|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hai mặt hàng thống trị top xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và vốn đầu tư tỷ USD tiếp tục rót vào qua các năm

07:00 | 06/11/2021
Chia sẻ
Trong nhiều năm, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giữ ngôi thống trị trong top các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Các "ông lớn" điện tử vẫn rót đều tiền đầu tư, mở rộng sản xuất bất chấp dịch COVID-19.

Hai mặt hàng thống trị top xuất khẩu chủ lực của Việt Nam

Trong nhiều năm, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với giá trị tăng dần đều. Với việc thường xuyên dẫn đầu về xuất khẩu, tỷ trọng của hai mặt hàng này trong tổng kim ngạch xuất khẩu cũng tăng với tốc độ ấn tượng.

a - Ảnh 1.

Đơn cử như xuất khẩu điện thoại và linh kiện - luôn giữ ngôi vương qua các năm, nếu như năm 2010 mới chỉ chiếm 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2016 chiếm 19,5%, gấp 6 lần tỷ trọng của năm 2010 và luôn duy trì mức trên dưới 20% từ đó đến nay. Theo sau đó, mảng xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng tăng tốc, 'bám đuổi" sát nút với mảng điện thoại, linh kiện. 9 tháng 2021, hai mảng này lần lượt giữ vị trí thứ 1 và thứ 2 trong top các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đạt 41 và 36 tỷ USD.

Các "ông lớn" điện tử vẫn đẩy mạnh đầu tư, mở rộng sản xuất

Nhìn lại diễn biến thời gian qua, hai mảng này cũng là lĩnh vực được các doanh nghiệp FDI đẩy mạnh đầu tư, tiếp tục rót vốn mở rộng sản xuất.

Nói về doanh nghiệp FDI sản xuất điện thoại, máy tính, sản phẩm điện thoại, phải kể đến LG Display Việt Nam, Samsung hay các đối tác gia công lớn của Apple như Foxconn, Luxshare, GoerTek, Compal.

a - Ảnh 2.

Ảnh: Bloomberg.

Trong số này, Foxconn khởi động năm 2021 với dự án 270 triệu sản xuất, gia công laptop, tablet tại Bắc Giang. Nhà máy Fukang Technology của Foxconn Singapore PTE Ltd đặt tại khu công nghiệp Quang Châu, quy mô công suất khoảng 8 triệu sản phẩm mỗi năm. Trước đó hồi cuối năm 2020, Foxconn cho biết sẽ chuyển công đoạn lắp ráp iPad và MacBook sang Việt Nam do Apple muốn giảm ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ - Trung.

Cùng tháng, Foxconn cũng đã có buổi gặp với lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá để khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Theo đó, doanh nghiệp tìm kiếm địa điểm có diện tích 100-150 ha, tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, doanh số xuất khẩu 10 tỷ USD một năm. Thanh Hoá theo đó là một trong những lựa chọn.

Đến tháng 4, Foxconn cho biết dự định đầu tư thêm 700 triệu USD vào Việt Nam, kỳ vọng mang lại doanh thu 10 tỷ USD trong năm 2021 cho tập đoàn.

Theo Taiwan News, các chuyên gia nhận định hoạt động đầu tư, xây dựng nhà máy tại Việt Nam của Foxconn sẽ còn mở rộng. Trong tương lai, tập đoàn công nghệ Đài Loan có thể tiếp tục xây dựng thêm nhà máy và chuyển thêm dây chuyền sản xuất sang Việt Nam.

Số liệu từ Reuters cho biết, tính đến cuối năm 2020, Foxconn đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam.

a - Ảnh 2.

Sơ đồ 6 nhà máy do Foxconn Việt Nam thành lập từ năm 2007 - 2019 tại Việt Nam và doanh thu năm 2019. (Đồ hoạ: Alex Chu).

Foxconn là tập đoàn gia công linh kiện điện tử và máy tính lớn nhất thế giới của Đài Loan. Tập đoàn này bắt đầu đầu tư vào Việt Nam vào năm 2007 và đến nay đã có 6 nhà máy đi vào hoạt động. 

Hai nhà máy đầu tiên là Fuhong Precision Component tại KCN Đình Trám, Bắc Giang và Funing Precision Component đặt tại KCN Quế Võ, Bắc Ninh. Tổng số vốn đầu tư theo công bố là 160 triệu USD.

Hoạt động chính của hai nhà máy này là lắp ráp linh kiện điện tử, màn hình LCD, bản mạch, màn hình điện thoại, màn hình máy vi tính,… 

Năm 2008, Foxconn tiếp tục rót thêm 80 triệu USD vào hai nhà máy này để sản xuất kinh doanh các sản phẩm và linh kiện máy quay, thiết bị quang học, màn hình máy vi tính, máy in,…đưa công suất lên 61 triệu sản phẩm/năm và tiến tới sản xuất linh kiện điện tử máy đúc khuôn, công suất 20,4 triệu sản phẩm/năm.

Năm 2016, nhà máy sản xuất điện thoại của Microsoft Mobile Việt Nam (trước đó thuộc Nokia Việt Nam), tại Bắc Ninh, đã được chuyển giao cho FIH Mobile, thuộc Foxconn trong một thương vụ trị giá 350 triệu USD.

Cùng năm đó, Foxconn tiếp tục thành lập thêm nhà máy New Wing Interconnect đặt tại khu công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang với quy mô lên tới 283 ha do FuGiang, một công ty con khác của Foxconn làm chủ đầu tư. Lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất cáp dữ liệu. Năm 2019, doanh nghiệp này mở rộng đầu tư tại Quảng Ninh và tăng thêm quy mô đầu tư tại Bắc Giang. 

a - Ảnh 3.

Một nhà máy Samsung ở Bắc Ninh. (Ảnh: Samsung).

Một "ông lớn" điện tử khác là Samsung cũng gây chú ý với nhiều khoản đầu tư đáng kể. Tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam từ năm 2008 với tổng số vốn đầu tư trên 17,7 tỷ USD. Đến nay, Samsung đã có 6 nhà máy và đang xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển. 

Hồi tháng 9, The Korean Economics Daily cho hay gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đang khởi động dự án mở rộng nhà máy ở tỉnh Bắc Ninh, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2021, chậm nhất là đầu năm 2022. 

Khoản đầu tư này nhằm tăng năng suất sản lượng đối với các sản phẩm như Samsung Galaxy Z Fold 3 và Z Flip 3. Sau khi hoàn tất dự án, các chuyên gia trong ngành dự kiến Samsung có thể sản xuất 10 triệu chiếc Z Fold và 15 triệu chiếc Z Flip mỗi năm.

Với LG Display, hồi tháng 8 vừa qua, công ty quyết định tăng thêm 1,4 tỷ USD đầu tư vào KCN Tràng Duệ, đồng thời trở thành công ty có vốn đầu tư lớn nhất Hải Phòng (4,65 tỷ USD).

Vởi khoản đầu tư này, LGD sẽ tăng sản lượng màn hình OLED nhựa từ 9,6 – 10 triệu sản phẩm/tháng lên 13 – 14 triệu sản phẩm/tháng. Dự kiến, doanh thu xuất khẩu tăng thêm khoảng 6,5 tỷ USD/năm; nộp ngân sách 25 triệu USD/năm, tạo việc làm thêm cho 10.000 lao động. Trước đó, hồi tháng 2, doanh nghiệp đã được rót thêm 750 triệu USD để mở rộng sản xuất.

Hiện tại LG đang sở hữu 3 nhà máy sản xuất tại Việt Nam và tất cả đều toạ lạc tại TP Hải Phòng. Các nhà máy này đều mang về cho LG hàng nghìn tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận mỗi năm. Đây cũng là khu vực có công suất 10 triệu smartphone hàng năm, chiếm một nửa sản lượng sản xuất của LG trên toàn cầu.

Hai mặt hàng luôn thống trị top xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, bảo sao dòng vốn đầu tư tỷ USD vẫn đều đều rót qua các năm - Ảnh 5.

Các ông lớn điện tử vẫn có kế hoạch mở rộng sản xuất, đẩy mạnh đầu tư vào các nhà máy tại Việt Nam. (Biểu đồ: Anh Đào tổng hợp).

Với Luxshare, công ty thành lập tại Việt Nam từ năm 2016 (trụ sở chính tại KCN Quang Châu, Bắc Giang), tuy nhiên đến năm 2019 Luxshare mới bắt đầu mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất tại Việt Nam.

Đến nay tổng vốn đầu tư của Luxshare tại Việt Nam đã đạt 600 triệu USD. Hoạt động của doanh nghiệp này chủ yếu tại các nhà máy ở 2 tỉnh Bắc Giang (4 nhà máy) và Nghệ An (2 nhà máy). Hồi năm ngoái Luxshare gây chú ý với việc liên tục thông báo tuyển hàng nghìn nhân công tại Việt Nam để lắp ráp tai nghe cho Apple.

Còn Goertek, hồi tháng 2 năm nay, doanh nghiệp này cũng khởi công dự án nhà máy 100 triệu USD tại Nghệ An, chuyên chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện.

Một trong những đối tác sản xuất linh kiện của Apple, Microsoft, Sony là Pegatron hồi năm ngoái cũng đã rót 1 tỷ USD vào 3 dự án tại khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng).

Anh Đào