|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những lần bỏ lỡ cơ hội 'vàng' của VNG

16:55 | 05/01/2023
Chia sẻ
VNG đã xem xét tiềm năng niêm yết trên sàn Nasdaq từ năm 2017. Tuy nhiên, kế hoạch này liên tục bị trì hoãn, đến cuối năm 2022, các nguồn tin cho biết VNG đã lên kế hoạch để niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua SPAC, với định giá từ 2-3 tỷ USD.

Ngày 5/1, VNG đã chính thức lên sàn UPCoM với mức giá tham chiếu 240.000 đồng/cp. Với mức giá tạm tính này, giá trị vốn hóa của công ty khoảng 8.600 tỷ đồng, tương đương hơn 360 triệu USD. Quy mô vốn hóa này của VNG cách xa mức định giá được đưa ra trước đó. Trước đó, từ năm 2014, VNG được định giá 1 tỷ USD và trở thành kỳ lân đầu tiên của Việt Nam, theo World Startup Report.

Công ty cũng có kế hoạch lên sàn Nasdaq (Mỹ) vào cuối năm 2022 thông qua việc sáp nhập với một công ty SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt). Thương vụ này có thể giúp định giá VNG rơi vào khoảng 2 – 3 tỷ USD, theo Bloomberg. Tuy nhiên, VNG đã bỏ lỡ kế hoạch này.

Có thể thấy, đây không phải là lần đầu tiên VNG bỏ lỡ những "cơ hội vàng" trên thị trường. Những dịch vụ như Zing Me, ZaloPay,… là những sản phẩm để lại nhiều nuối tiếc nhất trên chặng đường phát triển của tập đoàn công nghệ này.

 Ông Lê Hồng Minh, sáng lập VNG. (Ảnh: Tech In Asia).

Mạng xã hội Zing Me

CTCP VNG được thành lập vào năm 2004 bởi ông Lê Hồng Minh - một du học sinh theo học chuyên ngành Tài chính Ngân hàng của Đại học Monash (Australia). Tên gọi ban đầu của công ty là Vinagame, ngụ ý hoạt động chủ yếu trong mảng game.

Làm nên thành công và tên tuổi cho VNG là những tựa game thu hút hàng triệu người chơi như Võ lâm truyền kỳ, Thành phố vui vẻ (Happy City), Khu vườn trên mây, Gunny,… và Zing Me. Tuy nhiên, Zing Me cũng sản phẩm khiến công ty nuối tiếc nhất.

Zing Me - mạng xã hội đầu tiên của Việt Nam, ra đời năm 2009. Tại ngày 23/9/2009, theo công bố của mạng xã hội này và được tờ Tuổi Trẻ dẫn lại, số người dùng của họ đạt 945.000 người, vượt gần 30.000 so với con số 918.000 người dùng Facebook. Vào khoảng thời gian đỉnh cao, Zing Me đạt 6,8 triệu người dùng, gấp hai lần số người truy cập Facebook (3.1 triệu người).

Thành công của Zing Me đạt được vào thời điểm đó, theo lý giải là do mạng xã hội này tận dụng được thói quen viết blog từ Yahoo 360 trước đó. Trong khi với Facebook, người dùng phải sử dụng chức năng note phức tạp kiểu HTML.

Tuy nhiên, chỉ với tính năng đó không đủ để Zing Me chạy đường dài với ông lớn Facebook có nhiều tiền và nhiều công nghệ. Năm 2012, chuyên gia chiến lược truyền thông mạng Vicenzo Cosenza (Italia) đã công bố Bản đồ mạng xã hội toàn cầu (World Map Social Networks) cho thấy, Facebook đã vượt mặt Zing Me ngay tại quê nhà.

 Giao diện mạng xã hội Zing Me. (Nguồn ảnh chụp màn hình: CTAgency).

Sau một thập niên tồn tại, tháng 1/2020, Zing Me đã chính thức bị khai tử. Nói về thất bại của Zing Me cũng như các sản phẩm khác của VNG, ông Lê Hồng Minh chia sẻ trên nền tảng tin tức Zing News rằng:

“Chúng tôi học từ những sự thất bại đó, tiếp tục chỉnh sửa, làm lại, hay làm mới sản phẩm; tiếp tục thử nghiệm, tiếp tục cố gắng. Đối với VNG thì đó là rất nhiều bài học thực tế, phải trả giá bằng rất nhiều công sức, tiền bạc và sự ra đi của nhiều thế hệ con người”.

Ví điện tử Zalo Pay

Sở hữu trong tay nền tảng nhắn tin lớn nhất Việt Nam là Zalo với 74,7 triệu người dùng hoạt động hàng tháng theo số liệu được Bộ Thông tin & Truyền thông công bố, song trên thị trường ví điện tử, VNG lại là kẻ đi sau.

Nếu như MoMo được ra mắt vào năm 2010 thì phải 6 năm sau, VNG mới tiến vào mảng kinh doanh này với ZaloPay. Được tích hợp vào Zalo, ZaloPay được kỳ vọng sẽ làm nền tên tuổi như WeChat ở Trung Quốc. 

Dường như ZaloPay đã không tận dụng được lợi thế này khi theo Robocash Group, ZaloPay chỉ đứng thứ ba trong số các ví điện tử phổ biến ở Việt Nam, thậm chí còn xếp sau ví điện tử sinh sau đẻ muộn là Viettel Pay.

Cụ thể, MoMo đang chiếm 45,8% thị phần, thứ hai là Viettel Pay với 19,5% thị phần, thứ ba là ZaloPay 17,5% thị phần và cuối cùng là ShopeePay 14,1%. Moca và VNPT Pay chia nhau 1% thị phần còn lại. Trong khi đó, theo Bản tin ngành công nghệ tài chính (Fintech) được Reputa công bố, ZaloPay đứng cuối bảng trong top 5 ví điện tử phổ biến trên mạng xã hội. 

 Top 5 ví điện tử phổ biến trên mạng xã hội. (Nguồn: Reputa).

Đến nay, VNG vẫn đang gánh lỗ cho hoạt động của ZaloPay. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III của VNG, phần lỗ trong công ty liên kết đã tăng hơn 82 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay so với chỉ gần 19 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Tính đến 30/9, lỗ lũy kế từ việc đầu tư của VNG đã lên tới hơn 603 tỷ đồng.

Trong đó, khoản lỗ lớn nhất phải kể đến lỗ của cổ đông không kiểm soát khi âm đến 345 tỷ đồng trong 9 tháng. Không loại trừ khả năng phần lỗ này đến từ khoản đầu tư vào CTCP Zion - đơn vị sở hữu ví điện tử Zalo Pay.

Tính tới cuối quý III, VNG ghi nhận đầu tư vào Zion hơn 2.561 tỷ đồng, tăng 680,4 tỷ đồng so với cuối năm 2021. VNG đang nắm giữ 65,48% cổ phần của Zion.

Niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ

VNG đã xem xét tiềm năng niêm yết trên sàn Nasdaq từ năm 2017. Tuy nhiên, kế hoạch này liên tục bị trì hoãn, đến cuối năm 2022, các nguồn tin cho biết VNG đã lên kế hoạch để niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua SPAC, với định giá từ 2-3 tỷ USD.

Trả lời Bloomberg, ông Lê Hồng Minh bày tỏ mong muốn “trở thành một công ty công nghệ toàn cầu. Vì vậy, chúng tôi phải chơi cùng một sân và tiếp cận nền tảng nhà đầu tư tốt nhất, cũng khắt khe nhất thế giới”.

Là một trong những startup được quan tâm nhất, nếu IPO tại Mỹ đúng thời hạn như kế hoạch, VNG sẽ là doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đầu tiên làm được điều này. Theo ông Minh, VNGGames là chìa khóa để mở rộng ra quốc tế. 

Bộ phận này ghi nhận người dùng ở hơn 130 quốc gia và dự kiến sẽ có 320 triệu khách hàng trên toàn cầu vào năm 2023, theo trang web của đơn vị. VNG có 7 văn phòng ở nước ngoài, bao gồm Bắc Kinh, Đài Bắc và Bangkok.

Không gian bên ngoài của sàn Nasdaq đặt tại quảng trường Thời Đại của New York, Mỹ. (Ảnh: Getty Images).

Cuối cùng, ý định “go global” được dàn lãnh đạo VNG nung nấu suốt 5 năm trời đã đổ bể khi công ty công bố sẽ lên sàn UPCoM. Theo tờ Bloomberg, những áp lực cạnh tranh tăng mạnh gần đây ở Đông Nam Á được coi là động lực để VNG và nhiều tập đoàn công nghệ trong khu vực liên tục công khai ý định niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ để có thêm vốn cho hoạt động đầu tư.

Như vậy, với việc thoái lui của VNG, Việt Nam chỉ có một công ty chuẩn bị lên sàn Nasdaq là VinFast khi ngày 7/12 hãng xe này cho biết đã nộp hồ sơ đăng ký lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) cho đợt phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng (IPO).

Quay trở lại với VNG, sau 17 năm hình thành và phát triển, đến nay công ty đã có gần 5.000 thành viên với 11 văn phòng tại 5 quốc gia. Trên báo cáo thường niên, VNG đang đầu tư tại 20 công ty thành viên.

Quy mô tổng tài sản của VNG ở cuối quý III/2022 đạt 9.189 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền và tương đương tiền cùng các khoản đầu tư nắm giữ đáo hạn của VNG chiếm 35,7% tổng tài sản, đạt 3.286 tỷ đồng.

Hồi đầu tháng 6/2022, VNG cho biết VNG Limited - một pháp nhân mới được thành lập đầu tháng 4/2022 tại Cayman Islands, dự kiến sẽ nhận chuyển nhượng 16,9 triệu cổ phần, tương đương 47,359% tổng số cổ phần của VNG từ 13 cổ đông nước ngoài. Động thái này được cho là tạo bước đệm để VNG tiến gần hơn đến cột mốc chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Trên diễn đàn Mạng lưới kết nối Giám đốc công nghệ Việt Nam (CTO Vietnam Network), ông Hà Kiền Lâm, Giám đốc Truyền thông tại WorldLine Technology đã kể câu chuyện về việc Garena (giờ là SEA Group) trong quá khứ đã có ý muốn bán mình cho Vinagame (giờ là VNG) với giá khá rẻ.

Tuy nhiên thời điểm đó, ông Minh của VNG muốn đào sâu vào thị trường Việt Nam thay vì mở rộng ra châu Á nên không mua. Ngày nay, SEA có thời điểm định giá lên 100 tỷ USD và vốn hoá thị trường 23 tỷ USD.

Thông tin này rõ ràng chưa được nhiều người biết đến và phía VNG cũng chưa từng chính thức công khai.

Thiên Trường