|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Jamie Dimon là ai mà thông báo sắp nghỉ hưu gây chấn động ngành tài chính?

07:43 | 22/05/2024
Chia sẻ
Dưới sự dẫn dắt của CEO Jamie Dimon, JPMorgan Chase đã trở thành ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tính theo tổng tài sản. Ông cũng nổi tiếng với vai trò là người giải cứu các ngân hàng thất bại.

Ông Jamie Dimon, CEO kiêm Chủ tịch JPMorgan Chase. (Ảnh: Financial Times). 

Tại cuộc gặp nhà đầu tư thường niên của JPMorgan vào ngày 20/5, CEO Jamie Dimon báo hiệu rằng ông sẽ rời khỏi ngân hàng lớn nhất nước Mỹ trong chưa đầy 5 năm nữa.

Phát biểu của ông Dimon thu hút sự chú ý của toàn bộ thế giới tài chính. Các tờ báo kinh tế nổi tiếng như Bloomberg, CNBC và Financial Times đồng loạt đăng tin. Giá cổ phiếu JPMorgan đóng cửa sụt 4,5%.

Vậy Jamie Dimon là ai và ông đã làm gì mà có được sức ảnh hưởng lớn đến vậy? 

Con nhà nòi

Jamie Dimon sinh năm 1956 trong một gia đình có truyền thống về tài chính và ngân hàng ở New York. Ông nội Dimon là người Hy Lạp đến Mỹ làm thuê đủ nghề và cuối cùng trở thành nhân viên môi giới chứng khoán tại Shearson, Hammill & Co. Cha của Dimon cũng gia nhập Phố Wall và thăng tiến lên vị trí phó giám đốc tại American Express.

Dimon theo học tại trường Browning danh giá ở New York. Sau đó, ông đến Đại học Tufts ở Boston, theo đuổi chuyên ngành kinh tế và tâm lý học.

Sau một thời gian ngắn làm việc tại Boston Consulting Group, Dimon trúng tuyển vào Trường Kinh doanh Harvard và lấy bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh. 

15 năm cống hiến và sự phản bội lạnh lùng

Sau khi tốt nghiệp Harvard, Dimon từ chối cơ hội làm việc tại hàng loạt ngân hàng lớn Phố Wall như Goldman Sachs và Morgan Stanley. Ông chọn làm trợ lý cho Sandy Weill - ngôi sao mới nổi trên Phố Wall lúc bấy giờ - tại American Express để có cơ hội thăng tiến nhanh chóng. 

Khi Weill rời American Express , Dimon một lần nữa chọn đi theo thầy, chấp nhận từ bỏ công việc hấp dẫn hiện tại. Năm 1986, bộ đôi này điều hành Commercial Credit, một công ty tài chính nhỏ bên bờ vực phá sản. Nhờ sự dẫn dắt tài tình của Weill và sự chăm chỉ của Dimon, Commercial Credit đã có màn lột xác ngoạn mục.

Trong khoảng chục năm tiếp theo, Commercial Credit lần lượt thâu tóm công ty bảo hiểm và môi giới lớn Primerica, tập đoàn bảo hiểm Traverlers và cả ngân hàng danh tiếng Solomon Brothers. Năm 1988, Travelers sáp nhập với Citicorp để trở thành Citigroup. Dimon trở thành giám đốc của công ty mới.

Vào thời điểm này, Weill và Dimon đã làm việc ăn ý với nhau được 15 năm. Nhưng một núi không thể có hai hổ. Chỉ một tháng sau khi thực hiện thương vụ lịch sử, Weill lạnh lùng yêu cầu Dimon từ chức. Sau này, Weill có giải thích với tờ New York Times rằng Dimon muốn vị trí CEO nhưng ông chưa sẵn sàng nghỉ hưu.

Dimon, người làm việc đầu tắt mặt tối suốt 80 tiếng mỗi tuần, đã không kịp nhận ra sự thay đổi của Weill. Từ vị thế là người nghiễm nhiên sẽ kế nhiệm Weill ở Citigroup, ông bỗng chốc thành kẻ thất nghiệp.

Chim khôn chọn chỗ đậu

Dimon chỉ cho phép bản thân hụt hẫng trong thời gian ngắn. Ông phỏng vấn nhiều vị trí ở những công ty như Home Depot và Amazon. Ông có cảm giác rằng Jeff Bezos sẽ làm được điều gì đó vĩ đại với Amazon, nhưng cuối cùng quyết định rằng tài chính mới là sự nghiệp của mình.

Năm 2000, Dimon đồng ý trở thành CEO của ngân hàng Bank One ở Chicago. Năm đó, Bank One báo lỗ 511 triệu USD. Nhưng với Dimon ở vị trí người cầm cương, chỉ ba năm sau Bank One ghi nhận khoản lãi kỷ lục 3,5 tỷ USD.

Năm 2004, JPMorgan mua lại Bank One trong thương vụ trị giá 58 tỷ USD và Dimon trở thành Giám đốc vận hành (COO) của công ty mới hợp nhất. Sau vụ sáp nhập, JPMorgan có hơn 1.100 tỷ USD tài sản và nắm giữ khoảng 10% tiền gửi của toàn nước Mỹ. JPMorgan lúc đó đang trên đà trên thành một đế chế khổng lồ.

Chỉ hai năm sau đó, Dimon được bổ nhiệm làm CEO và đến năm 2007 thì kiêm nhiệm thêm chức Chủ tịch. Không lâu sau khi Dimon leo lên vị trí tối cao tại JPMorgan, khủng hoảng tài chính 2007 - 2008 ập đến. Dimon khéo léo dẫn dắt ngân hàng của mình vượt qua cuộc khủng hoảng.

JPMorgan đã tránh được rất nhiều thiệt hại nhờ quyết định của Dimon là bán các khoản nợ vay thế chấp dưới chuẩn trị giá 12 tỷ USD vào năm 2006. Động thái này còn đem đến cho JPMorgan bộ đệm vốn đáng kể trong lúc các đối thủ phải chật vật để vượt qua cơn bĩ cực.

Người giải cứu các ngân hàng

Cuộc khủng hoảng tài chính đem đến cơ hội có một không hai để Dimon biến ông và JPMorgan trở thành người hùng của ngành ngân hàng Mỹ.

Năm 2008, JPMorgan thực hiện động thái gây sốc là mua lại ngân hàng Bear Stearns với giá 2 USD/cp. Mức giá đó chỉ bằng 1/10 giá trị thị trường của Bear Stearns, tờ New York Times cho biết. Thương vụ này được thực hiện dưới sự yêu cầu của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Bộ Tài chính Mỹ. 

Tiếp theo, JPMorgan mua lại Washington Mutual với giá 1,9 tỷ USD, cũng với sự dàn xếp của các nhà quản lý. Hai thương vụ này đã giúp xoa dịu sự hoảng loạn của công chúng, đồng thời biến JPMorgan thành ngân hàng thương mại lớn nhất nước Mỹ.

Trong những năm tiếp theo, Dimon tập trung vào việc cắt giảm chi phí, cải thiện công nghệ và tích hợp các hoạt động rời rạc của JPMorgan, giúp ngân hàng ngày càng hùng mạnh. 

 

Khi rắc rối của các ngân hàng khu vực Mỹ tái diễn vào năm 2023, Dimon lại có dịp để trở thành người hùng. Vào ngày 10/3, chỉ vài giờ sau khi Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ, tỷ phú đầu cơ Bill Ackman đã hỏi riêng Dimon rằng liệu ông có mua lại SVB hay không. Dimon đáp: “Không phải lần này”.

Tuy nhiên, chỉ 4 ngày sau, Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen đã yêu cầu ông hành động. Hôm trước đó, giá cổ phiếu First Republic - ngân hàng lớn thứ 14 nước Mỹ - đã bắt đầu rơi tự do. 

Bộ trưởng Yellen và Dimon thảo luận kế hoạch để ổn định First Republic. 11 nhà băng sẽ gửi tổng cộng 30 tỷ USD vào First Republic để thể hiện niềm tin vào ngân hàng này. Và Dimon sẽ là người dẫn dắt nỗ lực đó với vị thế là CEO của ngân hàng lớn nhất đất nước.

Tuy Dimon đã thuyết phục được CEO của các ngân hàng đối thủ khác chung sức, cố gắng của họ cuối cùng cũng không thành công. First Republic sụp đổ và được tiếp quản bởi Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC). Tài sản của ngân hàng được đưa ra đấu giá và JPMorgan ra giá cao nhất.

Lại một lần nữa, JPMorgan thâu tóm một đối thủ yếu, hút thêm khách hàng và thu về lợi nhuận khổng lồ. Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren chỉ trích: “Việc bán First Republic cho nhà băng lớn nhất nước Mỹ khiến cho vấn đề ‘quá lớn để sụp đổ’ trong ngành ngân hàng Mỹ càng trở nên tồi tệ hơn”.

Dĩ nhiên, Jamie Dimon là một banker và mọi thương vụ ông thực hiện đều nhằm mục đích cuối cùng là đem về lợi nhuận cho JPMorgan. Nhưng điều không ai có thể phủ nhận là ông cũng đã giảm rất nhiều thiệt hại cho ngành tài chính.

Huyền thoại Warren Buffett từng đưa ra bình luận về thương vụ mua lại First Republic của Dimon. Buffett bày tỏ: “Jamie đang làm điều đúng đắn cho nước Mỹ và cho cả JPMorgan. Đó chính xác là những gì tôi mong đợi từ ông ấy”.

Vết nhơ khó gột rửa

Năm 2012, một trader có biệt danh "Cá voi London" đã khiến JPMorgan lỗ ít nhất 6,2 tỷ USD. Song, hậu quả thực sự của vụ bê bối không chỉ có vậy. Do vụ việc, danh tiếng của JPMorgan và Dimon - vị CEO được mệnh danh là người quản lý rủi ro giỏi nhất trong ngành ngân hàng - cũng bị ảnh hưởng.

Một phần nguyên nhân chính là thái độ của Dimon. Đầu năm 2012, truyền thông đưa tin rằng bộ phận đầu tư của JPMorgan ngày càng hành động liều lĩnh trên thị trường phái sinh. Một số ván cược lớn đến mức JPMorgan khó có thể khép lại chúng mà không bị mất tiền hoặc gây rối loạn lên thị trường tài chính.

Ban đầu, Dimon gọi những bài báo là “chuyện bé xé ra to”. Đến khi khoản lỗ khổng lồ lộ ra, ông mới xin lỗi. Hai cựu nhân viên của ngân hàng đối mặt với cáo buộc hình sự, JPMorgan bị phát hiện vi phạm luật chứng khoán, phải nộp phạt hơn 1 tỷ USD và bị Quốc hội chỉ trích nặng nề. Dimon nhận trách nhiệm bằng cách chịu cắt giảm lương.

Sau này, ông thừa nhận: “Cá voi London là tình huống ngu ngốc và đáng xấu hổ nhất mà tôi từng tham gia… Tôi hy vọng mình sẽ không mắc phải sai lầm nào lớn hơn thế”.

 

Năm 2022, Quần đảo Virgin thuộc Mỹ khởi kiện JPMorgan với cáo buộc ngân hàng này đã “nhắm mắt bỏ qua” hành vi phạm pháp của tỷ phú ấu dâm Jeffrey Epstein và tài trợ hoạt động của ông ta trong 15 năm.

Các luật sư cũng chĩa mũi dùi vào Dimon chứ không chỉ riêng ngân hàng mà ông lãnh đạo. Luật sư tuyên bố: “Jamie Dimon đã biết rằng khách hàng tỷ phú của ông ta là một kẻ buôn bán tình dục từ năm 2008”. Tờ NBC cho biết Epstein là khách hàng của JPMorgan kể từ năm 1998 đến 2013.

Sau gần một năm kiện tụng, JPMorgan đạt được thỏa thuận trị giá 75 triệu USD với Quần đảo Virgin. Ngân hàng nhấn mạnh họ không thừa nhận trách nhiệm như đơn kiện nhưng “lấy làm tiếc vì sự liên quan với Epstein”.

Vụ kiện này là một trong những bê bối tồi tệ nhất của Dimon trong thời gian ông chèo lái JPMorgan. Nhưng kết cục, ông đã vượt qua nó mà không gây ra nhiều tổn hại đến danh tiếng cá nhân.

Bên cạnh đó, 75 triệu USD chỉ là khoản tiền nhỏ đối với JPMorgan - ngân hàng có thể tạo ra ngần đấy doanh thu chỉ trong 5 giờ đồng hồ, theo tờ Bloomberg.  

Giang