|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mỗi năm thu bao nhiêu tiền từ sách giáo khoa?

06:46 | 14/10/2020
Chia sẻ
Tính đến hết năm 2019, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam là đơn vị duy nhất được quyền biên soạn và xuất bản các bộ sách giáo khoa dùng trong trường học.

Kể từ tháng 12/2019, Cánh Diều là bộ sách giáo khoa đầu tiên tại Việt Nam sau năm 1975 có sự tham gia của tư nhân, được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép sử dụng trong nhà trường. Trước đó, đơn vị duy nhất độc quyền biên soạn và xuất bản sách giáo khoa là Công ty TNHH MTV NXB Giáo dục Việt Nam (trước đây là NXB Giáo dục).

Với sản lượng hơn 100 triệu đầu sách giáo khoa được bán ra mỗi năm đã mang về cho doanh thu hơn nghìn tỉ đồng cho doanh nghiệp này. Mặc dù vậy, NXB Giáo dục Việt Nam cho biết hiện họ vẫn đang phải bù lỗ cho mỗi cuốn sách giáo khoa bán ra.

Thu hơn 1.000 tỉ đồng/năm

NXB Giáo dục Việt Nam trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo được thành lập từ tháng 6/1957. Đơn vị có nhiệm vụ tổ chức biên soạn, biên tập, in, phát hành sách giáo khoa và các sản phẩm giáo dục phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, học tập của các ngành học, bậc học.

Tháng 5/2003, NXB Giáo dục chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Tháng 1/2004, Công ty TNHH MTV NXB Giáo dục Việt Nam được thành lập, thuộc sở hữu Nhà nước.

Vốn điều lệ của NXB Giáo dục Việt Nam khi ấy là 559 tỉ đồng, đến ngày 6/8/2015 được điều chỉnh tăng lên 596 tỉ đồng. Vốn pháp định là 6 tỉ đồng.

Đại diện pháp luật đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thành viên là ông Nguyễn Đức Thái, sinh năm 1962 tại Hà Nội. Theo tìm hiểu, ông Thái hiện cũng đang nắm giữ cổ phần tại CTCP Bất động sản Thái Thịnh và CTCP Đầu tư tài chính, Thương mại dịch vụ Fico (8,82%).

Theo thông tin doanh nghiệp công bố, trong những năm gần đây NXB Giáo dục Việt Nam liên tục đạt mức doanh thu hàng nghìn tỉ đồng, phần lớn đến từ hoạt động biên soạn, kinh doanh sách giáo khoa.

Năm 2017, NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản được 107 triệu bản sách giáo khoa, đạt doanh thu 1.203 tỉ đồng. Trong đó 58,5% doanh thu tương đương khoảng 704 tỉ đồng đến từ việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa.

Cuối năm 2019, lượng sách giáo khoa đơn vị này sản xuất là 122 triệu bản, doanh thu đạt 1.482 tỉ đồng, trong đó phần lớn vẫn đến từ các hoạt động kinh doanh sách giáo khoa, khoảng 967 tỉ đồng.

Làm sách giáo khoa mỗi năm mang về bao nhiêu tiền cho doanh nghiệp? - Ảnh 1.

Mặc dù doanh thu tăng đều, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi giá vốn hàng hoá mà NXB Giáo dục Việt Nam phải chịu cũng không ngừng tăng cao. Đơn cử năm 2016 giá vốn hàng hoá đơn vị này phải chịu là 845 tỉ đồng thì đến năm 2019, con số này đã tăng gần 32% lên 1.115 tỉ đồng.

Nguyên nhân được chỉ ra là do giá vật tư, nguyên liệu, đặc biệt là giá giấy tăng rất cao (20% - 25%), chi phí vận chuyển ở mức cao, theo đó chi phí sản xuất lớn, đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất - kinh doanh.

Do đó, lợi nhuận trước thuế của NXB Giáo dục Việt Nam trong những năm gần đây có chiều hướng suy giảm. Từ 150 tỉ đồng năm 2017 xuống còn 129 tỉ đồng lợi nhuận năm 2018 và 132 tỉ đồng năm 2019, dự kiến năm 2020 là 125 tỉ đồng..

Đơn vị cũng cho biết, dù đã điều chỉnh giá sách giáo khoa cho những năm học gần đây, bù đắp một phần chi phí nhưng "vẫn không đủ giảm hết lỗ trong xuất bản sách giáo khoa".

Năm 2018, trả lời phỏng vấn trên Người lao động, ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch NXB Giáo dục Việt Nam khi ấy cũng thừa nhận: "Mỗi năm NXB Giáo dục còn bị lỗ trên dưới 40 tỉ từ việc in và phát hành sách giáo khoa" và cho biết đơn vị phải bù đắp bằng các nguồn thu khác, như sách tham khảo, sách bổ trợ, cho thuê bất động sản…

Thoái vốn ở hàng loạt công ty

Từ năm 2017 đến nay, thực hiện đề án tái cơ cấu, NXB Giáo dục Việt Nam đã thực hiện thoái toàn bộ vốn đầu tư ở 10 doanh nghiệp khác nhau, với tổng giá trị đầu tư đã thoái vốn là 52 tỉ đồng.

Các khoản thu từ hoạt động thoái vốn, hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính cũng đã đóng góp vào nguồn thu của doanh nghiệp qua các năm 2017, 2018 và 2019 giúp doanh nghiệp này hoàn thành kế hoạch tài chính được giao, "nộp ngân sách đúng và đủ".

Hiện NXB Giáo dục Việt Nam vẫn đang nắm trên 50% vốn điều lệ tại 9 công ty và liên kết với hàng chục công ty khác có hoạt động kinh doanh trong ngành xuất bản sách và thiết bị giáo dục.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 1.487 tỉ đồng, vốn góp chủ sở hữu là 596 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 778 tỉ đồng, tổng nợ phải trả 709 tỉ đồng.

Do đó, NXB Giáo dục Việt Nam cho biết trong thời gian tới doanh nghiệp sẽ tiếp tục thoái vốn tại các công ty không còn giữ vai trò quan trọng trong chuỗi hoạt động chính, bảo toàn và phát triển nguồn vốn. 

Đồng thời tập trung đầu tư cho các công ty có vai trò trọng yếu.

Liên quan đến hoạt động xuất bản sách giáo khoa, từ cuối năm 2019 với sự cấp phép sử dụng bộ sách Cánh Diều - bộ sách giáo khoa đầu tiên có sự tham gia của một doanh nghiệp tư nhân (CTCP Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam), đã chính thức phá vỡ thế độc quyền trong biên soạn và xuất bản sách giáo khoa.

Tuy nhiên, trong 5 bộ sách giáo khoa được lưu hành tại Việt Nam theo chương trình phổ thông mới, NXB Giáo dục Việt Nam hiện vẫn đang chiếm ưu thế với 4 bộ sách độc quyền, được nhiều tỉnh lựa chọn để giảng dạy trong năm học 2020 - 2021.

Xuất hiện đối thủ mới, doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng kênh phân phối bán lẻ, xây dựng giá trị và nhận diện thương hiệu, phát triển dịch vụ phân phối online phục vụ đa dạng nhu cầu của người sử dụng,… nhằm nâng cao tính cạnh tranh của các bộ sách giáo khoa mới, nâng cao thị phần trong thị trường phát hành sách giáo khoa.

Với việc tối ưu chi phí xuất bản sách, trong năm 2020 NXB Giáo dục Việt Nam đặt mục tiêu đạt doanh thu 1.307 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ sách giáo khoa lần đầu tiên vượt mốc nghìn tỉ đồng, đạt 1.010 tỉ đồng.

Thiên Trường

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Tác động từ vĩ mô toàn cầu đến TTCK Việt Nam tương đối thách thức
Tại sự kiện Báo cáo chiến lược đầu tư thường niên 2025 do FinPeace tổ chức mới đây, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách Công & Quản lý Fulbright, đưa góc nhìn về bối cảnh kinh tế toàn cầu và xu hướng điều hành kinh tế vĩ mô trong nước, qua đó tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam.