Khối ngoại xả ròng 3.900 tỷ đồng trong tuần VN-Index rơi 44 điểm, đâu là tâm điểm?
Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một tuần giao dịch (11 – 15/11) đầy khó khăn với 4/5 phiên giảm điểm, trong đó hai phiên cuối tuần VN-Index đều bốc hơi hơn 1% giá trị. VN-Index đóng cửa tuần tại 1.218,57 điểm, giảm mạnh 33,99 điểm, tương đương 2,71% so với cuối tuần trước.
Thanh khoản bật tăng với tổng giá trị giao dịch bình quân phiên (trên cả 3 sàn) đạt 18.642 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, giá trị giao dịch bình quân ghi nhận 16.323 tỷ đồng, tăng 28,4% so với tuần trước và cao hơn 14,7% so với với trung bình 5 tuần gần nhất.
Việc mất đi lực đỡ từ nhóm vốn hóa lớn khiến chỉ số rơi khỏi những ngưỡng hỗ trợ quan trọng, VN-Index cũng đánh mất mốc 1.220 điểm. Trong Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực lên VN-Index trong tuần qua, BID trở thành “tội đồ” chính khiến thị trường đánh rơi 3,7 điểm. Loạt cổ phiếu bank như CTG, TCB, VPB, STB, MBB, HDB cũng tạo áp lực lên VN-Index. Ở phiếu đối diện, HVN là trụ cột chính nâng đỡ thị trường với mức đóng góp 0,5 điểm.
Theo thống kê của FiinTrade, cầu chủ động vẫn duy trì ở mức tương đương tuần trước, nhưng lực bán chủ động gia tăng mạnh (một phần là từ khối ngoại) khiến thị trường chịu áp lực điều chỉnh. Xu hướng bán ròng kéo dài của khối ngoại cũng góp phần gây ra tâm lý bi quan cho nhà đầu tư. Cụ thể, khối ngoại đã xả ròng 4.141 tỷ đồng trên HOSE và HNX trong tuần vừa qua, riêng ở thị trường UPCoM họ mua ròng gần 242 tỷ đồng.
Trên HOSE, NĐT nước ngoài bán ròng 4.026 tỷ đồng, trong đó rút ròng 2.843 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Thống kê cho thấy khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu VHM với quy mô 871 tỷ đồng. Tuần trước đó cổ phiếu của ông lớn Vinhomes cũng bị khối này rút ròng 732 tỷ đồng.
Liên quan đến thương vụ mua 370 triệu cổ phiếu của Vinhomes, theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), CTCP Vinhomes tiếp tục mua 6,2 triệu cp trong ngày 14/11, tương đương 1,7% tổng khối lượng đăng ký. Ước tính theo thị giá 40.350 đồng/cp kết phiên, lượng cổ phiếu này trị giá khoảng 249 tỷ đồng.
Khối lượng lũy kế từ khi bắt đầu mua lại (23/10) đến hết 14/11 đạt trên 139 triệu cp, tương đương gần 38% tổng khối lượng đăng ký; tổng số tiền ước chi khoảng 5.937 tỷ đồng. Khối lượng chưa thực hiện là gần 231 triệu cp, tương đương với hơn 62% tổng lượng đăng ký.
Trở lại với giao dịch tuần qua của khối ngoại, đứng thứ hai trong Top rút ròng là FPT với 608 tỷ đồng. Danh mục rút ròng của NĐT nước ngoài còn có những cái tên như SSI (428 tỷ đồng), MSN (350 tỷ đồng), VPB (343 tỷ đồng), TCB (236 tỷ đồng), HDB (226 tỷ đồng), CMG (194 tỷ đồng), VNM (146 tỷ đồng) và VCB (126 tỷ đồng).
Ở phía đối diện, hoạt động giải ngân có phần yếu thế do không có mã nào được gom ròng trên 100 tỷ đồng. Cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP dẫn đầu danh mục mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Mã này được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 75 tỷ đồng trong tuần vừa qua.
Mặc dù bán ròng nhiều cổ phiếu ngân hàng, CTG lại được khối ngoại mua ròng 62 tỷ đồng. Mặt khác, khối ngoại cũng gom ròng các mã HAH (54 tỷ đồng), DXG (48 tỷ đồng), HPG (44 tỷ đồng), ILB (40 tỷ đồng), DGC (36 tỷ đồng), HAG (35 tỷ đồng), VRE (34 tỷ đồng) và VTP (34 tỷ đồng).
Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng cả 5 phiên với giá trị gần 115 tỷ đồng, tương ứng hơn 4,6 triệu đơn vị.
Trong đó, họ tập trung bán ròng 46,1 tỷ đồng ở cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, theo sau là 44,7 tỷ đồng mã IDC. Ngoài ra, nước ngoài cũng rút ròng các cổ phiếu như SHS (33,8 tỷ đồng), CEO (9,1 tỷ đồng) và VC3 (4,2 tỷ đồng).
Ở phía đối diện, NĐT ngoại rót ròng 8,4 tỷ đồng gom cổ phiếu TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG. Cùng chiều, VCS và PVI cùng được mua ròng với quy mô gần 4,9 tỷ đồng. Danh mục mua ròng còn có sự góp mặt của MBS, IVS với giá trị dưới 4 tỷ đồng.
Tại thị trường UPCoM, NĐT nước ngoài mua ròng 4/5 phiên với quy mô gần 242 tỷ đồng, với khối lượng 404.120 cổ phiếu.
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gom ròng mạnh nhất 239,5 tỷ đồng ở cổ phiếu MCH của CTCP Hàng tiêu dùng Masan, bỏ xa các mã còn lại trong Top mua ròng. Theo sau là các giao dịch giải ngân vào các cổ phiếu VEA (8,9 tỷ đồng), OIL (5,2 tỷ đồng), ACV (3,2 tỷ đồng) và ABI (2,3 tỷ đồng).
Ở phía đối diện, cổ phiếu BSR của CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn dẫn đầu Top bán ròng với quy mô hơn 11,7 tỷ đồng. Cùng chiều, nhà đầu tư nước ngoài cũng rút ròng 7,4 tỷ đồng mã HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) và các giao dịch tương tự với quy mô thấp hơn như CST (1,5 tỷ đồng), HPP (0,9 tỷ đồng) và VAB (0,6 tỷ đồng).