức

07:32 | 04/05/2022
Chia sẻ
Jony Ive, người đứng sau thiết kế nhiều sản phẩm nổi tiếng của Apple như Mac, iPhone và iPad, bất ngờ rời công ty sau nhiều chục năm cống hiến vào năm 2019.

Jony Ive, người mà cố CEO Apple Steve Jobs gọi là “người bạn tâm giao”, bất ngờ rời Apple vào năm 2019. Một bài đăng trên The New York Times mới đây tiết lộ lý do Jony Ive ra đi đến từ sự bất mãn ngày càng lớn trong ông khi Apple dịch chuyển từ một công ty tập trung vào thiết kế thành một công ty ưu tiên lợi nhuận.

Một chiếc máy tính vui tươi

 Jony Ive, bên trái, vào năm 1999 cùng Jon Rubinstein, khi đó là phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật của Apple. (Ảnh: AP).

Nhân viên đã rất lo lắng khi đi vào phòng họp của Apple vào mùa hè năm 1997 để nghe Steve Jobs đánh giá các thiết sót. Kể từ khi bị “tống ra khỏi” công ty 10 năm trước, ông luôn quan sát công ty mình đồng sáng lập từ bên ngoài khi doanh số bán hàng chững lại.

Apple thậm chí còn đang nằm trên bờ vực phá sản ở thời điểm Hội đồng quản trị tìm đến ông để được trợ giúp. Steve Jobs xuất hiện và buông ra lời quở trách gay gắt. “Có vấn đề gì với nơi này vậy?”, ông nói. “Sản phẩm thực sự tồi tệ! Không còn gì quyến rũ ở chúng nữa!”

Ngồi ở phía cuối phòng, Jony Ive cảm thấy những lời chỉ trích này thực sự tươi mới. Mới gia nhập Apple 5 năm, Jony Ive chưa nhận ra Steve Jobs cho rằng đội ngũ thiết kế của Apple là một phần của vấn đề.

Sau cuộc họp, Steve Jobs muốn thay thế Jony Ive trong vai trò giám đốc thiết kế bằng một tài năng tầm cỡ thế giới thuê ngoài. Ông tiếp cận một nhà thiết kế xe Ý và một nhà thiết kế máy tính khác. Dù vậy, ông Hartmut Esslinger, một đối tác của Apple khi phát triển chiếc Macintosh đời đầu, thuyết phục ông giữ lại đội ngũ hiện tại.

“Anh chỉ cần một “bom tấn” thôi”, ông Esslinger nói. Steve Jobs yêu cầu Jony Ive thiết kế thứ mà ông tin rằng sẽ trở thành “bom tấn”: Một "máy tính mạng” tập trung vào kết nối internet. Ive tập hợp toàn bộ đội ngũ thiết kế cho dự án này và thúc đẩy họ hiện thực hoá mong muốn của Steve Jobs: Một chiếc máy tính vui tươi. Họ tập hợp lại các ý tưởng và cho rằng chiếc máy tính cần giống như TV trong phim hoạt hình The Jetsons: Một thứ vừa tương lai nhưng lại vừa quen thuộc.

Kết quả là chiếc iMac đã ra đời tay cầm, thứ mà ông Ive tin rằng sẽ khiến nó dễ tiếp cận hơn. iMac cũng có màu xanh lá – xanh dương lấy cảm hứng từ nước biển Bondi ở Úc, nơi một nhà thiết kế đã đi du lịch. Vỏ máy trong suốt của iMac có chi phí sản xuất cao gấp 3 lần một vỏ máy tính thường nhưng Steve Jobs chấp nhận chi phí vì nó rất quan trọng với thiết kế tổng thể. Ông dự tính lấy thiết kế mang tính cách mạng của iMac làm điểm nhấn thu hút khách hàng.

Khi Apple chuẩn bị giới thiệu iMac vào đầu tháng 5/1998, Steve Jobs phát hiện thứ mà ông coi là một lỗi chết người. Ông kỳ vọng chiếc máy tính này có một khe đĩa CD thay vì một khay đĩa. Theo các nhân viên có mặt ở đây, Steve Jobs đã rất tức giận và doạ sẽ huỷ bỏ việc giới thiệu iMac. Sau khi Steve Jobs chửi mắng nhân viên, Ive đã tìm gặp ông ở phía sau hậu trường để tìm cách trấn an.

 Steve Jobs, bên phải, chọn Tim Cook là người kế nhiệm vì ông nhận ra một nửa giá trị của Apple đến từ khả năng sản xuất và giao hàng đúng thời gian của Tim Cook. (Ảnh: Getty).

“Ông đang nghĩ đến chiếc iMac tiếp theo”, Ive nói. Steve Jobs thở dài và khuôn mặt dịu bớt sự tức giận. “Tôi hiểu rồi”, ông nói. Hai người đàn ông bước đi cùng nhau và Steve Jobs khoác vai Jony Ive. “Kể từ thời điểm đó, miễn là Jony Ive có mặt, Steve Jobs đều cảm thấy an lòng”, Wayne Goodrich, một nhân viên lâu năm của Steve Jobs, nói.

Nhu cầu iMac tăng vọt và Apple bán được một chiếc iMac mỗi 15 giây trên toàn thế giới. iMac nhanh chóng trở thành chiếc máy tính bán chạy nhất lịch sử.

Thành công của iMac củng cố thêm mối quan hệ của Jony Ive và Steve Jobs. Họ nhanh chóng phát hiện ra mình có cùng một triết lý thiết kế tối giản. Đồng thời, họ bổ sung cho nét tính cách của nhau. Trong khi Steve Jobs nóng nảy, bộc trực, Jony Ive lại trầm lặng, kiên định và kiên nhẫn. Họ thường xuyên ăn trưa cùng nhau và Steve Jobs ghé qua studio của Jony Ive gần như hàng ngày.

Tình bạn và hợp tác nhanh chóng giữa Steve Jobs và Jony Ive trái ngược lại với mối quan hệ giữa Steve Jobs và Tim Cook. Trước lo ngại HP có thể sẽ “chiêu mộ” Tim Cook từ tay Steve Jobs, Tim Cook nhận chức giám đốc vận hành Apple vào năm 2005.

Sau đó, Jobs quyết định chọn Tim Cook làm người kế nhiệm vì ông nhận ra một nửa giá trị của Apple đến từ khả năng sản xuất và giao hàng đúng thời gian của Tim Cook. Những kỹ năng của Tim Cook sẽ cần thiết khi doanh số của Apple tăng lên từ 10 triệu iPhone lên thành 200 triệu iPhone.

Ngay cả vậy, Steve Jobs vẫn coi Jony Ive là người quyền lực thứ hai tại Apple. Ông đưa nhóm thiết kế lên vị trí dẫn đầu trong quá trình phát triển các sản phẩm của Apple như iPod, iPhone và iPad.

“Tôi sẽ nhớ những cuộc trò chuyện của chúng ta”

 Steve Jobs giới thiệu tính năng gọi video trên iPhone cùng Jony Ive vào năm 2010. Hơn một năm sau đó, ông qua đời. (Ảnh: Reuters).

Vào ngày 5/10/2011, thông báo được gửi tới điện thoại khắp nơi trong trụ sở Apple: “Steven P. Jobs, đồng sáng lập Apple, qua đời ở tuổi 56”.

Cách đó chưa đầy 15 dặm, Jony Ive đang ngồi ngoài vườn bên ngoài nhà của Steve Jobs. Bầu trời tháng 10 hôm đó xám xịt. Jony Ive tê liệt khi nhớ lại những lời cuối mà người sếp, người bạn của mình nói: Tôi sẽ nhớ những cuộc trò chuyện của chúng ta.

Vài tháng sau đó, nhiều nhà thiết kế nói rằng Jony Ive luôn ủ rũ. Ông dành nhiều ngày trò chuyện với một đồng nghiệp mà nhiều người mô tả rằng đây chính là một quá trình trị liệu. Dù vậy, ý tưởng về việc sản xuất một chiếc đồng hồ đã kéo ông ra khỏi nỗi buồn.

Thời điểm đó, cả các nhà đầu tư và khách hàng đều hoài nghi về việc liệu Apple có thể tạo ra một sản phẩm mới khi không có Steve Jovs. Ông Ive muốn đập tan những lời chỉ trích này với chiếc đồng hồ. Vì đây là sản xuất đầu tiên của Apple mà người dùng sẽ mặc lên người, ông muốn người dùng cảm thấy có thể cá nhân hoá được nó. Ive tạo ra nhiều loại dây đeo và thậm chí tuyển dụng thêm các chuyên gia thời trang vào đội ngũ.

Tim Cook hiếm khi ghé thăm studio trong quá trình phát triển. Trong một lần hiếm hoi ông làm điều này, Tim Cook đến để xem một chiếc máy ảnh Leica mà Jony Ive thiết kế cho mục đích từ thiện. Ive bừng sáng khi nói về những chi tiết trên chiếc máy ảnh và Tim Cook gật đầu liên tục. Thế nhưng, những người có mặt ở buổi chia sẻ sau đó nói đùa rắng ánh mắt của Tim Cook trượt dần khỏi chiếc máy ảnh để chuyển sang một chiếc bán thiết kế gần đó với đầy rẫy những chiếc iPhone, iPad và Mac mà công ty đang bán để đổi lấy lợi nhuận khổng lồ. Tim Cook chỉ ở lại vài phút.

20 năm ở Apple

 Jony Ive tin rằng thành bại của Apple Watch nằm ở việc thuyết phục người dùng rằng nó là một phụ kiện thời trang. (Ảnh: NYTimes).

Khi Apple giới thiệu chiếc Apple Watch vào năm 2014, nhân viên Apple đã tán dương Jony Ive. Jony Ive dường như đã đạt tới một đỉnh cao mới trong sự nghiệp.

Dù vậy, thay vì cảm thấy có thêm năng lượng, Jony Ive tỏ ra mệt mỏi. Khi tập hợp đội ngũ của mình vào cuối năm, Ive khen ngợi họ vì đã vượt quá mong đợi của mọi người. Sau đó, Ive dừng lại và thở dài. “Tôi đã ở Apple 20 năm và đây là năm thách thức nhất tôi từng có”, ông chia sẻ.

Những lời ngợi khen cho Apple Watch vơi đi khá nhanh. Apple Watch không đạt được kỳ vọng của các nhà đầu tư Phố Wall. Giới phân tích kỳ vọng Apple có thể bán được 40 triệu máy trong năm đầu. Thực tế, Apple chỉ đạt đến một nửa con số này vì những lời phàn nàn liên quan đến tính năng và dung lượng pin hạn chế.

Sau khi cắt giảm lượng phân phối ban đầu với hy vọng thúc đẩy nhu cầu, Tim Cook mở rộng hoạt động bán hàng ra các chuỗi bán lẻ lớn. Ông đồng thời chuyển tập trung marketing từ thời trang sang thể dục.

Giữa những thay đổi này, Ive tìm đến Tim Cook và nói rằng ông cảm thấy mệt mỏi và muốn rời xa việc kinh doanh. Khi không còn Steve Jobs, Jony Ive nhận lại phần lớn trách nhiệm liên quan đến thiết kế sản phẩm và marketing. Những người thân cận với ông Ive nói rằng ông cảm thấy mệt mỏi vì phải “đấu tranh” với các đồng nghiệp liên quan đến việc thăng tiến và ngộp thở khi phải lãnh đạo hàng trăm người, gấp nhiều lần so với đội ngũ khoảng 20 người mà ông đã lãnh đạo suốt nhiều năm.

Tim Cook sợ rằng việc Jony Ive rời đi sẽ khiến các nhà đầu tư bán cổ phiếu. Để tránh điều này, ông và Ive đạt được thoả thuận để Jony Ive không phải thực hiện các nhiệm vụ quản lý hàng ngày và tập trung vào các sản phẩm mới. Jony Ive sẽ làm việc bán thời gian. Công ty cho ông chức danh giám đốc thiết kế và bổ nhiệm 2 nhân viên thân cận của ông. Chỉ một vài người trong Apple biết sự thật: Jony Ive đã thất vọng và kiệt sức.

Thời của não trái

 Jony Ive coi trụ sở Apple Park của Apple là dự án quan trọng nhất. (Ảnh: NYTimes).

Thoả thuận mới khiến ông Jony Ive không cần thường xuyên tới văn phòng ở Cupertino. Thay vì đánh giá sản phẩm gần như hàng ngày, Jony Ive chuyển sang lịch trình không được sắp đặt trước.

Khi nhiều người kỳ vọng vào chiếc điện thoại kỉ niệm 10 năm iPhone, Jony Ive đã triệu tập những kỹ sư phần mềm hàng đầu của công ty tới để đánh giá sản phẩm. Họ đang cần Jony Ive phê duyệt đối với một số đặc điểm của chiếc iPhone đầu tiên có có màn hình chiếm trọn mặt trước.

Hôm đó, họ phải đợi Ive 3 tiếng đồng hồ và khi tới ông cũng không hề xin lỗi. Ông xem các bản in và đưa ra một số nhận xét nhưng không kết luận gì.

Khi Jony Ive vắng mặt, Tim Cook bắt đầy thay đổi công ty theo cách nhìn của ông. Ông thay thế Mickey Drexler, một nhân sự marketing tài năng, bằng James Bell, một giám đốc tài chính của Boeing. Ive giận dữ vì một nhân sự “não trái” đã thay thế một nhân sự “lão phải” trong hàng ngũ lãnh đạo công ty. “Ông ta là một kế toán viên khác”, Ive nói với một đồng nghiệp.

Tim Cook cũng bắt đầu khuyến khích bộ phận tài chính của Apple thực hiện kiểm toán các nhà thầu bên ngoái. Có thời điểm, bộ phận tài chính từ chối một hoá đơn do Foster+Partners, đối tác chính của Jony Ive trong việc xây dựng trụ sở mới của Apple, đưa ra.

Giữa thời điểm này, Tim Cook mở rộng chiến lược của Apple trong việc bán thêm nhiều hơn các dịch vụ. Trong một sự kiện nghỉ ngơi của công ty vào năm 2017, Jony Ive bước ra ngoài để hút thở không khí trong lành khi Peter Stern chiếu một slide cho thấy biên lợi nhuận của iPhone, iPad và Mac đang đi xuống trong khi đó biên lợi nhuận của dịch vụ và phần mềm đi lên.

Nội dung này làm dấy lên nhiều lo lắng. Nó cho thấy một tương lai khi Jony Ive, và Apple trong vai trò một nhà sản xuất sản phẩm, mất đi ý nghĩa và Tim Cook sẽ tập trung nhiều hơn và mảng dịch vụ.

Cuộc họp cuối cùng

 Jony Ive tại một sự kiện của Apple vào tháng 6/2019, thời điểm ông chuẩn bị từ chức. (Ảnh: NYTimes).

Vào một chiếu thứ 3 cuối tháng 6/2019, Ive mời đội ngũ thiết kế tới xem một bộ phim có tên “Yesterday”.

Bộ phim này hình dung một thế giới trong đó một ca sỹ, nhạc sỹ thức dậy từ một tai nạn và nhận ra mình là người duy nhất còn nhớ The Beatles. Bộ phim nói về mâu thuẫn dai dẳng giữa nghệ thuật và thương mại.

Khi bộ phim kết thúc, ông Ive phát biểu trước đám đông rằng bộ phim mang đến cho ông nhiều cảm hứng. “Nghệ thuật cần không gian phù hợp và hỗ trợ phù hợp để phát triển”, ông nói. “Khi công ty càng lớn, điều này càng quan trọng”.

Một ngày sau đó, vào hôm 27/6, nhóm thiết kế nhận được yêu cầu tham gia một cuộc họp với Jony Ive tại tầng 4 trụ sở chính mới vừa được khai trương một tháng trước đó. Ông nói với các nhà thiết kế rằng ông đã hoàn thành dự án quan trọng nhất của mình, trụ sở chính Apple, và thời gian ông lãnh đạo họ đã hết.

Chỉ một số ít người biết những gì Jony Ive đã trải qua, ví dụ như những mâu thuẫn với đội ngũ tài chính của Apple hay những đấu tranh liên quan đến việc marketing chiếc Apple Watch. Thế nhưng, điều mà nhiều người đều rõ là sự vất vả khi ông phải liên tục cập nhật những chiếc iPhone, iPad và Mac hàng năm.

Jony Ive khen ngợi đội ngũ của mình và khuyến khích Apple giữ được bán sắc. Ông nói sẽ tiếp tục làm việc với họ thông qua một công ty tư vấn thuê ngoại có tên LoveFrom mà ông sáng lập.

Sau khi Jony Ive rời đi, nhóm thiết kế cho biết họ phải hợp tác nhiều hơn với các nhân sự kỹ thuật và vận hành. Đồng thời, họ chịu nhiều áp lực về chi phí hơn trước đây.

Nam Khánh