Hai doanh nghiệp BĐS niêm yết nợ nhiều nhất trả bao nhiêu lãi vay mỗi ngày?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hạ lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp trong năm nay nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô, đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ thị trường, bao gồm bất động sản.
NHNN cho biết trong 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng 21,86%, tương đương 987.000 tỷ đồng. Con số này cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản khoảng 2,74 triệu tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cuối năm 2022 và chiếm gần 21,5% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
Báo cáo tài chính của một số ngân hàng thương mại cũng cho thấy, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm với mức tăng 34% tại TPBank, 45% tại VPBank, 47% tại Techcombank, 62% tại MB, 70% tại HDBank, 115% tại SHB…
Đại diện các ngân hàng thương mại tham gia hội nghị chuyên đề bất động sản với NHNN mới đây đều khẳng định không siết vốn cho vay kinh doanh bất động sàn và sẵn sàng cho vay đối với những dự án pháp lý rõ ràng, doanh nghiệp minh bạch.
Về phía chủ đầu tư, đại diện các doanh nghiệp nhìn nhận những chính sách hỗ trợ trong thời gian qua thật sự rất cần thiết để giúp bộ máy vượt qua giai đoạn khủng hoảng, song vẫn cần các giải pháp cụ thể và mạnh tay hơn nữa.
Thống kê của WiChart từ 77 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên sàn (bao gồm dân dụng, khu công nghiệp, dịch vụ) cho thấy, tổng dư nợ vay của nhóm có xu hướng giảm từ quý cuối năm ngoái nhưng tăng trở lại trong quý III/2023, tương đương với thời điểm cuối quý III/2022 - giai đoạn căng thẳng nhất của ngành địa ốc.
Tính đến cuối tháng 9, hai doanh nghiệp có tổng dư nợ vay lớn nhất chiếm gần 49% tổng dư nợ toàn nhóm, gồm CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) với 58.944 tỷ đồng và CTCP Vinhomes (Mã: VHM) với 43.126 tỷ đồng.
Tại Novaland, dư nợ trái phiếu chiếm trên 68%% tổng dư nợ vay, tương đương 40.192 tỷ đồng với lãi suất 9,5 - 12,5%/năm tùy mỗi lô. Dư nợ tín dụng còn trên 9.000 tỷ đồng với lãi suất tối thiểu 10 - 12%/năm tùy từng khoản vay. Một số khoản vay lớn nằm tại Credit Suisse AG - chi nhánh Singapore (1.781 tỷ đồng), VietinBank (1.261 tỷ đồng), MSB (1.050 tỷ đồng).
Thời gian qua, một số dự án trọng điểm của Novaland tại TP HCM và khu vực vệ tinh như Aqua City, NovaWorld Ho Tram, NovaWorld Phan Thiet… đã nhận được sự hỗ trợ và tài trợ từ phía ngân hàng thương mại như TPBank, MBBank, VPBank, PVcomBank.
Trong 9 tháng đầu năm, Novaland đã trả hơn 4.200 tỷ đồng nợ gốc và trên 3.350 tỷ đồng lãi vay (trung bình mỗi ngày trả hơn 12 tỷ đồng). Riêng trong quý III, Novaland trả hơn 1.300 tỷ đồng lãi vay (trung bình mỗi ngày trả hơn 24 tỷ đồng).
(Nguồn: Wichart; Đồ họa: Nguyên Ngọc).
Tại Vinhomes, dư nợ tín dụng chiếm phần lớn trong tổng dư nợ với tỷ trọng 60%, tương đương trên 26.000 tỷ đồng, lãi suất 8,5 - 11,5%/năm đối với khoản vay không có tài sản bảo đảm và 6,5 - 11,5%/năm đối với khoản vay có tài sản bảo đảm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn dư nợ gần 10.500 tỷ đồng từ đối tác và hơn 6.000 tỷ đồng dư nợ trái phiếu.
Trong 9 tháng đầu năm, Vinhomes đã trả gần 25.550 tỷ đồng nợ gốc và hơn 2.550 tỷ đồng lãi vay (trung bình mỗi ngày trả 9,3 tỷ đồng). Riêng trong quý III, Vinhomes trả 747 tỷ đồng lãi vay (trung bình mỗi ngày trả hơn 8 tỷ đồng).
(Nguồn: Wichart; Đồ họa: Nguyên Ngọc).
(Nguồn: Wichart; Đồ họa: Nguyên Ngọc).
Một số doanh nghiệp trả lãi vay cao trong quý III còn có Becamex IDC (5,2 tỷ/ngày), Kinh Bắc (2,3 tỷ/ngày), Khang Điền (1,7 tỷ/ngày), Phát Đạt, Đất Xanh gần 1 tỷ/ngày...
Chi phí lãi vay được thể hiện trên báo cáo tài chính tương đối thấp nếu so dư nợ và mức lãi suất. Lý do là một dự án bất động sản thường có thời gian triển khai tính bằng năm. Khi vay vốn để làm dự án, các chủ đầu tư hạch toán chi phí lãi vay thành giá vốn hàng bán. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải chịu áp lực trả nợ lãi vay và nợ gốc theo như thỏa thuận với chủ nợ.
Hầu hết các chủ đầu tư đều mong muốn NHNN xem xét hỗ trợ cơ cấu khoản vay, gia hạn nợ và giảm lãi suất cho những dự án sẽ triển khai trong hai năm 2024 - 2025 để giãn dòng thanh toán cho doanh nghiệp.
Theo chia sẻ từ đại diện Vinhomes, doanh nghiệp từ lâu đã có quan hệ hợp tác tốt với một số ngân hàng và hai bên làm việc với nhau rất chặt chẽ. Mặc dù vậy, quá trình thẩm định cho vay đôi khi còn nhiều thủ tục ngặt nghèo, dẫn tới thời gian phê duyệt kéo dài. Một số ngân hàng chỉ giải ngân cho vay với tài sản bất động sản, không chấp nhận những tài sản khác như cổ phiếu niêm yết, những máy móc thiết bị, quyền tài sản phát sinh từ dự án…