Ông Đặng Thành Tâm: Kinh Bắc phải tăng vốn mới được nhận thêm dự án mới, giá chào bán 250 triệu cổ phiếu tối thiểu 40.000 đồng/cp
'KBC buộc phải tăng vốn'
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) diễn ra vào sáng ngày 19/6, một trong những nội dung quan trọng được HĐQT trình cổ đông thông qua là kế hoạch phát hành riêng lẻ để huy động vốn.
Cụ thể, Kinh Bắc có kế hoạch phát hành riêng lẻ tối đa 250 triệu cổ phiếu cho dưới 100 nhà đầu tư. Giá bán cụ thể sẽ được ủy quyền cho HĐQT quyết định theo nguyên tắc xác định giá được ĐHĐCĐ thông qua nhưng không thấp hơn 80% giá đóng cửa bình quân của 30 phiên giao dịch liền trước ngày UBCKNN chấp thuận chào bán và không được thấp hơn giá trị được ghi trong sổ sách tại BCTC riêng của quý gần nhất tại thời điểm HĐQT triển khai phương án chào bán.
Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm. Thời gian thực hiện chào bán dự kiến trong năm 2024 - 2025, sau khi được UBCKNN chấp thuận.
Tiền thu được từ các đợt chào bán sẽ được Kinh Bắc dùng để bổ sung vốn lưu động; tái cơ cấu các khoản nợ; tăng quy mô vốn hoạt động, đầu tư góp vốn vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết; mua cổ phần, phần vốn góp của các công ty để thực hiện các hoạt động M&A.
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT, cho biết hiện tại số lượng nhà đầu tư đăng ký tham gia đợt chào bán này đã vượt qua số lượng quy định (tức trên 100 nhà đầu tư). Dự kiến thời gian làm hồ sơ cho đến khi hoàn tất nếu nhanh phải từ 3 đến 5 tháng.
"Mức giá chào bán kỳ vọng của chúng tôi hết sức khiêm tốn, phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng GDP, cũng như các yếu tố vĩ mô khác. Chúng tôi dự kiến giá chào bán tại thời điểm phát hành ít nhất trên 40.000 đồng/cp, nếu có giảm 20% thì cũng ngang với giá cổ phiếu bây giờ hoặc cao hơn.
Vốn chủ sở hữu của KBC hiện chưa đến 10.000 tỷ đồng, rất khiêm tốn nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành. Tạm tính với tỷ lệ vốn cần đáp ứng để đầu tư một dự án là 20% thì KBC chỉ có thể làm các dự án với tổng mức đầu tư 35.000 tỷ đồng. Điều này thực sự lạc hậu so với hiện nay, chúng ta phải tăng vốn mới được nhận các dự án mới và đây là lý do KBC phát hành đợt này", ông Tâm nói.
Cũng theo chia sẻ của Chủ tịch Đặng Thành Tâm, công ty vay nợ rất ít, ngân hàng hiện nay thừa tiền và rất muốn cho công ty vay nhưng quy định hiện tại cũng rất khắt khe và ông cho rằng sự khắt khe này là đúng, sau thời kỳ buông lỏng kéo dài, phát sinh nhiều trường hợp công ty không đủ năng lực thực hiện dự án...
Khi công ty nhận dự án, tùy quy định, yêu cầu cụ thể mà chủ đầu tư đáp ứng vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 15 - 20% trên tổng mức đầu tư của dự án đó. Quá trình đầu tư khu công nghiệp cũng rất vất vả, không phải bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể làm, để một khu công nghiệp đi vào hoạt động phải mất ít nhất 10 năm chuẩn bị, đầu tư. Trong khi đó, lợi nhuận làm dự án khu công nghiệp rất ít, khoảng vài chục USD/m2, so với lợi nhuận làm dự án nhà ở thương mại là vài nghìn USD/m2, theo nhận định của ông Tâm.
Có thể cho thuê 200 - 300 ha đất công nghiệp ở Hải Phòng
Ban Tổng Giám đốc ước tính diện tích cho thuê đất KCN trong năm 2024 khoảng 150 ha, đến từ KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Quang Châu, KCN Tân Phú Trung, các CCN ở Hưng Yên, Long An và KCN Tràng Duệ 3. Bên cạnh đó, có một số dự án khu đô dự kiến được ghi nhận doanh thu, lợi nhuận trong năm và các KCN mới như KCN Lộc Giang, các cụm công nghiệp Long An có thể được đưa vào kinh doanh từ cuối năm 2024.
Thông tin công bố chưa có số liệu chính xác nhưng lãnh đạo công ty cho biết đến nay KCN Tràng Cát (Hải Phòng) đã đền bù được vài trăm ha, sẽ có giấy phép và ký hợp đồng, có thể giao đất 200 - 300 ha trong năm nay.Ông Tâm nói thêm từ đầu năm đến nay hoạt động kinh doanh chưa có nhiều kết quả, Kinh Bắc đã hết đất, diện tích có thể cho thuê còn lại quá ít và công ty phải chào với giá cho thuê cao.
- TIN LIÊN QUAN
-
Kinh Bắc ước tính cho thuê 150 ha đất công nghiệp, chào bán riêng lẻ tối đa 150 triệu cổ phiếu 05/06/2024 - 11:51
-
Ông chủ Kinh Bắc kể chuyện thu hút FDI 09/04/2024 - 07:35
“Giả sử chúng ta bán 10 ha với giá dưới 100 triệu đồng/m2 thì công ty có thể thu về 10.000 tỷ ngay lập tức”, ông Tâm ví dụ trong trường hợp kinh doanh đất thương mại tại Hải Phòng, mức giá đưa ra đã được so sánh với các chủ đầu tư đang mở bán dự án ở cùng khu vực.
KBC đã chuẩn bị nhiều dự án trong 10 năm qua như Tràng Duệ 3 hàng nghìn ha, trong đó công ty đã mua được gần một nửa diện tích. Bên cạnh đó, KBC đang phối hợp với các tổ hợp tài chính - công nghiệp từ Mỹ, châu Âu để tham gia vào các dự án có quy mô lớn hơn. Trong đó, KBC sẽ tham gia một phần vào dự án ở Hải Phòng đang được hỗ trợ làm quy hoạch với tổng quy mô hơn 11.000 ha, bao gồm sân bay Tiên Lãng và cảng Nam Đồ Sơn. Theo ước tính của lãnh đạo KBC, công ty có thể thu hút 10 - 15 tỷ USD cho toàn bộ khu vực Hải Phòng.
Theo cập nhật từ Kinh Bắc, các KCN, cụm công nghiệp mới thuộc các công ty con đã được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư bao gồm: CCN phụ trợ Tràng Duệ - Hải Phòng 58,75 ha; KCN Tân Tập - Long An 654 ha, KCN Lộc Giang - Long An 466 ha, các CCN Long An (Tân Tập và Phước Vĩnh Đông) hơn 219 ha. KCN Tràng Duệ 3 đã được duyệt quy hoạch 1/2000, đang chờ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Ngoài ra, công ty đangchuẩn bị quỹ đất KCN mới tại các địa phương như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hậu Giang, Cần Thơ, Vũng Tàu… với tổng diện tích dự kiến khoảng 3.500 ha đất KCN và 650 ha đất khu đô thị.
Tiến độ dự án Tràng Duệ 3
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thu Hương cập nhật hồ sơ dự án Tràng Duệ 3 đã được chuyển đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư đã đăng ký vào khu công nghiệp. Trong hai tuần trước khi đại hội diễn ra, lãnh đạo công ty đã có buổi làm việc với LG cũng như các công ty vệ tinh.
Theo lời kể của bà Hương, trước đây khi KBC hết đất cho thuê, LG buộc phải đi xa hơn để tìm địa điểm đặt nhà máy. Gần đây, phía LG đã đề xuất ký trước biên bản thỏa thuận với KBC để công ty có thể khởi công và phía đối tác chọn sẵn đất sớm.
Hiện KCN Tràng Duệ 3 đã đền bù được hơn 200 ha. Có nhiều doanh nghiệp đã đăng ký vài chục ha/doanh nghiệp, KBC sẽ chia sẻ phần đất thuộc các lô phía sau 5 - 7 ha cho các công ty vệ tinh.
Tại dự án Nam Sơn Hạp Lĩnh (Bắc Ninh), từ đầu năm KBC đã thu hút được một số khách hàng sản xuất chip, công nghệ. “Vì phải ký bảo mật với khách hàng nên chúng tôi chưa thể công bố. Khi nào công bố là khách hàng đã vào khởi công xây dựng”, bà Hương nói với cổ đông.
Mặt khác, bà Hương cho biết công ty cũng gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, người dân không chịu nhận tiền đền bù mà chờ Luật Đất đai mới có hiệu lực để xem tiền đền bù có được nhiều hơn không hoặc có thêm khoản trợ cấp nào không.
“Với sự nỗ lực từ các bên, dự kiến trong hai tuần tới các hộ dân sẽ đồng ý và hoàn tất thủ tục nhận đền bù trên tổng diện tích vài chục ha. Tại Nam Sơn Hạp Lĩnh chúng tôi chủ yếu thu hút khách hàng ở lĩnh vực công nghệ, đặc biệt từ Trung Quốc, Đài Loan…”, Tổng Giám đốc KBC thông tin.
Cũng tại đại hội, các cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2024 với 9.000 tỷ đồng doanh thu và 4.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 59% và 80% so với kết quả đạt được trong năm 2023 (theo báo cáo tài chính tự lập). Ba tháng đầu năm nay, công ty đạt hơn 152 tỷ đồng doanh thu và lỗ ròng 86 tỷ đồng.
Trước đó trong năm 2023, Kinh Bắc không đạt kế hoạch kinh doanh khi doanh thu hợp nhất đạt gần 6.059 tỷ đồng, tăng 73 so với cùng kỳ, thực hiện được 67% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.245 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ, tương ứng 56% kế hoạch.
Công ty đã cho thuê hơn 151 ha đất tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Quang Châu mở rộng và KCN Tân Phú Trung, đóng góp gần 93% tổng doanh thu nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch do các KĐT dự kiến ghi nhận doanh thu trong năm vẫn chưa được ghi nhận.