|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nguyễn Hải Ninh và những dự án khởi nghiệp triệu đô

09:48 | 16/08/2024
Chia sẻ
Từ Urban Station tới The Coffee House và hiện tại là M Village, Nguyễn Hải Ninh chứng tỏ khả năng của mình trong việc xây dựng nên những dự án khởi nghiệp triệu đô.

Nhà đầu tư đại tài Warren Buffett từng nói: "The most important thing about investment is knowing when to get out." Câu này có thể dịch là:"Điều quan trọng nhất trong đầu tư là biết khi nào nên rút lui." Và dường như Nguyễn Hải Ninh, nhà đồng sáng lập Urban Station và The Coffee House rất thấm nhuần tư tưởng này của Nhà hiền triết xứ Omaha.

Khi nói về bước ngoặt cuộc đời, ông Nguyễn Hải Ninh từng chia sẻ mục tiêu ban đầu khi khởi nghiệp của mình là kiếm tiền và ý tưởng đơn giản nhất ông nghĩ tới lúc đó là mở quán cà phê. 

Nguyễn Hải Ninh của năm 23 tuổi đã góp 50 triệu đồng cùng Đinh Nhật Nam và một số người bạn khác bắt đầu khởi nghiệp với thương hiệu Urban Station. Dựa vào khoảng 300 triệu vốn góp ban đầu, Urban Station được lập ra chạy theo xu hướng bán cà phê mang đi của những năm 2011, theo Forbes Việt Nam.

Tuy vậy, sau nửa năm hoạt động, đội ngũ sáng lập nhận ra định hướng này chưa thực sự hợp lý. Họ quyết tâm nghiên cứu thị trường và vẽ ra con đường mới cho Urban Station. Đó là tạo ra một điểm đến có phong cách riêng cho những người muốn tụ tập bạn bè, uống cà phê tán gẫu.

 Ông Nguyễn Hải Ninh. (Ảnh: Vietcetera).

Đó là một con đường đúng đắn. Việc chuyển đổi mô hình giúp Urban Station tạo sự khác biệt với các đối thủ trong phân khúc take-away về không gian, nhưng lại có giá rẻ hơn so với các quán thuộc nhóm cao cấp. Chuỗi cà phê này cũng nghiên cứu kỹ cách bài trí cửa hàng, từ quầy order cho tới vị trí đặt bàn ghế. Ngoài ra, họ có đội ngũ R&D tập trung vào phát triển các sản phẩm mới.

Như đã đóng gói được công thức thành công, cuối năm 2012, Urban Station chuyển qua bán nhượng quyền thương hiệu. Mô hình nhượng quyền của Urban Station khi đó cũng có sự khác biệt khi nhà đầu tư bỏ tiền, chọn mặt bằng, còn Urban Station thay mặt nhà đầu tư quản lý từ A đến Z. Thay vì thu phí nhượng quyền, Urban Station hưởng 30% lợi nhuận hàng tháng.

Mô hình này nhằm giúp giữ vững sự đồng nhất của thương hiệu. Năm 2013, Urban Station mở được 20 cửa hàng. Ở thời điểm năm 2015, mỗi ngày Urban Station bán ra 11.000 cốc cà phê, doanh thu 10 tỷ đồng/tháng, theo Forbes Việt Nam.

Trong thời kỳ đỉnh cao nhất, Urban Station ghi nhận tới hơn 60 cửa hàng trong hệ thống, doanh thu trên 6 triệu USD/năm, vượt qua mức kỳ vọng ban đầu của đội ngũ sáng lập. Theo lời nhà đồng sáng lập Đinh Nhật Nam, Urban Station tăng trưởng như một con quái vật. Chuỗi này cũng nhanh chóng xuất hiện tại nhiều mặt tiền đắc địa ở Hà Nội và TP HCM. Ở thời điểm đó, Urban Station được nhà đầu tư ngoại định giá khoảng hai triệu USD.

Giữa lúc Urban Station đang tăng trưởng mạnh, nhà đồng sáng lập Nguyễn Hải Ninh bất ngờ thông báo rời đi, bán lại số cổ phần nắm giữ tại Urban Station cho các cổ đông khác. Lý do cho quyết định này là sự bất đồng trong định hướng phát triển chuỗi. 

Kể từ sự rời đi của Nguyễn Hải Ninh, thương hiệu Urban Station cũng nhanh chóng rơi vào trạng thái bão hoà. Sau giai đoạn hoàng kim năm 2015-2016, các quán Urban Station cũng lần lượt đóng cửa hoặc sang nhượng mặt bằng. Hiện tại, website của Urban Station cũng không còn hoạt động. 

Urban Station Coffee tại Tạ Quang Bửu, Hà Nội. (Ảnh: Urban Station).

Quay trở lại với Nguyễn Hải Ninh, năm 2014, ở tuổi 26, ông đứng ra thành lập The Coffee House, không chạy theo mô hình nhượng quyền, tập trung vào tự vận hành mọi thứ và làm chủ nguồn nguyên liệu.

Những năm sau đó, với triết lý "Retail is all about Detail" (Tạm dịch: Bán lẻ chú trọng tính chi tiết), Nguyễn Hải Ninh nhanh chóng tạo ra một mô hình cửa hàng cà phê phù hợp thị hiếu dành cho The Coffee House. Trải qua giai đoạn đầu tiên từng phải đập đi xây lại những cửa hàng trị giá 2 tỷ đồng, The Coffee House tăng trưởng quy mô rất nhanh. Năm 2018, The Coffee House đánh dấu cột mốc 100 cửa hàng, đồng thời sáp nhập bộ phận cà phê của Cầu Đất Farm, tạo ra nguồn nguyên liệu riêng cho chuỗi.

Cùng năm đó, tờ Nikkei Asia đánh giá startup của Nguyễn Hải Ninh là chuỗi phát triển nhanh nhất trong các công ty khởi nghiệp về cà phê ở Việt Nam. Năm 2020, chuỗi này mở thêm 25 cửa hàng, nâng độ phủ lên 175 cửa hàng tại 18 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Thành công với The Coffee House là vậy nhưng một lần nữa, Nguyễn Hải Ninh lại bỏ lại "đứa con" của mình. Năm 2021, nhà sáng lập chuỗi "Nhà cà phê" lại thông báo rời đi. Sau khoảng 7 năm gây dựng, The Coffee House của Nguyễn Hải Ninh đã được Ficus Asia Investment (FAI), quỹ đầu tư có trụ sở tại Singapore do ông Đinh Anh Huân đứng đầu tiếp quản. Ông Huân là người từng cùng ông Nguyễn Đức Tài khởi nghiệp tạo nên CTCP Đầu tư Thế giới Di động. 

Ông Nguyễn Hải Ninh rời The Coffee House vào năm 2021 sau khi bán lại cổ phần cho Ficus Asia Investment. (Ảnh: Hải An/Zing).

FAI gián tiếp sở hữu The Coffee House thông qua CTCP Seedcom và CTCP Thương mại Dịch vụ Trà và Cà phê Việt Nam. Cùng năm đó, CTCP Seedcom đã phát hành lô trái phiếu trị giá 50 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là 1,852 triệu cổ phiếu CTCP Thương mại Dịch vụ Trà Cà phê Việt Nam (The Coffee House). Điều này cho thấy Seedcom định giá The Coffee House khoảng 50 triệu USD.

Ba năm sau sự rời đi của nhà sáng lập, The Coffee House kinh doanh khó càng thêm khó. Từ đỉnh cao khoảng 180 cửa hàng, đứng top đầu chuỗi cà phê Việt, The Coffee House giờ đã co hẹp quy mô xuống còn 115 cửa hàng, tính đến tháng 8/2024. Chuỗi này cũng vừa thông báo rút khỏi Cần Thơ và Đà Nẵng - những địa phương mà The Coffee House đã gắn bó 6-7 năm và đều là những trung tâm văn hoá, kinh tế, du lịch của đất nước.

Ngoài việc bị các tên tuổi mới lên như Katinat, Phê La đe doạ thị phần, The Coffee House cũng đang phải đối mặt với làn sóng tẩy chay dữ dội từ người dùng sau sự cố xảy ra hồi cuối tháng 4 tại cửa hàng ở Thái Hà (Hà Nội).

Urban Station hay The Coffee House đều có điểm chung là sự tham gia của Nguyễn Hải Ninh trong vai trò sáng lập viên. Kết cục của Urban Station đã rõ ràng còn The Coffee House còn bỏ ngỏ.

 

Tôi mở quán kinh doanh cà phê bắt đầu từ sở thích phục vụ chứ không thích uống cà phê. Chỉ cần mỗi ngày nhìn thấy khách ra vào quán là tôi vui. Mục tiêu của tôi lúc đó là kinh doanh cái gì thì cũng phải mang lại giá trị cho con người.

Ông Nguyễn Hải Ninh, nhà sáng lập EveryHalf và M Village chia sẻ trên Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn

Thời điểm hiện tại, bóng dáng của Nguyễn Hải Ninh được thấy xuất hiện bên cạnh chuỗi cửa hàng cà phê là EveryHalf. Ngoài ra, nhà sáng lập trẻ đang sở hữu một dự án khởi nghiệp triệu đô khác là hệ thống căn hộ M Village, mô hình co-livingmang đến không gian sống kết hợp giữa tiện nghi hiện đại và phong cách sống cộng đồng.

EveryHalf bắt đầu từ một thương hiệu của nghệ nhân rang cà phê Trần Lê Minh Trúc (một người cũ của The Coffee House) và chính thức trở thành công ty vào năm 2021. Hiện tại, họ đã mở rộng với 8 địa điểm tại TP HCM, được biết đến không chỉ vì chất lượng cà phê mà còn vì không gian độc đáo để làm việc, đọc sách và giao lưu xã hội.

Cửa hàng EveryHalf toạ lạc tại sảnh của một toà nhà ở đường Phạm Ngọc Thạch, Quận 3, TP HCM. (Ảnh: Thành Vũ)
Bên ngoài chi nhánh M Village Hai Bà Trưng, Quận 1, TP HCM. (Ảnh: Thành Vũ)

Hai dự án khởi nghiệp mới của Nguyễn Hải Ninh. (Ảnh: Thành Vũ)

Trong khi đó, các căn hộ của M Village thường tọa lạc tại các vị trí trung tâm, thiết kế để phục vụ nhu cầu sống của các chuyên gia trẻ, gia đình nhỏ hoặc những người tìm kiếm môi trường sống thân thiện, tiện lợi. M Village được thành lập vào tháng 10/2020 và đã phát triển nhanh chóng với tỷ lệ lấp đầy các cơ sở luôn đạt từ 90-95%.

M Village đã huy động thành công 1,7 triệu USD vào năm 2022 từ Simple Tech Investment (Singapore) để mở rộng quy mô tại TP HCM từ 300 lên 1.000 phòng. Gần đây, M Village tiếp tục nhận vốn đầu tư 10 triệu USD từ Trip.com, với kế hoạch tăng công suất lên 1.800 phòng trong năm nay, hướng đến doanh thu 15,9 triệu USD, so với 6 triệu USD của năm trước.

Thành Vũ