|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lợi nhuận nhóm dầu khí quý I: PVD kéo dài quý thua lỗ, Petrolimex trượt dốc, GAS và BSR lãi đậm

16:05 | 18/05/2022
Chia sẻ
Bức tranh kinh doanh quý I của ngành dầu khí có sự phân hoá mạnh dù giá dầu tăng cao trong ba tháng đầu năm. Nếu GAS, OIL, BSR, PVS ghi nhận lãi đậm thì ngược lại PVD tiếp tục chuỗi thua lỗ, Petrolimex trượt dốc bất chấp đà tăng của giá xăng.

Thời gian vừa qua, thế giới đã chứng kiến sự biến động lớn của giá dầu. Giá dầu thô bình quân từ 74,1 USD/thùng tháng 12/2021 tăng lên 87,22 USD/thùng tháng 1/2022 và tiếp tục tăng lên đến 118,81 USD/thùng vào tháng 3/2022. Đặc biệt là vào ngày 7/3/2022, giá dầu Brent đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2008 đạt 130,2 USD/thùng, tăng khoảng 66% so với đầu năm.

Diễn biến giá dầu Brent. (Nguồn: TradingView).

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng trong bối cảnh dịch bệnh đã dần được kiểm soát, trong khi tốc độ tăng nguồn cung còn tương đối chậm đã hỗ trợ cho giá dầu. BSC Research cho rằng việc giá dầu được duy trì ở mức cao sẽ giúp cho các doanh nghiệp ngành dầu khí được hưởng lợi nhưng trên thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng lợi ngay. 

 Nguồn: BCTC quý I của các doanh nghiệp dầu khí. 

Lợi nhuận nhóm thượng nguồn phân hóa

BSC kỳ vọng việc giá dầu được duy trì ở mức trên 90 USD/thùng trong khi điểm khai thác hòa vốn của các doanh nghiệp nhóm thượng nguồn trung bình rơi vào khoảng từ 50 - 60 USD/thùng sẽ giúp các hoạt động khai thác được mở rộng, từ đó các doanh nghiệp thượng nguồn sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn, cũng như giá hợp đồng tốt hơn.

Tuy nhiên, quý I vừa qua Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (Mã: PVD) vẫn ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên tới 75 tỷ đồng, mặc dù mức lỗ này đã được cải thiện hơn so với cung kỳ năm ngoái.

Nguồn: BCTC các quý của PVD. 

Lý giải cho sự thua lỗ trong này, Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Cường cho biết trong kỳ có 2 giàn khoan không có việc làm, hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng sở hữu chỉ đạt 60%. Hơn nữa, ông cho biết hiện đơn giá cho thuê giàn khoan vẫn ở mực thấp, khoảng 57.000 USD/ngày.

Bên cạnh đó, việc giá dầu tăng chưa thể tác động ngay đến hoạt động sản xuất kinh doanh được do các công ty nhóm thượng nguồn dựa vào các dự án mang tính chất dài hạn hơn. Tuy nhiên, nếu giá dầu ổn định (neo cao như hiện tại) thì PVD hy vọng khi gia hạn hoặc ký mới hợp đồng thì công ty sẽ có nhiều cơ hội để tăng giá cũng như điều chỉnh giá thuê hơn.

Trong quý II, mặc dù hiệu suất sử dụng giàn có tăng nhưng doanh nghiệp dự kiến lỗ thêm 49 tỷ nếu tính trích lập bảo trì bảo dưỡng 44 tỷ, trích lập 20% của nợ quá hạn từ KrisEnergy (nhà thầu dầu khí có trụ sở tại Singapore) khoảng 17 tỷ đồng.

Năm nay, PVD lên mục tiêu đạt 4.700 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng gần 9% so với năm 2021 và bỏ ngỏ kế hoạch lợi nhuận năm nay. Như vậy kết thúc quý I, doanh nghiệp đã thực hiện được 24% kế hoạch doanh thu.

Trái ngược với PVD, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tương ứng là 44% và 52%. Doanh nghiệp đạt được kết quả như vậy nhờ lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh của dịch vụ cung ứng kho chứa và xử lý dầu thô FSO/FPSO, dịch vụ căn cứ cảng cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, kiểm soát tốt chi phí phát sinh trong kỳ giúp lãi sau thuế vẫn tăng cao so với cùng kỳ dù lợi nhuận gộp chỉ tăng 7,8%.

SSI Research dự báo tăng trưởng lợi nhuận của PVS có thể không mạnh trong ngắn hạn do việc khởi động lại dự án dầu khí bị trì hoãn so với giá dầu, tuy nhiên, ước tính CAGR lợi nhuận 2022-2025 là 23%.

Nhóm trung nguồn lãi lớn ba tháng đầu năm

Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS - Mã: GAS) là doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế cao nhất trong ngành với 3.495 tỷ đồng trong quý I và đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng lợi nhuận quý trên sàn chứng khoán.

Lãnh đạo PV GAS cho biết quý I, sản lượng sản xuất khí của tổng công ty là 1,9 tỷ m3, khí khô thực hiện được 83% kế hoạch. Sản xuất khí condensate vượt 90% kế hoạch, còn khí LPG đạt 140% chỉ tiêu quý được giao. 

Nguồn: BCTC các quý của PV GAS. 

Những tháng đầu năm, giá dầu thế giới biến động mạnh do những ảnh hưởng liên quan đến vĩ mô như căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Hoàng Văn Quang khẳng định các hoạt động của công ty không hoàn toàn phụ thuộc vào giá dầu bởi công ty được áp dụng cơ chế giá riêng, đó là giá bán không thấp hơn giá miệng giếng. Nếu giá dầu xuống thấp thì PV GAS vẫn không bị lỗ, ông Quang nói. 

Ông cũng cho biết thêm, trung bình cứ giá dầu Brent tăng/giảm 5 USD/thùng thì doanh thu của tổng công ty sẽ tăng/giảm tương ứng là 1.500 tỷ, lợi nhuận trước thuế tương ứng tăng/giảm 500 tỷ. 

Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans - Mã: PVT) cũng ghi nhận quý I tăng trưởng tốt, trong đó, doanh thu mảng vận tải tăng 22,9% nhờ mảng LPG và hóa chất. 

Theo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), hoạt động vận tải của PVTrans được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 với trọng tâm đến từ mảng dầu sản phẩm/ hóa chất và mảng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG). Điểm rơi lợi nhuận 2022 của PVTrans nhiều khả năng vào quý III khi doanh nghiệp lên kế hoạch thanh lý tàu PVT Athena và đóng góp khoảng 100 tỷ lợi nhuận cốt lõi trong kỳ. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng dự kiến chi khoảng 2.915 tỷ đồng để đầu tư cho các dự án mua 6 tàu mới với 5 tàu chở dầu/hóa chất và 1 tàu chở hàng rời năm nay. 

PV OIL và BSR tiếp đà bứt phá, lợi nhuận PLX ngược dòng nhóm hạ nguồn

BSC Research cho biết các doanh nghiệp hạ nguồn sẽ được hưởng lợi nhờ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu hồi phục trong năm 2022. Với việc mở cửa trở lại của nền kinh tế, sản lượng tiêu thụ xăng dầu sẽ quay lại mức tăng trưởng bình ổn trên 3%/năm và sản lượng khí tiêu thụ sẽ tăng trưởng trung bình trên 10% giai đoạn tới, nhờ lượng huy động tăng trở lại từ các nhà máy điện (chiếm 80% tổng sản lượng đầu ra). Nhờ đó, doanh nghiệp lọc dầu và phân phối xăng dầu khí sẽ ghi nhận phục hồi đáng kể trong thời gian tới. 

Quý vừa qua, Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV OIL - Mã: OIL) có tổng sản lượng kinh doanh xăng dầu đạt 875.000 m3/tấn, đạt 105,2% kế hoạch quý và 26,3% kế hoạch năm.

Doanh nghiệp cho biết trong quý I, cùng với tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, thị trường xăng dầu trong và ngoài nước có nhiều biến động. Giá dầu thế giới liên tục tăng, trong khi nguồn hàng thiếu hụt do nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn giảm công suất hoạt động và nguồn hàng nhập khẩu chỉ về cuối tháng 2 dẫn đến các đầu mối hạn chế bán hàng, chiết khấu thị trường giảm xuống rất thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả kênh bán lẻ của tổng công ty. 

Tuy nhiên nhờ giá bình quân mặt hàng xăng dầu tăng từ 63% - 78% so với cùng kỳ nên doanh nghiệp vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực với doanh thu tăng gần gấp đôi và lợi nhuận tăng 49%. 

Trái ngược với PV OIL, lợi nhuận của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX) lại giảm 40% so với cùng kỳ mặc dù doanh thu tăng 75%, đạt mức cao nhất trong ngành. 

Phía Petrolimex cũng cho biết sự thiếu hụt nguồn cung trên toàn thế giới và sự cố ở Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Là một doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong khâu phân phối trong nước và để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, Petrolimex đã phải tìm nguồn cung tức thời với giá nhập cao hơn. Điều này dẫn đến chi phí giá vốn tăng cao, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh gây thâm hụt lãi gộp. 

Nguồn: BCTC các quý của Petrolimex

Hưởng lợi từ giá dầu thô và sản phẩm tăng cao, CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) đã vượt 78% kế hoạch lợi nhuận cả năm khi mới kết thúc quý I.

BSR cũng cho biết thêm khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính quý này tốt hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước đã góp phần làm tăng hiệu quả kinh doanh của BSR.

Tổng giám đốc công ty cũng dự báo crack margin (khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá sản phẩm chính) của 2022 tốt hơn 2021 dước tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine. Theo các dự báo, crack margin quý II và III vẫn còn tốt và sẽ suy giảm vào cuối năm.

 Diễn biến giá cổ phiếu một số doanh nghiệp dầu khí lớn một năm qua. (Nguồn: TradingView). 

T.Đan