|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

ĐHĐCĐ Techcombank: Nợ xấu mảng trái phiếu doanh nghiệp xấp xỉ 0% trong 5 năm qua, tiếp tục phát triển mảng BĐS

11:00 | 23/04/2022
Chia sẻ
Theo Chủ tịch Hồ Hùng Anh, những vấn đề làm sạch thị trường vừa qua chỉ là thiểu số, Techcombank luôn theo định hướng góp phần phát triển thị trường lành mạnh. Việc siết tín dụng BĐS là tạm thời, ngân hàng không thay đổi về định hướng phát triển mảng BĐS.

 Toàn cảnh đại hội cổ đông Techcombank. (Ảnh: Diệp Bình)

Sáng nay (22/4), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (TechcomBank - Mã: TCB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, nhiều vấn đề quan trọng được đưa ra bàn thảo.

Chia sẻ tại đại hội Tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner cho biết trong năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 nhưng ngân hàng vẫn ghi nhận được kết quả kinh doanh khả quan. Tổng tài sản tăng 29,4%; tổng dư nợ tín dụng tăng 22,1%, huy động  tăng 14,6%, đặc biệt lợi nhuận trước thuế tăng 47,1% đạt 23.238 tỷ đồng.

Năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 27.000 tỷ đồng, tăng trưởng 16,2% so với năm 2021. Dư nợ tín dụng dự kiến đạt hơn 446.500 tỷ đồng, tăng 15% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến thấp hơn 1,5%. 

"Hiện tại, Techcombank đang có sức khoẻ rất tốt và sẵn sàng cho những bước phát triển tiếp theo", Tổng Giám đốc Techcombank nói.

 Tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner chia sẻ tại đại hội. (Ảnh: Diệp Bình).

 Nguồn: Tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 Techcombank.

Đáng chú ý, ngân hàng dự kiến sẽ không chia cổ tức trong năm 2022, lợi nhuận được giữ lại nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng. 

Sau khi trích lập các quỹ và lợi nhuận của các cổ đông thiểu số, lợi nhuận năn 2021 còn lại hơn là gần 13.394 tỷ đồng.  Cộng với khoản lợi nhuận chưa chia của các năm trước, lợi nhuận có thể phân phối của Techcombank là gần 40.137 tỷ đồng.  

Về kế hoạch tăng vốn, Techcombank dự kiến phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cp. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên hơn 35.172 tỷ đồng.

Cổ phiếu phát hành mới bị hạn chế chuyển nhượng một năm theo quy định kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2022 sau khi được NHNN, Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận. Tổng số tiền thu được sau khi phát hành dự kiến sử dụng để bổ sung vốn hoạt động của ngân hàng.

Tại đại hội, kế hoạch chuyển trụ sở chính từ Toà Vincom tại số 191 Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng về số 6 Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng được trình tới các cổ đông.

Bên cạnh đó, đại hội lần này cũng sẽ trình cổ đông thông qua đơn xin từ nhiệm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 của ông Đỗ Tuấn Anh vì công việc cá nhân và tránh các xung đột lợi ích không cần thiết đối với ngân hàng.  Trước đó, ông Đỗ Tuấn Anh cũng có đơn từ nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng.

Hội đồng quản trị Techcombank hiện có tổng cộng 9 thành viên với ông Hồ Hùng Anh giữ cương vị chủ tịch, 5 phó chủ tịch và 3 thành viên HĐQT.  

Thảo luận:

Cổ đông: Ban lãnh đạo đánh giá như thế nào về việc đạt kế hoạch kinh doanh năm 2022, tăng trưởng tín dụng 15% hoặc cao hơn ở mức 20% như các năm trước. Ngân hàng có dự định chuyển dịch sang phân khúc ngành nghề khác hay không?  

Tổng Giám đốc Jens Lottner: Lợi nhuận của Techcombank sẽ phụ thuộc nhiều vào mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng, chúng tôi đang chờ quyết định của NHNN. Nếu được cấp ở mức cao thì sẽ giúp cho ngân hàng có được thu nhập tốt hơn.

Bên cạnh đó, thu nhập từ phí và các thu nhập khác và tổi ưu hoá chi phí vốn, NIM của chúng tôi khá cao. Trong hai năm vừa qua chúng tôi có được giá vốn rẻ hơn so với đối thủ và CIF duy trì ở mức hợp lý.

Hiện chi phí phát hành trái phiếu của Techcombank rất thấp do chúng tôi có hiệu quả tài chính tốt và CAR cao so với các đối thủ cạnh tranh khác. Điều này giúp chúng tôi duy trì được nguồn vốn bền vững bất chấp ảnh hưởng từ thị trường. NIM của Techcombank khoảng 5,6% hơi giảm nhẹ so với các năm trước nhưng vẫn cao hơn so với đối thủ.

Trong bối cảnh như COVID-19 tạo gián đoạn kinh doanh cho các doanh nghiệp, nhờ có dự phòng tốt mà chúng tôi có thể duy trì được hoạt động linh doanh trong thời gian đó.  

Cổ đông: Techcombank mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để đầu tư hay phân phối lại? Việc NHNN siết hoạt động đầu tư TPDN có ảnh hưởng như thế nào tới ngân hàng. Việc siết cho vay BĐS của NHNN sẽ ảnh thưởng ra sao tới hoạt động của Techcombank? 

 Cổ đông chất vấn ban lãnh đạo ngân hàng tại đại hội (Ảnh: Diệp Bình).

Tổng Giám đốc Jens Lottner:  BĐS là lĩnh vực quan trọng với nền kinh tế quốc gia và với nguồn cung còn thiếu với nhà ở, thực tế là chúng ta vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở của người dân. Trong dài hạn chúng tôi kỳ vọng có những cơ hội đầu tư tốt cho người dân Việt Nam.

NHNN đã đưa ra quy định siết chắt khoản vay BĐS nhằm thao túng thị trường bất động sản. Tuy nhiên điều này không có nghĩa BĐS không còn được coi trọng, nhất là đối với đất nước có thu nhập trung bình như Việt Nam. Tôi tin rằng cơ quan nhà nước sẽ có những biện pháp nhất định để phát triển thị trường BĐS.

Trong vài năm vừa qua Techcombank chưa gặp vấn đề nào về các khoản vay BĐS. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) gần như bằng 0 trong 5 năm qua. Do đó, những định hướng của chúng tôi vẫn được duy trì.

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Theo tôi những vấn đề làm sạch thị trường được tiến hành vừa qua chỉ là thiểu số. Techcombank luôn thực hiện theo thông điệp sẽ đóng góp vào chiến lược phát triển thị trường vốn.

Với trái phiếu doanh nghiệp, Techcombank sẽ thẩm định dưới góc độ như một khoản vay trung dài hạn và đương nhiên trong đó sẽ có từ phương án kinh doanh, nguồn tiền, khả năng trả nợ,… Thay vì khoản vay trung dài hạn Techcombank tư vấn thành các khoản trái phiếu có thể giúp cho các nhà đầu tư cùng Techcombank đầu tư.

Nói siết trái phiếu thì hơi nặng mà làm lành mạnh cho thị trường trái phiếu, điều đó sẽ tạo cơ hội cho các nhà chuyên nghiệp đưa đến thị trường những sản phẩm tốt cho thị trường.

Tôi không nghĩ chúng tôi có thay đổi về việc thay đổi chiến lược dài hạn về lĩnh vực BĐS của Techcombank.Trong những năm vừa qua Techcombank đang làm rất tốt, các dự án mà TCB đầu tư đều có các chủ đầu tư, lãnh đạo uy tín. Cho vay BĐS tập trung nhiều vào nhóm cho vay người mua nhà, hạn chế tối đa việc cho vay khu đất, hoặc dạng có khả năng đầu cơ, không mạng lại giá trị thặng dư.

Ngân hàng nắm giữ khoảng 62.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Lý do mà Techcombank giữ trái phiếu nhiều vì chúng tôi tin tưởng vào khả năng quản lý rủi ro của mình và sẵn sàng cung cấp nguồn trái phiếu đó cho các cá nhân và doanh nghiệp nếu họ có nhu cầu đầu tư.

Cổ đông: Xin được hỏi giá trị đầu tư cũng như nợ xấu tiềm năng của Techcombank và TCBS đến nhóm khách hàng Vạn Thịnh Phát? 

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank không có liên quan gì đến các khoản vay của Vạn Thịnh Phát. Các trái phiếu và khoản vay của Techcombank đều vào các dự án có giấy tờ hợp lý, đang triển khai bán hàng, không đầu tư vào các dự án treo, giấy tờ không hợp lý.

Cổ đông: Tại sao NIM của Techcombank cao hơn các ngân hàng khác trong nước và trong khu vực, nó thể hiện điều gì và có duy trì được hay không?

Tổng Giám đốc Jens Lottner:  NIM của Techcombank cao vì ngân hàng có vị thí vốn vững chắc.CASA của ngân hàng có mức tăng trưởng tốt, mang lại chi phí vốn thấp, lãi suất huy động chỉ từ 3-4%, mà không cần áp dụng mức lãi suất cao cho khách hàng.

Cổ đông: Xin ban lãnh đạo cho biết kế hoạch lộ trình tăng vốn trong các năm tới? Ngân hàng có dự kiến nới room sở hữu nước ngoài hay không?

Cổ đông: Nhiều ngân hàng có kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cho cổ đông ngoại để tăng vốn điều lệ, ngân hàng VPBank dự kiến tăng vốn vượt qua các ngân hàng quốc doanh để vươn lên top đầu trong hệ thống, tại sao Techcombank lại không thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay?

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Lộ trình chia cổ tức phụ thuộc vào lộ trình phát triển của ngân hàng. Với lợi nhuận hiện nay, ROE hơn 20%/năm thì là khoản đầu tư rất tốt. Đối với cá nhân tôi đây là mức lợi nhuận rất tốt.

Nếu như ROE của Techcombank thấp chỉ 5% có thể tôi cũng sẽ đề xuất chia cổ tức để tìm kiếm lợi nhuận ở các kênh đầu tư khác.

Về việc tăng vốn điều lệ, ngân hàng sẽ điều chỉnh phù hợp với kế hoạch kinh doanh. Năm 2018 chúng ta đã chia gần 80%, giá cổ phiếu lúc đó đã giảm ba lần và cổ đông phải trả 5% thuế TNCN. Góc độ cá nhân tôi chưa nhìn thấy giá trị của việc này cho doanh nghiệp.

Về việc thị trường có thể chưa định giá đúng được với giá trị của ngân hàng thì chúng ta cần cố gắng xử lý nó.

Cổ đông: Techcombank có đàm phán lại mức phí với Manulife hay không vì mức phí trước đó là khá thấp trong bối cảnh hiện nay, nếu có thì mức phí này có nằm trong kế hoạch kinh doanh năm 2022 hay chưa, nếu không thì sẽ ghi nhận thời điểm này? 

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Khi ký hợp đồng với bên bảo hiểm, các công thức tính giá đã có rõ ràng trong quy định của các công ty bảo hiểm. Còn mức phí nhận trước hay nhận sau là chiến lược của từng ngân hàng. Nếu nhận trước mà mức chiết khấu thấp thì chúng ta mới nhận. Thực tế,chúng tôi không lựa chọn nhận một lần mà nhận đều qua các năm vì lãi suất chiết khấu ở mức cao.

Techcombank đã và đang thực hiện việc đàm phán lại nhưng quan điểm là lợi ích mang lại. Trong kế hoạch năm nay không có phần phí của công ty bảo hiểm.

Cổ đông: Xin lãnh đạo ngân hàng cho biết con số thực hiện KQKD đến hết quý I?

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Tôi xin phép chưa công bố cụ thể con số kết quả kinh doanh quý I ở thời điểm hiện tại nhưng xin chia sẻ với cổ đông là kết quả vượt so với kế hoạch đã đề ra năm 2022.

Đại hội thông qua tất cả tờ trình.

Diệp Bình