Nhà máy Z121 thuộc Bộ Quốc phòng là nơi duy nhất trong nước sản xuất pháo hoa, năm nay dự kiến cho ra thị trường 6 triệu giàn phục vụ dịp Tết 2024.
Xí nghiệp sản xuất pháo hoa nằm cách trụ sở chính của Nhà máy Z121 hơn 10 km. Đây là nơi duy nhất tại Việt Nam sản xuất các loại pháo hoa nổ, pháo hoa, hỏa thuật... phục vụ các dịp lễ hội và nhu cầu của người dân.
Khu vực sản xuất xa khu dân cư, xung quanh các nhà xưởng có các ụ đất để phòng ngừa nổ lây khi có sự cố.
Để đảm bảo an toàn, người vào trong khu sản xuất phải để điện thoại, các thiết bị điện tử và những vật phát sinh ra lửa ở ngoài cổng.
Khu vực công nhân lắp ghép ngòi cho giàn phóng pháo hoa. Những năm trước công nhân thực hiện thủ công cho từng ống phóng rồi ghép 25 ống giấy thành một giàn. Năm 2023, với công nghệ giàn phóng ép đúc liền khối đã cải tiến chất lượng, năng suất hơn.
Pháo hoa là sản phẩm mang tính nghệ thuật, đa dạng về chủng loại, màu sắc, do vậy, có nhiều chặng được làm thủ công.
Công nhân đổ keo lên đế để cố định và chống ẩm phần ngòi dẫn cháy cho từng giàn pháo. Trước đây công đoạn này thực hiện thủ công nên cần 4-5 người. Năm nay, nhà máy cải tiến đưa máy phun keo tự động, tăng năng suất 2,5 lần.
Mỗi giàn pháo phun viên có 25 hoặc 36 ống. Giàn được kiểm tra, đóng dấu định danh (thời gian, tổ sản xuất, công nhân), sau đó chuyển đi phân xưởng khác. "Có 4 chặng kiểm tra độ ổn định của sản phẩm, nên một công đoạn bị lỗi thì nhanh chóng được phát hiện và khắc phục", anh Nguyễn Tùng Lâm, Tổ trưởng tổ sản xuất ghép ống pháo hoa, phân xưởng A15 nói.
Nơi sản xuất viên màu. Tất cả phòng được thiết kế thông thoáng, cho không quá 2 người làm việc. Độ ẩm duy trì khoảng 40-65% để đảm bảo an toàn và chất lượng sản phẩm.
"Màu sắc của pháo hoa phụ thuộc vào thành phần chế tạo viên màu. Pháo hoa khi bắn lên màu sắc có đẹp hay không phụ thuộc rất nhiều vào công đoạn này", anh Nguyễn Hữu Tuấn, phân xưởng A16 cho biết.
Viên màu được tạo ra với kích thước khác nhau, sau mỗi chu kỳ được đem phơi dưới ánh nắng tự nhiên hoặc sấy trong thời gian nhất định.
Viên màu sau khi chế tạo xong được chuyển sang chặng lắp vào ống. Mỗi loại pháo hoa có cách sắp xếp viên màu khác nhau. Đây là khâu liên quan đến tạo hình quả pháo khi bắn lên trời.
Tại phân xưởng này, nhân công chủ yếu là nữ vì đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo.
Khi pháo được ép hoàn thiện, hai công nhân kiểm tra chất lượng lại lần cuối trước khi chuyển sang chặng dán tem nhãn và bảo quản.
Mỗi giàn pháo hoa tùy loại sẽ đóng thùng số lượng khác nhau, trên thùng có ghi đầy đủ các thông số: tên giàn phun, lô sản xuất, số lượng giàn, ngày sản xuất và người đóng gói.
Loại pháo hoa nhà máy sản xuất được thử nghiệm. Dự kiến năm nay, nhà máy Z121 sản xuất hơn 6 triệu giàn pháo hoa các loại, gấp đôi công suất so với năm ngoái.
Đại tá Trần Anh Mạnh, Phó giám đốc Nhà máy Z121 cho biết, năm nay đơn vị đã đầu tư nhiều thiết bị, cải tiến trong quá trình sản xuất nên tiết giảm được chi phí, giá thành các sản phẩm sẽ giảm tới 20%. "Thời gian tới, nhà máy phát triển rộng mạng lưới phân phối trên 400 cửa hàng trên toàn quốc, phát triển các đại lý bán để người dân dễ dàng tiếp cận sản phẩm pháo hoa với mức giá niêm yết công khai", đại tá Mạnh nói.
Ngọc Thành
Theo VnExpress
Link bài gốc
https://vnexpress.net/noi-duy-nhat-san-xuat-phao-hoa-tai-viet-nam-4666261.html?gidzl=_Qny7Abae3Frj7WRgNceFFErTXQnAVrelB4aHE9vhpcxv7GGiIkhDhZXS1pXBQWrxxLoIp5i_kaVe6UWD0