Trong những năm qua, với sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hạ tầng giao thông vận tải vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều thay đổi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng vùng châu thổ này.
Cầu Vàm Cống là cây cầu dây văng bắc qua sông Hậu, nối liền thành phố Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp. Cầu Vàm Cống cách bến phà Vàm Cống khoảng 3 km về phía hạ lưu sông Hậu, và thay thế cụm phà này kể từ khi cầu đi vào hoạt động vào ngày 19 tháng 5 năm 2019. (Ảnh: VGP/Huy Hùng ).
Cầu Vàm Cống là một trong hai cây cầu dây văng lớn nằm trên tuyến đường Mỹ An – Rạch Sỏi, thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long và Dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây. (Ảnh: VGP/Huy Hùng ).
Cầu Cao Lãnh là cây cầu dây văng được xây dựng bắc qua sông Tiền, nối liền thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam. Cầu Cao Lãnh cùng với cầu Vàm Cống là hai cây cầu trọng điểm nằm trong Dự án giao thông kết nối trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: VGP/Huy Hùng ).
Hai trụ tháp chữ H của cầu Cao Lãnh tượng trưng cho sự kết nối giữa hai nước Việt Nam và Australia khi xây cầu. (Ảnh: VGP/Huy Hùng ).
Đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi thuộc tỉnh Cà Mau là đoạn cuối của dự án đường Hồ Chí Minh. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ, do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, trực tiếp quản lý là Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh. (Ảnh: VGP/Huy Hùng ).
Dự án có điểm đầu tại cầu Ông Tình (huyện Năm Căn) và điểm cuối tại Khu du lịch Đất Mũi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển), tỉnh Cà Mau. Toàn tuyến có tổng chiều dài hơn 58 km, quy mô đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. (Ảnh: VGP/Huy Hùng ).
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài toàn tuyến 51,1 km, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương) và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang). (Ảnh: VGP/Huy Hùng ).
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng (trong đó vốn BOT là 10.482 tỷ đồng, vốn Nhà nước hỗ trợ 2.186 tỷ đồng). (Ảnh: VGP/Huy Hùng ).
Dự án cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có điểm đầu kết nối với cầu Vàm Cống (Cần Thơ), điểm cuối nối với tuyến tránh TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Khởi công từ giữa năm 2016, dự án có vốn đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng, trong đó vốn vay Hàn Quốc hơn 4.500 tỷ (200 triệu USD), còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước. (Ảnh: VGP/Huy Hùng ).
Đây là tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khi hoàn thành sẽ là tuyến đường thứ hai sau quốc lộ 1, kết nối thông suốt từ TP HCM về đến Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và tận mũi Cà Mau, giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. (Ảnh: VGP/Huy Hùng ).
Dự án nâng cấp tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp dài 103km đi qua địa bàn 4 tỉnh: Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau được khởi công tháng 1/2020. (Ảnh: VGP/Huy Hùng ).
Dự án hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giảm áp lực vận tải và giảm thiểu tai nạn giao thông cho tuyến quốc lộ 1, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí so với đi trên tuyến quốc lộ 1. - (Ảnh: VGP/Huy Hùng ).
Giai đoạn 2016-2020, nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đầu tư thực hiện với tổng số vốn Trung ương đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL đã được giao là 29.426 tỷ đồng. - Trong ảnh: TP Hà Tiên. (Ảnh: VGP/Hoàng Giám ).
Đến nay, nhiều dự án giao thông lớn đã hoàn thành như tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi kết nối Cần Thơ với Kiên Giang; nhiều công trình, dự án trọng điểm đã được phê duyệt và triển khai như: cầu Rạch Miễu 2, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn từ thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, Sóc Trăng, tuyến tránh quốc lộ 1A qua thành phố Cà Mau… - Trong ảnh: TP Cần Thơ. (Ảnh: VGP/Hoàng Giám ).
Giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số Bộ để triển khai các công trình dự án trong vùng khoảng 121.598 tỷ đồng, trong đó Bộ Giao thông vận tải là 86.812 tỷ đồng. (Ảnh: VGP/Hoàng Giám ).
Miền Tây ít dần đi những hình ảnh “cầu tre khó đưa dâu mùa mưa", người dân miền Tây cũng không còn bằng lòng với “mái tranh nghèo” mà đang vươn lên mạnh mẽ với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo. (Ảnh: VGP/Hoàng Giám ).
Những nhịp cầu nối bờ vui. (Ảnh: VGP/Hoàng Giám ).
Link bài gốc
http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Chum-anh-Nhung-cay-cau-nhung-con-duong-dan-thay-doi-bo-mat-mien-Tay/425375.vgp