|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lợi nhuận ngân hàng giảm tốc trong quý III, yếu tố nào là trụ đỡ cho những tháng cuối năm?

13:39 | 15/10/2021
Chia sẻ
Lợi nhuận các ngân hàng bước đầu xuất hiện áp lực giảm trong quý III. Dù vậy, chuyên gia cho biết lợi nhuận cả năm vẫn duy trì tăng trưởng dương, được hỗ trợ bởi hoạt động cho vay và bancassurance.

Lợi nhuận ngân hàng đã bắt đầu giảm tốc trong quý III

Trong những ngày gần đây, nhiều ngân hàng đã hé lộ kết quả kinh doanh sơ bộ 9 tháng đầu năm với lợi nhuận luỹ kế 9 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận quý III các ngân hàng đã giảm so với quý trước đó.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính vừa công bố, lợi nhuận trước thuế quý III của NCB đã giảm 19% xuống còn 79,8 tỷ đồng so với mức 98,7 tỷ đồng trong quý II. Lãi trước thuế của Kienlongbank giảm đến 29% so với quý II (103,1 tỷ đồng) xuống còn 72,8 tỷ đồng trong quý III. Theo ước tính tại TPBank, lợi nhuận quý III của ngân hàng cũng giảm khoảng 12,5% so với quý trước.

Kết quả này được nhiều công ty chứng khoán dự báo trước đó. Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam, lợi nhuận quý III/2021 của ngành ngân hàng có thể giảm đến 19% so với quý trước do tăng trưởng cho vay thấp và chi phí dự phòng tăng lên.

Yuanta Việt Nam dự báo thu nhập lãi thuần quý III sẽ giảm 2% so với quý trước trong khi chi phí dự phòng dự kiến tăng 20%, đặc biệt là tại các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu tương đối thấp.

Gần đây, Fiingroup đã có ước tính sơ bộ kết quả kinh doanh quý III/2021 của 9 NHTM đang niêm yết trên HOSE, HNX và đăng ký giao dịch trên UPCoM, kết quả cho thấy lợi nhuận quý III của 9 ngân hàng giảm 13,4% so với quý liền trước.

Đây là quý thứ hai liên tiếp các ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm. Nếu so với cùng kỳ, lợi nhuận các ngân hàng duy trì tăng 10,8%, nhưng tốc độ đã chậm lại trong hai quý gần đây

Fiingroup

Theo Fiingroup, hai nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm này đến từ gia tăng trích lập dự phòng và cắt giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Mặc dù lợi nhuận quý III giảm so với quý trước nhưng do mức tăng trưởng cao vào nửa đầu năm khiến cho lãi luỹ kế 9 tháng và dự kiến lợi nhuận cả năm của các ngân hàng khác sẽ vẫn ghi nhận tăng trưởng so với năm trước.

Tại hai ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính, lợi nhuận trước thuế luỹ kế 9 tháng đầu năm của NCB cao gấp hơn 7 lần cùng kỳ trong khi tại Kienlongbank chỉ tiêu này đang cao gấp 6 lần so với quý III /2020. 

Nhiều ngân hàng khác như TPBank, HDBank, SeABank hay SHB cũng cho biết vẫn duy trì tốt đà tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo gần đây của Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng việc duy trì tăng trưởng lợi nhuận 10-13% trong nửa sau 2021 để đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cả năm là 32% là hoàn toàn khả thi đối với hệ thống ngân hàng.

"Trong kịch bản tệ hơn nếu dịch bệnh kéo dài, lợi nhuận các ngân hàng trong hai quý cuối năm phải giảm như năm 2012 thì cả năm các ngân hàng vẫn duy trì tăng trưởng dương 15%, không quá tệ so với năm 2020," MBKE nhận định.

Dự báo giảm, lợi nhuận nhiều ngân hàng vẫn tăng mạnh do đâu? - Ảnh 1.

Lợi nhuận trước thuế trung bình ngành ngân hàng qua các năm và dự báo năm 2021. (Nguồn: MBKE).

Còn theo Chứng khoán Mirae Asset, lợi nhuận các ngân hàng sẽ phân hóa mạnh khi cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm. 

Theo đó, nhóm ngân hàng TMCP với chất lượng tài sản tốt và nắm giữ danh mục khách hàng ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ có nhiều tiềm năng hơn trong nửa còn lại của năm 2021.

Mirae Asset cho rằng ngân hàng sẽ vẫn là điểm sáng về lợi nhuận trong bối cảnh dịch bệnh. Theo đó, lợi nhuận của ngành ngân hàng nhìn chung được kỳ vọng duy trì mức tăng trưởng hai con số trong năm 2021 nhờ kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm.

Động lực tăng trưởng lợi nhuận những tháng cuối năm

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, động lực tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng sẽ tiếp tục đến từ việc cho vay. Nguyên nhân là nhu cầu vay rất lớn trong khi chi phí vốn huy động giảm. Do đó, năm nay các ngân hàng tiếp tục sẽ có lãi trong quý IV.

Ông Hiếu cho biết trong thời gian vừa qua nhiều khách hàng doanh nghiệp không hoạt động được và gửi một lượng tiền lớn vào ngân hàng. Từ đó làm tăng nguồn vốn huy động không kỳ hạn hỗ trợ lợi nhuận của ngân hàng.

Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cho phép các ngân hàng không chuyển nhóm nợ. Điều này giúp các ngân hàng có thể tiết kiệm được chi phí dự phòng rủi ro dù nợ xấu tăng. "Những yếu tố trên giúp đẩy NIM lên hỗ trợ lợi nhuận của ngân hàng," chuyên gia chia sẻ.

Ngoài thu nhập từ lãi, nguồn thu đến từ các mảng khác như phí dịch vụ, kinh doanh chứng khoán hay thu hồi nợ xấu cũng là các động lực thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng. Bancassurance là một điểm sáng trong quý cuối năm.

Các chuyên gia Yuanta Việt Nam cho rằng việc ghi nhận phí trả trước từ các thương vụ bancassurance độc quyền và doanh thu bancassurance sẽ tiếp tục hỗ trợ cho thu nhập phí và lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa cuối năm 2021.

Theo ước tính phí trả trước dựa trên một số thương vụ bancassurance gần đây, VPBank có thể tái đàm phán bancassurance với khoản phí 8.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Techcombank nhận phí trả trước 1.500 tỷ đồng từ hợp tác độc quyền bancassurance với Manulife.

Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, HDBank cho biết thu thuần từ dịch vụ tại ngân hàng mẹ đạt gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm trước nhờ sự khởi sắc của các mảng banca và dịch vụ thanh toán.

Ngoài ra, làn sóng tái đàm phán của các thương vụ bancassurance độc quyền có thể sẽ diễn ra trong giai đoạn 2021-2022. Cụ thể, Techcombank và VPBank sẽ tái đàm phán với đối tác để ghi nhận khoản phí “trả trước” cao hơn, giá trị có thể sẽ tương đương như các ngân hàng khác.

Dự báo giảm, lợi nhuận nhiều ngân hàng vẫn tăng mạnh nhờ đâu? - Ảnh 2.

Nguồn: BSC.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phương Nga

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.