Đề xuất làm dự án 1.500 ha ở hồ Nặm Cắt, năng lực của Kim Nam Group thực sự ra sao?
Cuối tháng 6 vừa qua, UBND TP Bắc Kạn và Công ty TNHH Tập đoàn Kim Nam (Kim Nam Group) đã ký kết tài trợ các sản phẩm quy hoạch tại khu vực hồ Nặm Cắt.
Trước đó, vào tháng 4/2021, Kim Nam Group đã đề xuất tỉnh Bắc Kạn cho phép được triển khai nghiên cứu đánh giá tiền khả thi dự án Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng sinh thái hồ Nặm Cắt. Đến tháng 5/2021, tỉnh đã chấp thuận cho doanh nghiệp tài trợ quy hoạch và khảo sát, nghiên cứu, đề xuất dự án nói trên.
Theo đề xuất, khu đô thị, khu du lịch sinh thái hồ Nặm Cắt có diện tích dự kiến khoảng 1.500 ha, gồm các hạng mục như khu trồng cây sinh thái; khu làng chài; khu resort 5 sao; khu thể thao dưới nước; khu ẩm thực; khu du lịch lòng hồ; khu nhà truyền thống; khu thương mại; khu thủy điện; khu văn hóa tâm linh và khu vui chơi giải trí.
Nếu dự án được thực hiện và đưa vào vận hành, doanh nghiệp kỳ vọng thu hút hơn 200.000 lượt khách trong giai đoạn 2021 - 2025 và gần 400.000 lượt khách giai đoạn 2026 - 2030.
Hệ sinh thái của Kim Nam Group
Kim Nam Group tiền thân là Công ty TNHH Kim Nam Investco được thành lập ngày 2/12/2016 với vốn điều lệ 25 tỷ đồng, bao gồm hai cổ đông là ông Nguyễn Kim Hùng sở hữu 20% và CTCP Vật liệu Công nghệ cao Kim Nam (tên cũ là CTCP Công nghệ mỏ và luyện kim Việt Nam) nắm 80% vốn.
Ngày 20/11/2018, Kim Nam Group có lần tăng vốn đầu tiên, từ 25 tỷ đồng lên thành 300 tỷ đồng. Tại lần đăng ký thay đổi mới nhất ngày 12/3/2021, doanh nghiệp tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên thành 600 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của Kim Nam Group là ông Nguyễn Kim Hùng, trụ sở chính doanh nghiệp tại số 562 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội.
Theo giới thiệu của doanh nghiệp, Kim Nam Group là tập đoàn kinh tế đa ngành với hệ sinh thái gồm 12 công ty thành viên, tương ứng với 12 lĩnh vực khác nhau như khai thác mỏ, công nghệ, đầu tư, bất động sản, logistics, thực phẩm, truyền thông...
Bên cạnh dự án Khu đô thị, du lịch sinh thái hồ Nặm Cắt, Kim Nam Group đang xin chủ trương đầu tư một số dự án khác ở Bắc Kạn như Cụm công nghiệp Huyền Tụng, cụm công nghiệp đô thị huyện Chợ Mới,…
Thực tế cho thấy, Kim Nam Group được thành lập muộn so với các công ty con, điều này đồng nghĩa doanh nghiệp đã tái cơ cấu hoạt động theo mô hình holding company, trong đó Kim Nam Group đóng vai trò là công ty mẹ quản lý vốn đầu tư tại các công ty thành viên.
Cũng chính vì vậy, dù thành lập từ năm 2016, song đến năm 2018, Kim Nam Group mới bắt đầu ghi nhận doanh thu thuần 4,8 tỷ đồng và lãi sau thuế 200 triệu đồng. Đến năm 2019, công ty gần như không có doanh thu, đồng thời lỗ khoảng 800 triệu đồng.
Giai đoạn 2018 - 2019, tổng tài sản của Kim Nam Group tăng từ 25 tỷ đồng lên thành gần 89 tỷ đồng. Nợ phải trả trong hai năm này lần lượt là 2,1 tỷ đồng và 0,5 tỷ đồng.
Năng lực thực sự của Kim Nam Group đến đâu?
Quay trở lại với hệ sinh thái của Kim Nam Group, ngày 21/1/2021, Kim Nam Group đã quyết định đổi tên CTCP Công nghệ Mỏ và Luyện kim Việt Nam (cổ đông sáng lập Kim Nam Group) thành CTCP Vật liệu Công nghệ cao Kim Nam (Kim Nam Materials) - đây cũng là thành viên cốt lõi trong hệ sinh thái của Kim Nam Group.
Kim Nam Materials được thành lập năm 2009, có trụ sở chính tại 92B phố Thợ Nhuộm, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Tại thời điểm ngày 21/12/2018, Kim Nam Materials có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp cũng là ông Nguyễn Kim Hùng.
Về tình hình kinh doanh, trong năm 2019, doanh thu thuần của Kim Nam Materials là hơn 500 tỷ đồng, tuy nhiên doanh nghiệp chỉ ghi nhận khoãn lãi sau thuế 3,4 tỷ đồng. Tổng tài sản và nợ phải trả của doanh nghiệp trong năm 2019 lần lượt là 264 tỷ đồng và 165 tỷ đồng.
Bên cạnh Kim Nam Materials, tháng 12/2018, Kim Nam Group bắt đầu đặt chân vào lĩnh vực bất động sản khi thành lập Công ty TNHH Kim Nam - Land với số vốn điều lệ 20 tỷ đồng, ông Nguyễn Kim Hùng nắm 100% sở hữu. Cuối năm 2019, Kim Nam Land có tổng tài sản gần 12 tỷ đồng. Doanh nghiệp chưa ghi nhận doanh thu thuần trong năm, đồng thời lỗ ròng hơn 23 tỷ đồng.
Đến với một công ty thành viên khác của Kim Nam Group là CTCP Tái cấu trúc Doanh nghiệp Việt (VERCO), công ty này được thành lập vào tháng 6/2016, chuyên hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý doanh nghiệp.
Tại thời điểm ngày 11/9/2018, VERCO có vốn điều lệ 80 tỷ đồng, trong đó ba cổ đông sáng lập gồm Kim Nam Materials (góp 45 tỷ đồng); ông Phạm Xuân Hòa (góp 20 tỷ đồng) và ông Nguyễn Ngọc Nam (góp 15 tỷ đồng). Chủ tịch HĐQT của VERCO vẫn là ông Nguyễn Kim Hùng.
Giai đoạn 2017 - 2019, VERCO lần lượt lỗ sau thuế 0,9 tỷ đồng, 3,7 tỷ đồng và 2,9 tỷ đồng. Doanh thu thuần cao nhất mà VERCO ghi nhận được là mức 9,3 tỷ đồng vào năm 2019.
Ngày 6/6/2019, VERCO và 115 cổ đông khác đã góp vốn thành lập CTCP Đầu tư doanh nhân VERCO (VERIG) với số vốn điều 25 tỷ đồng, bao gồm 11 pháp nhân và 103 cá nhân. Trong đó, VERCO nắm 20% sở hữu tại VERIG. Chủ tịch HĐQT của VERIG là ông Nguyễn Kim Hùng.
Đến ngày 27/11/2020, VERIG được chuyển đổi sang mô hình Holding và đổi tên thành CTCP VERIG Holdings. Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực tài chính xã hội phi ngân hàng thông qua nền tảng VERIG Platform.
Thông tin từ bản cáo bạch của CTCP Giấy Hoàng Hà Hải Phòng (Mã: HHP), trong năm 2019, HHP đã thực hiện góp vốn 300 triệu đồng vào VERIG (tương ứng 1,2% vốn điều lệ).
HHP thông tin thêm, do phải tiến hành thu thập các dữ liệu từ hai phía là người cho vay và người đi vay thông qua nguồn dữ liệu big data để tiến hành phân tích, đánh giá và xây dựng cộng đồng VERIG, do đó hoạt động kinh doanh của VERIG trong năm chưa phát sinh doanh thu và lợi nhuận.
Thông tin từ Báo Đầu tư, tại ĐHĐCĐ lần đầu vào năm 2019, cổ đông VERIG đã thông qua lộ trình phát triển của doanh nghiệp, cụ thể đến ngày 31/12/2019 sẽ có hơn 500 cổ đông, vốn chủ sở hữu tăng lên 500 tỷ đồng; đến cuối năm 2020 sẽ có hơn 1.000 cổ đông và tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng; đến năm 2025 sẽ có 20.000 cổ đông và 1 tỷ USD vốn chủ sở hữu.
Song, theo số liệu chúng tôi có được, trong năm 2019, VERIG không ghi nhận doanh thu thuần, đồng thời lỗ sau thuế 1,8 tỷ đồng. Tài sản của VERIG tính đến ngày 31/12/2019 là 24,4 tỷ đồng.
Phía VERIG cũng cho biết, sau một năm thành lập, số cổ đông của doanh nghiệp này mới tăng lên thành 180 cổ đông.
Tương tự VERIG, một vài cái tên khác trong hệ sinh thái Kim Nam Group như Kim Nam Tech, Kim Nam Food đều không ghi nhận doanh thu trong năm 2019.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, một công ty thành viên trực thuộc Kim Nam Group là Công ty TNHH MTV xi măng Lâm Nghiệp hiện là chủ đầu tư của Khu tổ hợp sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến sâu vôi công nghiệp Bắc Giang, tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng, khởi công vào quý I/2021.
Ông chủ Kim Nam Group là ai?
Như đã đề cập ở trên, ông Nguyễn Kim Hùng là cổ đông sáng lập, đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của Kim Nam Group.
Trong hệ sinh thái Kim Nam Group, ông Nguyễn Kim Hùng cũng là Chủ tịch HĐQT của nhiều công ty thành viên khác như Kim Nam Land, VERCO, VERCO Capital, VERCO Consultant, Kim Nam Tech, Kim Nam Sumi,...
Ông Nguyễn Kim Hùng sinh năm 1983 tại huyện Tam Nông, Phú Thọ. Ông được biết đến là người từng ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Bắc Kạn hồi tháng 5/2021 vừa qua.
Chủ tịch Kim Nam Group từng tốt nghiệp Trường Đại học Mỏ địa chất và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, sau này ông trở thành thạc sĩ Quản lý kinh tế. Giai đoạn 2004 - 2006, ông từng đảm nhận vị trí Giám đốc kinh doanh giáo dục tại CTCP Giáo dục Quốc tế AET.
Ngày 28/8/2019, ông Nguyễn Kim Hùng được Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) bổ nhiệm chức vụ Phó viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa (SISME).