|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

ĐHĐCĐ Hoàng Quân (HQC): Hội trường nóng vấn đề nhiều năm không hoàn thành kế hoạch, Chủ tịch cho biết có thể lời 20% từ việc M&A Thành phố Vàng, đã có đối tác sẵn sàng rót 1.000 tỷ

09:17 | 18/06/2022
Chia sẻ
Tại đại hội, nhiều cổ đông bày tỏ bức xúc khi Hoàng Quân không hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong nhiều năm liền. Mục tiêu trong năm nay, Hoàng Quân lãi trước thuế tối thiểu 206 tỷ đồng và Chủ tịch cho biết kế hoạch này nhằm đảm bảo dòng tiền giải quyết dứt điểm nợ thuế, âm vốn chủ,... trong giai đoạn 2022-2023.

 Khu vực kiểm tra tư cách cổ đông tại ĐHĐCĐ Hoàng Quân sáng ngày 18/6. (Ảnh: Nguyên Ngọc). 

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 của CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (Mã: HQC) sáng ngày 18/6, Ban Tổng Giám đốc và HĐQT công ty đã trình kế hoạch kinh doanh năm 2022, trong đó có phương án huy động vốn, lộ trình giải quyết các vấn đề còn tồn đọng và cập nhật tiến độ các dự án, các thương vụ M&A trong năm.

Dứt điểm nợ thuế và âm vốn trong năm 2023

Mở đầu đại hội, Chủ tịch Trương Anh Tuấn chia sẻ: “2021 là năm thứ 7 Hoàng Quân không hoàn thành kế hoạch kinh doanh và còn nhiều vấn đề chưa xử lý triệt để, trong đó có nợ thuế. Năm nay là 12 năm HQC niêm yết.

Trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã thực hiện được một số nền tảng: Vốn gần 5.000 tỷ đồng và không nợ ngân hàng, không nợ trái phiếu. 22 năm nay và chắc chắn sau này HQC luôn luôn ổn định, không liên quan đến những vụ án hình sự, không vi phạm pháp luật.

Trong những năm tháng dịch, HQC đã liên tiếp hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội. Trước đây HQC đã tích lũy quỹ đất và 3 năm nay cùng đối tác tích lũy dự án. Các dự án do HQC sở hữu hầu hết là nhà ở xã hội và đã hoàn thành. Hiện nay, với khoảng 30 công ty trong hệ thống, HQC có khoảng 40 dự án, trong đó có 20 dự án liên kết với đối tác và sẵn sàng bán ra thị trường”.

Cũng theo Chủ tịch Hoàng Quân, “rút kinh nghiệm và bằng những tiềm lực, năm nay là năm chính thức Hoàng Quân trỗi dậy với doanh thu trên 1.400 tỷ, gồm doanh thu từ nhiều dự án đã hoàn thành và có pháp lý sạch, sẵn sàng ghi nhận doanh thu.

Chắc chắn 2023 kế hoạch doanh thu gấp đôi với gần 3.000 tỷ và lợi nhuận trước thuế 400 tỷ. Năm trước nhiệm kỳ sẽ cố gắng đạt doanh thu 6.000 tỷ và lợi nhuận 600 tỷ.

Năm nay Hoàng Quân vẫn còn nợ thuế và về mặt hạch toán, thặng dư vốn cổ phần âm hơn 400 tỷ. Với lợi nhuận năm nay và năm sau sẽ giải quyết được nhiều bài toán: Dứt điểm nợ thuế, âm vốn chủ và có thêm phần tích lũy”. 

Nói thêm về vấn đề nợ thuế, ông Nguyễn Thanh Phong, Tổng Giám đốc, cho biết theo ý kiến kiểm toán, Hoàng Quân đang thực hiện các thủ tục để cấn trừ các khoản quyền lợi mà công ty được hoàn từ ngân sách nhà nước để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Tổng giá trị công ty đang đề nghị được hoàn lại khoảng 100 tỷ. Hoàng Quân đang làm việc với các cơ quan để được thực hiện cấn trừ nhằm hoàn thành nghĩa vụ thuế.

 ĐHĐCĐ thường niên 2022 của Hoàng Quân sáng ngày 18/6. (Ảnh: Nguyên Ngọc).

M&A và tăng tỷ lệ sở hữu tại 3 doanh nghiệp

Trong năm 2021, Hoàng Quân đã hoàn tất mua lại 40% vốn tại Công ty Simon, tăng vốn đầu tư tại CTCP Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân Bình Thuận lên 44%, tăng sở hữu tại CTCP Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ lên 39%. HĐQT cho biết, việc đẩy mạnh đầu tư tài chính tại các đơn vị này nhằm mở rộng quỹ đất, dự án có tiềm năng.

Cụ thể, Simon đang đầu tư dự án hơn 51 ha tại Đắk Lắk, bao gồm các khu nhà liên kế vườn, nhà phố, biệt thự đơn lập, song lập, khu du lịch sinh thái,…

Địa ốc Hoàng Quân Bình Thuận đang sở hữu quỹ đất tại Khu công nghiệp Hàm Kiệm I, Khu đô thị mới Nam Phan Thiết và đang mở rộng quỹ đất ở TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Tương tự, Địa ốc Cần Thơ cũng đang phát triển dự án tại Cần Thơ như Khu phố Phú Quý (10,7 ha), Khu phố Phúc Lộc (7 ha), Agora Zone (6.680 m2) và các tỉnh lân cận.

Tính đến cuối năm 2021, Hoàng Quân đang làm chủ đầu tư 6 dự án (TP HCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Trà Vinh, Bình Thuận) và hợp tác đầu tư 15 dự án.

Về kết quả kinh doanh, công ty đạt 279 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 48% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 4,2 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ và thực hiện được 8% kế hoạch năm.

Theo giải trình của Ban Tổng Giám đốc, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng toàn thị trường, dự án nhiều lần tạm dừng thi công nên ảnh hưởng tới tiến độ dự án cũng như kế hoạch ghi nhận doanh thu trong năm. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng hạn chế giao dịch trong giai đoạn này nên doanh thu bán hàng không đạt được như kỳ vọng.

Điều chỉnh kế hoạch doanh thu, lãi trước thuế tối thiểu 206 tỷ 

Theo kế hoạch kinh doanh 2022 mà HĐQT trình tại đại hội, doanh thu được điều chỉnh tăng lên 1.450 tỷ đồng.Chủ tịch trương Anh Tuấn cho biết, sau khi họp lại với các đơn vị thành viên, HĐQT nâng chỉ tiêu doanh thu nhằm đảm bảo lãi trước thuế tối thiểu 206 tỷ đồng, qua đó có nguồn vốn để giải quyết các vấn đề trong giai đoạn 2022-2023 như đã chia sẻ ở trên. 

Tại tài liệu đại hội được công bố trước đó, Hoàng Quân đặt mục tiêu doanh thu năm nay đạt 1.085 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu mảng bất động sản chiếm 495 tỷ đồng từ các dự án như HQC Biên Hòa (231 tỷ đồng); dự án HQC Plaza (32,1 tỷ đồng); HQC Bình Trưng Đông (11 tỷ đồng),...

Còn doanh thu hợp tác đầu tư bất động sản khoảng 400 tỷ đồng, trong đó dự án Khu đô thị mới Nam Phan Thiết 100 tỷ đồng; dự án HQC Tây Ninh 100 tỷ đồng và dự án khu dân cư Bình Minh (Vĩnh Long) 200 tỷ đồng.

Trình phương án phát hành huy động 1.000 tỷ

Bên cạnh đó, Hoàng Quân cũng trình kế hoạch chào bán riêng lẻ 100 triệu cp với giá 10.000 đồng/cp cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng một năm và dự kiến triển khai ngay trong năm 2022, sau khi được UBCKNN chấp thuận.

Nguồn vốn huy động 1.000 tỷ đồng sẽ được dùng để mua cổ phần của CTCP Đầu tư Thành phố Vàng. Trong đó, 650 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng cổ phần từ cổ đông hiện hữu và 350 tỷ đồng còn lại sẽ dùng để mua cổ phần trong đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ, qua đó bổ sung vốn cho Chung cư Nhà ở xã hội Thành phố Vàng (Golden City Tây Ninh). Dự kiến sau khi hoàn tất, Hoàng Quân sẽ sở hữu 97% vốn tại đơn vị này.

Thành phố Vàng đang triển khai dự án Golden City tây Ninh trên diện tích hơn 3,3 ha (hơn 1.500 căn hộ) và tổng mức đầu tư 2.063 tỷ đồng. Khu 1A của dự án đã được xây dựng và dự kiến hoàn thành 4 block trong năm nay. Còn khu 2A gồm 3 block dự kiến hoàn thành chậm nhất trong năm 2023.

Đã có đối tác sẵn sàng rót 1.000 tỷ để mua Thành phố Vàng

Đại hội bước vào phiên thảo luận với những câu hỏi đầu tiên xoay quanh thương vụ M&A Thành phố vàng và câu chuyện có nhóm doanh nghiệp muốn thâu tóm Hoàng Quân diễn ra cách đây không lâu.

Về phương án phát hành riêng lẻ, HQC có mối quan hệ gì với Thành phố Vàng không? Đơn vị này sẽ góp gì vào kết quả kinh doanh của HQC?

Ông Trương Anh Tuấn: Thành phố Vàng là công ty hoàn toàn mới. Dự án Golden City rất quen thuộc với HQC vì trước đây HQC là chủ sở hữu dự án này. Trong giai đoạn cắt nguồn vốn  30.000 tỷ vào phân khúc nhà ở xã hội, HQC đã thoái vốn tại dự án này.

Thành phố Vàng là đơn vị nhận chuyển nhượng dự án. Với hội đồng quản trị mới, dự án đã hoàn thiện phần thô, đến nay bán chưa đến 100 căn hộ. Số vốn Thành phố Vàng đã bỏ ra khoảng 728 tỷ, phù hợp với định giá 17.000 đồng/cp.

Tuần rồi cá nhân tôi đã lên báo cáo với các cơ quan và đơn vị Thành phố Vàng theo hướng HQC xin nhận chuyển nhượng lại để quay lại hoàn thành toàn bộ dự án này. Khi mua lại, HQC lời hơn 20% khi bỏ ra số tiền hơn 600 tỷ. Ngay khi cổ đông thông qua, hai bên có thể ký hợp đồng đặt cọc ngay lập tức.

Câu chuyện có nhóm doanh nghiệp muốn thâu tóm HQC?

Ông Trương Anh Tuấn: Cá nhân tôi cũng đã gặp chị Quyên, anh Nhân. Việc họ đề nghị tham gia vào ban điều hành chúng tôi đã có văn bản trả lời chính thức không đồng ý vì không phù hợp với tiêu chí HQC đang lựa chọn (như tuân thủ pháp luật, có năng lực tài chính, đồng hành lâu dài,…) thì Louis chưa đáp ứng được.

Đến nay, HQC đã có đối tác tin cậy, cùng đồng hành, đầu tư lâu dài. Trước mắt, đối tác sẽ đầu tư 1.000 tỷ để HQC đầu tư vào dự án Golden City. Phía đối tác cũng đang cân nhắc bổ sung hoặc điều chỉnh nhân sự HĐQT.

Cổ đông chất vấn các vấn đề về kết quả kinh doanh

Theo báo cáo HĐQT các năm, HQC có rất nhiều dự án tốt. Mỗi năm ban điều hành đều hứa và đặt kế hoạch kinh doanh cao nhưng thực tế rất thấp. Lợi nhuận của các dự án đẹp và tốt đã đi đâu?

Năm 2021, HQC mua cổ phần của một số công ty với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ, trong đó có hơn 1.000 tỷ vay và bán rất nhanh. Thực tế các việc này như thế nào?

Ông Trương Anh Tuấn: Về việc 7 năm không hoàn thành kế hoạch, tôi đã có chia sẻ lúc đầu. Lợi nhuận có năm nhiều, năm ít.

Rất nhiều người, kể cả cổ đông rất hay nhầm lẫn giữa công ty Hoàng Quân (HQC) và tập đoàn Hoàng Quân. Hai doanh nghiệp này đều do tôi làm Chủ tịch HĐQT nhưng hoạt động độc lập. Tập đoàn Hoàng Quân liên kết với khoảng 30 công ty thành viên.

Còn HQC chỉ có công ty liên kết, không có công ty thành viên. Bản thân HQC hiện nay có rất ít dự án. HQC đang đầu tư tài chính khoảng 4.000 tỷ cho nhiều công ty trong tập đoàn Hoàng Quân như Mê Kông, Cần Thơ. Trong đó có nhiều dự án rẻ do giá vốn thấp, tiền đền bù ít nhưng vì dự án lớn nên hiện nay chưa có dự án nào bàn giao 100%. Các khoản đầu tư này sẽ tạo ra dòng tiền từ năm nay.

Phần lớn các công ty HQC đầu tư tài chính đều có báo cáo tài chính kiểm toán hàng năm. Kết thúc năm 2021, HQC đầu tư khoảng 2.100 tỷ vào 4 công ty. Ngược lại, nợ phải trả trên 3.000 tỷ, trong đó có tôi.

Trong bối cảnh vàng thau lẫn lộn còn đáng sợ hơn đại dịch, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt liên quan đến các vụ án hình sự, nhiều cổ đông cũng nghi ngại và sợ mất vốn khi đầu tư vào HQC. Sau đó, HQC rút toàn bộ các khoản đầu tư để đảm bảo an toàn cho các đối tác. HQC có kiểm toán và đã công bố thông tin.

Khoảng hai tuần nay, tôi mới thương lượng lại và đối tác nhận thấy sóng yên gió lặng, ông Chủ tịch còn ngồi đây, tuân thủ pháp luật, không nợ ngân hàng, không nợ trái phiếu,… Trước mắt, các bên không hợp tác với hình thức mua cổ phần mà sẽ hợp tác thông qua các sản phẩm. Dự án nhà ở xã hội Golden City trước kia của HQC.

Năm 2020 công bố chuyển nhượng dự án Tây Ninh và cổ đông kỳ vọng rất nhiều vào lợi nhuận nhưng công ty không công bố. Rồi bây giờ ban điều hành công bố mua lại dự án này. Đề nghị ban điều hành giải thích rõ.

Ông Trương Anh Tuấn: Tại thời điểm HQC chuyển nhượng, dự án chỉ mới xong phần móng và HQC lời khoảng 20% (tương đương 23,7 tỷ). Bây giờ dự án đã xong phần thô và có thể bán hàng, ghi nhận doanh thu nhanh. 

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm như thế nào?

Ông Trương Anh Tuấn: Hiện nay mới ngày 18 nên chúng tôi chưa có kết quả kinh doanh quý II. Trong quý I, doanh thu 77 tỷ và lợi nhuận 5 tỷ.

Trước kia tôi rất thích HQC không chỉ về kinh doanh mà còn tâm huyết của HĐQT. Bây giờ tôi không muốn quay lại quá khứ. Tôi có thể hiểu vấn đề rủi ro về chính sách 30.000 tỷ. Tuy nhiên trong những tháng đầu năm, chính phủ đã thúc đẩy và có chính sách rõ ràng liên quan đến nhà ở xã hội. Tôi mong rằng HQC nỗ lực hết sức, không hoạt động tà tà nữa. Đến cả những ông lớn cũng đang tìm cách đi vào phân khúc này, vậy tại sao HQC với thế mạnh sẵn có không làm được?

Ông Trương Anh Tuấn: Kế hoạch mua lại dự án nhà ở xã hội Tây Ninh cũng cho thấy quyết tâm của HQC quay trở lại phân khúc này. HQC hiện vẫn là lá cờ đầu ở phân khúc này. Tuy nhiên, chúng ta đã vấp ngã rất thương đau mà không có lời biện minh nào nên chúng ta cần bình tĩnh, xem xét hiệu quả từng dự án.

HQC cũng có dự án ở một vài địa phương nhưng tiền từ ngân hàng chính sách xã hội vẫn chưa tới nên chúng ta chưa làm được. Còn pháp lý cho dự án mới mất 3-5 năm.

Do vậy, HQC sẽ tham gia vào nhà ở xã hội như dự án Tây Ninh, tức mua dự án đã sẵn sàng bán và chỉ đầu tư vốn, song song đó đầu tư thêm vào các dự án thương mại. 

Nguyên Ngọc