|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những ngân hàng nào sẽ có khả năng tăng tín dụng tốt trong nửa cuối 2024?

07:50 | 04/09/2024
Chia sẻ
Các chuyên gia của MBS dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 14% trong năm 2024 với kịch bản tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,5%. Đồng thời, sẽ tập trụng vào các ngân hàng có NIM, chất lượng tài sản tốt hơn và tăng trưởng tín dụng cao trong lịch sử.

Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống sẽ đạt mục tiêu 14%

Tín dụng đang nhích chậm khi ngành ngân hàng đã bước sang tháng cuối cùng của quý III. Tính đếnngày 26/8, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 6,63% so với cuối năm 2023, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm. Như vậy, sau khoảng 2/3 năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm khoảng 900.000 tỷ đồng. 

Sau quý đầu âm, tăng trưởng tín dụngđược cải thiện kể từ tháng 4 nhờ sự phục hồi của sản xuất. Số liệu công bố cho thấy trong 7 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất tăng trưởng ổn định liên tiếp trong 5 tháng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11,2% so với cùng kỳ đi cùng với chỉ số PMI duy trì ở mức 54,7 trong tháng 7. Xuất nhập khẩu tăng lần lượt 15,7% và 18,5% dẫn tới thặng dư thương mại đạt 14,98 tỷ USD. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia Chứng khoán MB (MBS), tăng trưởng tín dụng được cải thiện nhanh hơn vào tháng cuối của quý II so với 5 tháng đầu năm cho thấy sự không chắc chắn trong các tháng tiếp theo.

Khảo sát của công ty chứng khoán này cũng cho thấynhóm ngân hàng quy mô lớn đang dẫn dắt tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống trong khi tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng quốc doanh vẫn đang chậm vì hoạt động trả trước tăng mạnh nhờ lãi suất thấp.

 

MBS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 14% trong năm 2024 với kịch bản tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,5%. Trong đó, cho vay bán lẻ dự kiến sẽ phục hồi mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm 2024 dẫn dắt bởi tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô nhờ hiệu ứng từ lãi suất cho vay thấp.

Tính đến 7 tháng đầu năm 2024, tổng doanh số bán lẻ ghi nhận mức tăng trưởng 8,7% so với cùng kỳ.

"Chúng tôi tin rằng hoạt động cho vay mua nhà sẽ giữ tốc độ tăng trưởng tương tự như trong 6 tháng đầu năm 2024 chủ yếu nhờ sự phục hồi của giao dịch bất động sản thứ cấp.", MBS nhận định.

Còn với mảng khách hàng doanh nghiệp, MBS cho rằng hoạt động nhập khẩu và xây dựng hạ tầng sẽ là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2024.

Các chuyên gia dự báo rằng các dự án đầu tư công trong nửa cuối 2024 như sân bay Long Thành và cao tốc Bắc Namsẽ được tăng cường giải ngân để hoàn thành 95% kế hoạch Thủ tướng giao. Cùng với đó, hoạt động nhập khẩu sẽ tăng 15-16% vào năm 2024, nhờ mức tăng trưởng 18,5% đạt được trong 7 tháng đầu năm.

Mảng bất động sản được cho rằng đang phục hồi thấp hơn dự kiến dù có một số dấu hiệu phục hồi tích cực trong 6 tháng đầu năm như tỷ lệ hàng tồn kho trên tài sản của các công ty bất động sản tăng nhẹ và doanh thu thuế liên quan đến đất đai tăng cao.

Tín dụng sẽ tăng tập trung ở nhóm ngân hàng nào?

Theo MBS, các ngân hàng có những đặc điểm sau sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trong thời gian còn lại của năm 2024 như biên lãi thuần (NIM) cao hơn, chất lượng tài sản tốt hơn và tăng trưởng tín dụng cao trong lịch sử.

Các chuyên gia phân tích cho rằng một số ngân hàng có thể hy sinh (NIM) bằng cách giảm lãi suất cho vay, bao gồm: VPBank, MB, Techcombank và HDBank. 

Những ngân hàng có chất lượng tài sản đã được kiểm chứng trong thời kỳ đại dịch Covid-19 (tính đến thời điểm hiện tại) sẽ có vị thế tốt hơn, có thể kể đến như ACB, Vietcombank, Techcombank có thể vượt qua áp lực trích lập dự phòng trong các quý tới khi tín dụng tiếp tục tăng trưởng.

Cùng với đó, các ngân hàng chứng tỏ được khả năng hấp thụ tín dụng trong bối cảnh áp lực trả trước cao trong năm 2023 và 6 tháng đầu 2024 có khả năng duy trì tăng trưởng. Khả năng phục hồi này đặc biệt có giá trị do nhu cầu yếu đã trải qua từ nửa cuối năm 2023 đến nay, theo MBS.

Dựa trên các dự báo đó, một số ngân hàng được MBS dự phóng tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2024 như: HDBank (khoảng 24,7%); VPBank (24,4%); Techcombank (23,5%); MB (22,3%); ACB (20,8%).

 Nguồn: NHTM, MBS Research

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã có điều chỉnh trong chính sách cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) cho các ngân hàng.

Theo đó, kể từ ngày 28/8, tổ chức tín dụng (TCTD) có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng (nới room) dựa trên cơ sở điểm xếp hạng. Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN và các TCTD không cần phải đề nghị.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng đánh giá đây là giải pháp kịp thờiđón đầu cho tăng trưởng vào cuối năm.

Theo đánh giá của Chứng khoán VPBank (VPBankS), chính sách nới hạn mức của NHNN sẽ là động lực cho các ngân hàng cạnh tranh hơn nữa trong việc giành room tín dụng và thị phần. Chính sách lãi suất sẽ trở nên ưu đãi hơn, có lợi cho người đi vay nhưng có thể đánh đổi bằng biên lãi thuần (NIM) giảm nhẹ cho ngân hàng. 

H.T