|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Phân khúc bất động sản không nhà đầu tư nào dám vào ở thị trường quốc tế nhưng lại hấp thụ tốt tại TP HCM

15:41 | 02/10/2022
Chia sẻ
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Vietnam, cho biết thị trường văn phòng trên thế giới, nhất là châu Âu và Mỹ gần như rất nhạy cảm ở thời điểm hiện tại, đặc biệt là tòa nhà hạng B. Tuy nhiên ở TP HCM, phân khúc này diễn biến theo chiều hướng khác.

Các tòa nhà văn phòng khu trung tâm TP HCM hiện nay đã được lấp đầy. Thị trường đang ngóng chờ nguồn cung mới giai đoạn 2023-2025. (Ảnh minh họa: Ngọc Anh).

Theo ghi nhận của Cushman & Wakefield, thị trường văn phòng TP HCM không ghi nhận nguồn cung mới trong hai quý vừa qua. Tổng nguồn cung tích lũy hạng A và B vẫn là 1,43 triệu m2 sàn văn phòng. Tuy nhiên, phân khúc này chứng kiến tỷ lệ hấp thụ tốt với 21.354 m2 đã được cho thuê​.

Theo lý giải của chuyên gia Cushman & Wakefield, nhu cầu không gian văn phòng vốn gắn liền với nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế đồng nghĩa với việc nhiều việc làm được tạo ra, từ đó thúc đẩy nhu cầu nhiều hơn đối với tất cả các loại không gian cho người lao động, trong đó có văn phòng.

58% các giao dịch trong quý III đã được ký kết tại các tòa nhà văn phòng thuộc quận 7. Giá thuê văn phòng toàn thị trường vẫn giữ ổn định với 59 USD/m2/tháng (tương đương 1,4 triệu đồng/m2/tháng) đối với hạng A, 34 USD/m2/tháng (tương đương 810.000 đồng/m2/tháng) đối với hạng B.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Vietnam, chia sẻ: “Thị trường văn phòng trên thế giới, nhất là châu Âu và Mỹ gần như rất nhạy cảm ở thời điểm hiện tại, đặc biệt là tòa nhà hạng B. Không có nhà đầu tư nào thích đi vào thị trường văn phòng ở thời điểm này.

Các quỹ nắm giữ tài sản là bất động sản văn phòng trong hai tuần vừa qua có giá cổ phiếu rớt gần 16% - mức giảm khá nghiêm trọng đối với phân khúc này ở diễn biến toàn cầu”.

Tại thị trường Việt Nam, Bà Trang Bùi cho biết cùng với sự hồi phục kinh tế, lượng hấp thụ thuần đối với thị trường văn phòng TP HCM trong 9 tháng đầu năm gần bằng cả năm 2019 - năm tăng trưởng rất tốt của phân khúc này.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Vietnam. (Ảnh: Ngọc Anh).

“Thị trường văn phòng ở TP HCM hơi đặc biệt, đi theo biểu đồ hơi khác so với các thị trường ở Mỹ, châu Âu, Hong Kong. 58% lượng hấp thụ thuần trong quý III đến từ khu vực phía Nam (Phú Mỹ Hưng) và hiện nay đã có một số tòa nhà mới đi vào hoạt động. Các tòa nhà ở khu Phú Mỹ Hưng có chất lượng tốt và giá thuê mềm so với khu vực trung tâm.

Về hiệu suất, hạng A lấp đầy 95% và hạng B lấp đầy 90%. Tỷ lệ lấp đầy của tòa nhà hạng B giảm so với những quý trước và hiện nay chúng tôi nhìn thấy có một số tòa nhà được xây dựng cách đây 15 năm đang bắt đầu được cải tạo, nâng cấp để phục vụ đối tượng khách hàng tốt hơn”, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Vietnam cho biết.

Cũng theo chuyên gia Cushman & Wakefield Vietnam, điểm tích cực là các tòa nhà sắp ra mắt trong năm 2023 ghi nhận ở khu vực trung tâm có nhiều tòa nhà chất lượng cao, đặt biệt ở Thủ Thiêm.

“Hơn mười mấy năm nay tòa nhà IFC ngủ yên, tối tăm thì bây giờ đã có dấu hiệu khởi động lại, một điểm sáng rất tích cực của thị trường. Hay tòa nhà The Pearl từng thay đổi rất nhiều tên từ One Central, Bitexco Tower,… dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2024. Khu trung tâm sẽ bắt đầu có những tòa nhà hạng A được đầu tư nghiêm túc, đạt chất lượng quốc tế dự kiến được ra mắt và bàn giao trong giai đoạn 2023-2024”, bà Trang Bùi nói.

Trong giai đoạn 2023-2025, Cushman & Wakefield dự báo khu vực phía Đông và trung tâm TP HCM sẽ dẫn đầu nguồn cung: The Nexus​ (2023), The Hallmark​ (2023), The Crest Tower B​ (2023), The Sun Tower ​(2024), The Pearl ​(2024) và IFC One Saigon​ (2024).

Ngoài ra, các tòa nhà cũ ở trung tâm hiện nay đang rất cố gắng cải tạo nhiều mảng xanh để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp nước ngoài đặt trụ sở tại Việt Nam.

 

Ngọc Anh