|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngành bảo hiểm 2024: Tín hiệu hồi phục xuất hiện, song vẫn đối diện nhiều thách thức

07:25 | 16/12/2024
Chia sẻ
Sau hơn một năm đầy sóng gió sau cuộc khủng hoảng niềm tin, ngành bảo hiểm đã có quý tăng trưởng trở lại, mặc dù mức tăng còn khiêm tốn nhưng đây có thể xem là tín hiệu tích cực cho thị trường trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn.

Tín hiệu phục hồi sau 5 quý tăng trưởng âm

Liên tiếp trong khoảng 10 năm trước 2023, lĩnh vực bảo hiểm đã từng ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu phí ở mức hai con số. Tuy nhiên, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đã chứng kiến sự suy giảm lần đầu tiên vào quý II/2023 và cho đến quý III năm nay mới có dấu hiệu phục hồi. 

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, doanh thu phí bảo hiểm trong quý III/2024 ước đạt 56.400 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ 2023. Đây là quý đầu tiên kể từ quý II/2023 mà tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm ghi nhận kết quả tích cực. Trước đó, trong 5 quý liên tiếp, doanh thu phí bảo hiểm đều suy giảm so với cùng kỳ. 

Tổng doanh thu phí bảo hiểm (gồm nhân thọ và phi nhân thọ) 11 tháng đạt 200.109 tỷ đồng, tăng 6,63% so với cùng kỳ năm trước. 

Mới đây nhất, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm (gồm nhân thọ và phi nhân thọ) 11 tháng đạt 200.109 tỷ đồng, tăng 6,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 71.905 tỷ đồng, tăng gần 13,02%. Còn doanh số bảo hiểm nhân thọ vẫn đi lùi sau cuộc khủng hoảng vào năm ngoái, khi giảm 5,5% sau 11 tháng, đạt 132.204 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng cho biết 11 tháng đầu năm các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi khoảng 86.368 tỷ đồng, tăng 17,13% so với cùng kỳ năm ngoái. Số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 838.319 tỷ đồng, tăng 12,6%. Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 986.586 tỷ đồng, tăng 9,7%.

Sự hồi phục trở lại này của thị trường cũng có thể nhìn thấy qua kênh bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng. Trong số 9 ngân hàng thuyết minh chi tiết về thu nhập từ hoạt động bảo hiểm 9 tháng đầu năm, có 4 ngân hàng ghi nhận tăng mạnh, 4 ngân hàng giảm và một ngân hàng duy trì mức như cùng kỳ năm trước.

Tính chung tổng doanh thu bảo hiểm của 9 ngân hàng tăng 6,25% so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 10.500 tỷ đồng. Tín hiệu cải thiện hiện rõ khi trong cùng kỳ năm trước, 8/9 ngân hàng nói trên đều ghi nhận doanh thu từ bảo hiểm giảm (26,1% so với cùng kỳ).

Tổng doanh thu bảo hiểm của 9 ngân hàng tăng 6,25% so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 10.500 tỷ đồng.

Bảo hiểm phi nhân thọ đối mặt với thách thức 

Trong quý III/2024, ngành bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam đã đối mặt với thách thức chưa từng có trong lịch sử: Bão Yagi. Vào đầu tháng 9, cơn bão Yagi và hoàn lưu bão đã đổ bộ và gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc. 

Theo thống kê từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, tính đến ngày 31/10, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã tiếp nhận khoảng 14.772 thông tin thiệt hại về bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tài sản kỹ thuật, bảo hiểm xe cơ giới và các nghiệp vụ khác bao gồm bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm nông nghiệp.

Bộ Tài chính cũng vừa công bố số liệu báo cáo từ 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 19 công ty bảo hiểm nhân thọ, tính tới ngày 6/12, tổng số tiền yêu cầu bồi thường về tài sản ước tính 10.595 tỷ đồng, trong đó chiếm phần lớn là bồi thường tài sản và xe cơ giới.

Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã chi trả 580 tỷ đồng (chiếm khoảng 6% so với yêu cầu bồi thường). Tỷ lệ chi trả bảo hiểm cho tổn thất sau bão Yagi hiện tăng gấp 4-5 lần so với những cơn bão lớn trước đó, chỉ ở mức 3-4%.

Bão Yagi và hoàn lưu bão hồi tháng 9, đã khiến chi phí bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm tăng vọt, kéo lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đi lùi. Ngoài ra, lợi nhuận từ hoạt động tài chính suy yếu trong bối cảnh lãi suất tiền gửi giảm cũng là yếu tố khiến lợi nhuận các doanh nghiệp bảo hiểm suy yếu. 

Theo thống kê từ 13 doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết, có tới 5 doanh nghiệp đã báo lỗ trong quý III/2024, lợi nhuận trước thuế toàn ngành giảm 34,6%, xuống 981 tỷ đồng. 

Nếu chỉ xét riêng hoạt động của 12 doanh nghiệp bảo hiểm (trừ Bảo Việt), tổng lợi nhuận trước thuế đã giảm gần 70% so với cùng kỳ, xuống 293 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ mảng bảo hiểm giảm 53,1% và lợi nhuận mảng tài chính giảm 12,5%, xuống lần lượt 414 tỷ đồng và 854 tỷ đồng. 

 5 doanh nghiệp bảo hiểm lỗ, 6 doanh nghiệp báo lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ.

Ngành bảo hiểm đối diện nhiều thay đổi

Thực tế, ngành bảo hiểm nhân thọ đã và đang đối diện với nhiều thay đổi. Luật Kinh doanh bảo hiểm và Thông tư 67/2023 đã có nhiều quy định mới nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi của khách hàng tốt hơn.

Kênh phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (Bancassurance) hiện cũng phải tuân theo quy định chặt chẽ hơn trước rất nhiều. Các ngân hàng bị cấm bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau giải ngân 60 ngày. Đồng thời, tư vấn viên phải ghi âm, ghi hình quá trình tư vấn. Các kỳ thi với sản phẩm liên kết đơn vị được tổ chức khắt khe, khiến tỷ lệ đỗ xuống thấp.

Ngân hàng Nhà nước cũng đang dự thảo Nghị định 88 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo đó, các nhà băng gắn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng có thể bị phạt tiền từ 400 - 500 triệu đồng.

Trong quý III, mặc dù mức tăng còn khiêm tốn nhưng đây có thể xem là tín hiệu tích cực cho thị trường bảo hiểm trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm (IAV), cho biết chỉ số tăng trưởng dương trong quý III cho thấy niềm tin, sự lạc quan đã dần quay lại với thị trường bảo hiểm nhân thọ, dù còn nhiều khó khăn phía trước để giữ vững đà tăng này.

Kết quả này cũng có được nhờ các doanh nghiệp đã liên tục triển khai các hoạt động hướng về khách hàng, như đơn giản hóa quy trình, giới thiệu các sản phẩm đa dạng phù hợp với các phân khúc khác nhau, nâng cao quyền lợi bảo vệ, chăm sóc khách hàng…

Tiềm năng phát triển

Ngành Bảo hiểm được Chính phủ quan tâm khi đặt ra hai mục tiêu lớn liên quan đến sự phát triển của thị trường bảo hiểm, bao gồm đạt 15% dân số tham gia mua bảo hiểm nhân thọ vào năm 2025 (so với năm 2023 chỉ đạt 12%);  tỷ lệ thâm nhập của tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ được kỳ vọng sẽ đạt 3,5% GDP vào năm 2025.

Theo thống kê của các chuyên gia Vietnam Report, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm/GDP tại Việt Nam tính trong giai đoạn tháng 5-6/2024 dao động ở mức 2,3-2,8%, thấp hơn so với mức trung bình 3,35% của khối ASEAN, 5,37% của châu Á và 6,3% của thế giới. Điều này cho thấy thị trường bảo hiểm tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển và mở rộng.

Theo dự báo của Bộ Tài chính, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm tại Việt Nam sẽ đạt 3,5% vào năm 2025 và 15% vào năm 2030. Với sự tăng trưởng kinh tế ổn định và thu nhập ngày càng được cải thiện, khả năng chi trả cho các sản phẩm bảo hiểm của người dân cũng tăng lên.

Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin và các nền tảng số cũng đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm một cách dễ dàng và thuận tiện hơn.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ những chỉ đạo kịp thời từ phía các cơ quan quản lý, sự ra đời của Luật Kinh doanh bảo hiểm cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn và sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành bảo hiểm vẫn có những bước tiến đáng kể.

Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp bảo hiểm của Vietnam Report trong giai đoạn tháng 5-6/2024, 45,5% doanh nghiệp kỳ vọng ngành bảo hiểm sẽ tăng trưởng từ 5 - 10% trong năm 2024. 

Minh Nguyệt

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.