|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

[Góc nhìn] Du lịch muốn bền – đừng tham nhanh

13:05 | 26/11/2023
Chia sẻ
Đón khách cao cấp hay đại trà là lựa chọn của Phú Quốc. Nếu muốn có cả hai, Phú Quốc nên xây dựng quy hoạch cụ thể để hình thành từng phân khu riêng như bài học của Phuket và Bali. Như vậy, điểm đến sẽ vừa có nơi sôi động thoả mãn nhu cầu giải trí và mua sắm của khách đại trà, vừa có nơi yên tĩnh và riêng tư, sang trọng dành cho khách cao cấp.

Nhiều năm trước, Phú Quốc luôn là một trong những điểm đến hàng đầu mà du khách cao cấp châu Âu lựa chọn làm nơi nghỉ dưỡng trước khi về nước, sau một hành trình trải nghiệm dài ở Việt Nam. 

Cái đẹp chạm cảm xúc nhất nằm ở sự mến khách và nồng hậu của những người dân làng chài chân chất và mộc mạc nơi đảo ngọc.Ai nỡ lòng từ chối khi Phú Quốc là một hòn đảo quá đẹp và giàu văn hoá!

Trên hành trình phát triển, Phú Quốc thu hút người dân tứ xứ đến định cư và rồi làm nên một nền văn hoá vừa đa dạng nhưng cũng đậm đà bản sắc. Phú Quốc cũng có những sản vật chất lượng như truyền thống làm mắm cả trăm năm, tiêu và điều ở đây cũng có chất lượng thuộc tốp đầu thế giới.

Không chỉ mang đậm bản sắc văn hoá, Phú Quốc được biết đến là một trong những nơi lặn biển và ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới.Nằm ở vịnh Thái Lan và là hòn đảo lớn nhất Việt Nam với đầy đủ địa hình đa dạng cảnh sắc tự nhiên.

Thế nhưng gần đây, chúng tôi không còn thấy du khách quốc tế mặn mà với đảo ngọc nữa! Thay vì phát huy thế mạnh của một điểm đến đẹp và giàu di sản, Phú Quốc bỗng bị “tầm thường hoá” đến lạ.

Phú Quốc bị biến thành một thị trấn lòe loẹt với đầy những khối bê tông. Không còn là một nơi rất Việt cho khách Tây, Phú Quốc bị biến thành thị trấn Tây cho người Việt với mục đích bán bất động sản thay vì lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm. Nhìn dưới góc độ du lịch, rõ ràng Phú Quốc đang có sự định vị sai điểm đến.

Du lịch tại Phú Quốc phát triển quá nóng, ồ ạt mà không được chuẩn bị kỹ càng cả về tâm thế lẫn năng lực quản trị điểm đến. Khách đông đúc, “chặt chém” về giá cả, chất lượng dịch vụ không được cải thiện, môi trường tự nhiên bị tàn phá… 

Đây là một trong những nguyên nhân khiến khách chi tiêu cao rời bỏ, khách đại trà cũng dần quay lưng. Phú Quốc lại cuống cuồng tìm cách phục hồi lượng khách đến, thậm chí là kỳ vọng về lại thời đạt đỉnh.

Tuy nhiên, ngó lơ những phản biện và cảnh báo, Phú Quốc vẫn bị sa vào những giải pháp ngắn hạn là bàn câu chuyện giảm giá vé máy bay, nhà hàng, khách sạn và đẩy mạnh xúc tiến…thay vì tập trung nhìn vào các vấn đề cốt lõi liên quan đến nội lực để nâng cấp chính mình.

Xúc tiến du lịch nhưng Phú Quốc có gì khác để khách quay lại và ở lại? 

Phú Quốc - nơi được mệnh danh là đảo ngọc của Việt Nam. (Ảnh minh hoạ: Travel).

Đón khách cao cấp hay đại trà là lựa chọn của Phú Quốc. Nếu muốn có cả hai, Phú Quốc nên xây dựng quy hoạch cụ thể để hình thành từng phân khu riêng như bài học của Phuket và Bali. Như vậy, điểm đến sẽ vừa có nơi sôi động thoả mãn nhu cầu giải trí và mua sắm của khách đại trà, vừa có nơi yên tĩnh và riêng tư, sang trọng dành cho khách cao cấp.

Với rất nhiều tiềm năng khác biệt và lợi thế cạnh tranh nổi trội, ngành du lịch Việt Nam hiện nay cũng đang đặt mục tiêu phát triển vừa nhanh, vừa bền vững. Nhưng nhìn từ Phú Quốc, du lịch muốn phát triển nhanh, phát triển nóng thì không thể nào bền vững được!

Tình trạng Phú Quốc cũng tương tự như điều đã và đang diễn ra ở Sapa hay Nha Trang vốn là các trung tâm du lịch của Việt Nam hút khách chi tiêu cao từ châu Âu. Cho tới khi nhóm khách đại trà xuất hiện quá nhiều khiến các điểm đến trở nên đông đúc, thiên nhiên và di sản bị huỷ hoại để lấy chỗ cho các dự án vẫn đang từng ngày mọc ngổn ngang,...họ đã không còn muốn đến nữa. 

Giải pháp căn cơ phải đi từ định vị điểm đến và sau đó là các giải pháp triển khai đồng bộ của tất cả các bên, từ chính quyền cho đến doanh nghiệp hàng không, lữ hành, khách sạn… và người dân chứ không đơn giản chỉ là câu chuyện giá rẻ. Tại sao không nâng cấp để khiến mình "đắt giá" hơn trong mắt khách hàng!

 

Nếu định vị là đảo ngọc của thế giới, Phú Quốc cần coi khách hàng của mình là những khách hàng cao cấp ưa thích hòa mình vào thiên nhiên và giàu trải nghiệm văn hoá bản địa. Đó là điều ưu tiên. Việc phát triển nhanh nhưng thiếu chất cùng với thực trạng đánh mất cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, Phú Quốc khó có thể đạt được tham vọng trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Để hướng tới đối tượng khách chi tiêu cao, Phú Quốc cần nhiều thêm những dịch vụ sang trọng như ngủ đêm trên du thuyền 5 sao, chơi golf và cũng có thể là những khu nghỉ dưỡng hoang sơ không có gì ngoài biển xanh, cát trắng, nắng vàng và những món ăn ngon. Với khách đại trà thì đó có thể là “không có gì” nhưng chính cái sự không có gì đó lại là xa xỉ trong mắt những người đi du lịch có tiền và có gu.  

Nhiều thương hiệu với sản phẩm và dịch vụ cao cấp đã xuất hiện ở Phú Quốc với tầm nhìn bền vững. Những yếu tố “Việt” cũng được nhiều nhà phát triển có tầm cỡ trân trọng đưa vào dự án của mình. Thế nhưng có lẽ số lượng còn quá ít ỏi để đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng phát triển của chính quyền đảo ngọc.

Muốn là một điểm đến quốc tế, quản lý điểm đến cần bền vững, tránh thói quen làm du lịch chạy theo số đông hay chú trọng vào thành tích báo cáo mà không coi trọng chất lượng thực sự.

Bên cạnh đó, với tiềm năng và lợi thế về thiên nhiên và văn hoá có thể coi là “mỏ kim cương” chưa được khai thác xứng tầm, ngành du lịch cần xác định điểm mạnh nhất để tập trung xây dựng định vị thương hiệu du lịch quốc gia. Trong đó, việc định vị thương hiệu quốc gia là điểm đến di sản là một gợi ý đáng bàn khi nhiều năm liền, Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) đã vinh danh Việt Nam là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới”.

Nhanh hay bền vững? Dù không muốn nhưng đó là một sự lựa chọn mà những người đứng đầu ngành du lịch cần đưa ra quyết định. Liệu chúng ta có sẵn sàng đánh đổi chỉ để lấy một vài năm đột phá về con số? Và liệu sự đánh đổi đó có đáng hay không?

Doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO Lux Group