Doanh nghiệp thép tiếp tục giảm hàng tồn kho
Doanh nghiệp giảm tồn kho xuống mức thấp nhất hai năm
Sau thời gian dài ngành thép trượt dốc, những tín hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện trong quý II khi đà suy giảm tiêu thụ thép bắt đầu chậm lại.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), bán hàng thép thành phẩm đạt 6,5 triệu tấn, giảm 3,4% so với quý I/2023, và giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, các doanh nghiệp tập trung nhiều vào hoạt động bán hàng ra thị trường nước ngoài trong bối cảnh thị trường bất động sản trong nước vẫn ảm đạm. Điều này giúp xuất khẩu thép thành phẩm quý II đạt 2,2 triệu tấn, tăng lần lượt 33% và 21,7% so với quý I/2023 và quý II/2022.
Trong khi đó, tốc độ suy giảm của sản xuất thép thành phẩm mạnh hơn so với tiêu thụ. Trong quý II, sản xuất thép thành phẩm đạt 6,4 triệu tấn, giảm 17,3% so với quý I/2023, và giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022.
Điều này dẫn đến lượng tồn kho của các doanh nghiệp thép trong quý II giảm.
Điển hình như CTCP Tập đoàn Hoà Phát, tại thời điểm 30/6, hàng tồn kho của công ty là 32.261 tỷ đồng, giảm 7% so với thời điểm cuối quý I và thấp hơn 50% so với cùng kỳ. Đây đồng thời là mức thấp nhất trong 2 năm trở lại đây.
Tổng lượng thép Hòa Phát cung cấp cho thị trường trong quý II là 1,53 triệu tấn, tăng 11% so với quý trước là 1,38 triệu tấn. Trong đó, tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 734 nghìn tấn, cao nhất trong vòng 5 quý trở lại đây và đã vượt 11% sản lượng HRC quý II/2022.
Tiêu thụ các mặt hàng thép của tập đoàn có xu hướng tăng dần qua từng tháng trong nửa đầu năm nay và đạt mức cao nhất vào tháng 6.
Hoà Phát cho biết tiêu thụ thép nội địa không được cải thiện nhiều so với quý trước do thị trường trong nước vẫn yếu. Giá thép giảm chung theo giá thép thế giới. Doanh thu quý II tăng nhẹ từ việc mở rộng xuất khẩu. Tỷ trọng doanh số bán thép thô từ xuất khẩu tăng mạnh từ 14% của quý I lên 32%.
Hòa Phát hiện vẫn chưa chạy hết công suất của các nhà máy thép. Trong bối cảnh giá nguyên nhiên liệu thiếu ổn định, tập đoàn duy trì số ngày hàng tồn trong kho thấp ở tất cả các kho từ nguyên liệu, nhiên liệu, sản phẩm dở dang và thành phẩm.
Số ngày tồn kho đã được hạ xuống thấp và duy trì ổn định trong vòng một năm trở lại đây và đang tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt đối với nguyên nhiên liệu đầu vào. Số ngày của nguyên vật liệu kỳ này là 65 ngày và thành phẩm là 46 ngày, giảm nhẹ so với quý trước làm tổng số ngày hàng tồn kho giảm còn 118 ngày, từ 172 ngày của cùng kỳ.
Tương tự, tồn CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) cũng chỉ bằng một nửa so với thời điểm cuối quý II năm ngoái và giảm 10% so với cuối quý I. Số ngày tồn kho là 79 ngày, giảm mạnh so với 103 ngày của cùng kỳ năm ngoái.
Một số doanh nghiệp khác ghi nhận hàng tồn kho giảm sâu so với cùng kỳ như trường hợp của CTCP Thép Pomina (Mã: POM). Tính đến cuối quý II, giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp này ở mức 996 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ và giảm 6% so với cuối quý I.
Trong khi đó, hàng tồn kho của CTCP Thép Tiến Lên (Mã: TLH) chỉ điều chỉnh nhẹ so với quý I và cùng kỳ năm ngoái (lần lượt giảm 5% và 7%).
Hàng tồn kho giảm góp phần củng cố biên lợi nhuận
Việc duy trì chính sách tồn kho này giúp doanh nghiệp bảo toàn nguồn lực vốn lưu động và củng cố nội lực làm dày lên biên lợi nhuận. Ngoài ra, việc điều chỉnh mức tồn kho xuống thấp từ cuối năm ngoái đã phát huy tác dụng, giúp giá than và quặng đưa vào sản xuất thép phản ánh sát và tận dụng được các bước giảm của thị trường, đặc biệt đối với giá than, nhờ đó hạ giá thành sản xuất thép đáng kể so với những kỳ trước đó, giúp cho giá vốn hàng bán có những cải thiện.
Theo đó, trong quý II, giá nguyên liệu đầu vào đã hạ nhiệt. Giá quặng sắt 62%Fe bình quân quý II/2023 là khoảng 113 USD/tấn, giảm 11% so với quý I/2023 và giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022. Giá quặng sắt bình quân 6 tháng năm 2023 là 118,3 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022.
Giá than mỡ luyện cốc giao dịch bình quân quý II/2023 ở mức 243,8 USD/tấn, giảm 29% so với mức giá bình quân quý I/2023 và giảm 45% so với cùng kỳ 2022. Mức giá giao dịch bình quân 6 tháng đầu năm 2023 đạt 293,6 USD/tấn, giảm 36,9% so với cùng kỳ năm trước.
Do đó, mặc dù giá thép giảm, biên lợi nhuận gộp một số doanh nghiệp vẫn được cải thiện trong quý này.
Doanh nghiệp trông chờ vào các dự án đầu tư công
Trong bối cảnh ảm đạm của thị trường bất động sản và xây dựng dân dụng hiện tại, một số doanh nghiệp trông chờ vào các dự án đầu tư công.
Ông Phạm Công Thảo - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP nhận định:“Tôi kỳ vọng những dự án đầu tư công sẽ giúp cải thiện nhu cầu thép trong nước, bản thân chính phủ cũng đang thúc đẩy tín dụng nhiều, liên tục giảm lãi suất. Do đó, tôi kỳ vọng nhu cầu sẽ cải thiện từ quý IV”.
Xây dựng cơ sở hạ tầng hiện chiếm 18% cơ cấu tiêu thụ thép của Việt Nam.
Còn theo ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký VSA, đối với lĩnh vực đầu tư công, ngành thép kỳ vọng nhiều hơn vào các dự án xây dựng cầu, cống bởi đây là những công trình tiêu thụ nhiều thép. Còn với những dự án xây đường thì mức hưởng lợi chỉ là “gián tiếp” ở các hạng mục như lan can. Các cấu phần khác lớn hơn như mặt đường thì chủ yếu là nhựa, đất nền, cát còn thép không nhiều vì hiện tại Việt Nam vẫn dùng công nghệ truyền thống.
“Chúng tôi kỳ vọng nhiều hơn vào sự cải tiến của các công trình đường cao tốc với sử dụng đường bê tông cốt thép và cầu cạn cho ĐBSCL",ông Thái nói.
Theo ông vừa qua VSA cùng với các hiệp hội vật liệu xây dựng khác cũng đã trình lên Thủ tướng về đề xuất không nên xây dựng đường cao tốc thông thường mà nên xây dựng cầu cạn ở khu vực này để đảm bảo an toàn và bền vững. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo nghiên cứu đề xuất này.