|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

CTCP Trung Nam bị cưỡng chế thuế gần 446 tỷ đồng

19:41 | 01/03/2023
Chia sẻ
Bên cạnh việc bị cưỡng chế thuế, CTCP Trung Nam cũng bị Cục thuế TP Đà Nẵng ra thông báo ngừng sử dụng hoá đơn.

Tháng 2/2023, Cục thuế TP Đà Nẵng đã ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với CTCP Trung Nam.

Lý do bị cưỡng chế là CTCP Trung Nam nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đã quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 124 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019. Số tiền bị cưỡng chế là gần 446 tỷ đồng. 

Đồng thời Cục thuế TP Đà Nẵng cũng ra thông báo về việc ngừng sử dụng hoá đơn với CTCP Trung Nam. 

CTCP Trung Nam thành lập tháng 12/2001, có trụ sở tại tầng 3, tòa nhà Indochina Riverside Tower, 74 Bạch Đằng, phường Hải Châu I, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Công ty có hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực bất động sản.

Ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT Trungnam Group phát biểu tại Lễ ký kết hợp tác toàn diện với Vietcombank. (Ảnh: Vietcombank).

Ông Nguyễn Tâm Thịnh đang là Người đại diện pháp luật của công ty. Ngoài CTCP Trung Nam, ông Nguyễn Tâm Thịnh còn đang là người đại diện của hơn 20 doanh nghiệp khác thuộc hệ sinh thái của CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group). Ông Thịnh đang là Chủ tịch HĐQT của Trungnam Group.

 Nguồn: masothue.com.

Về Trungnam Group, đơn vị này được thành lập từ năm 2004. Trungnam Group có hệ sinh thái đa ngành nghề gồm 5 lĩnh vực hoạt động: Năng lượng, Hạ tầng - Xây dựng, Bất Động sản, Công nghiệp thông tin điện tử.

Tại hội thảo "Cơ hội đầu tư vào ngành năng lượng" cuối tháng 10/2022, Chủ tịch Trungnam chia sẻ doanh nghiệp hiện sở hữu 14 nhà máy điện, tổng sản lượng điện doanh nghiệp đang phát trên lưới khoảng 4,3 tỷ kWh/năm. Trong đó, riêng phần điện gió có khoảng 700 MW, 120 MW là thuỷ điện, còn lại điện mặt trời.

Năm 2021, Trungnam Group có 31 thành viên hoạt động trên 3 lĩnh vực chính: Năng lượng tái tạo, bất động sản và hạ tầng. Công ty cho biết doanh thu 2021 đạt 600 triệu USD, EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) 240 triệu USD.

Tổng tài sản cuối năm 2021 đạt 4 tỷ USD. Công ty chưa công bố chi tiết về tổng nợ vay bao gồm các khoản TPDN và các ngân hàng. 

Tính tới hết quý II/2022, quy mô vốn chủ sở hữu của Trungnam là 27.597 tỷ đồng. Trong mảng năng lượng tái tạo, vốn chủ sở hữu của Trungnam đạt 11.591 tỷ đồng. 

Bên cạnh vốn chủ, Trungnam đã tiếp cận nguồn vốn vay thông qua trái phiếu, tín dụng với quy mô trên 50.000 tỷ. Tính tới cuối năm 2021, tổng nợ vay/EBITDA của Trungnam là 8,4 lần, chỉ tiêu EBITDA/lãi vay là 4,9 lần và chỉ tiêu nợ vay trên vốn chủ sở hữu là 1,8 lần.

 Nguồn: VNDirect.

Trong số 27.000 tỷ trái phiếu huy động cho các dự án năng lượng tái tạo, có 20.000 tỷ là trái phiếu dự án Trungnam Group huy động từ các định chế tài chính. Ngay từ lúc lập dự án, Trungnam chịu sự thẩm định dự án của Vietcombank. Dòng tiền trả nợ bản chất đến từ dự án, tóm lại chỉ số kiểm soát nợ, chỉ số rủi ro Trungnam hoàn toàn kiểm soát được nếu không thì đã có tình trạng nhảy nhóm nợ.

7.000 tỷ còn lại chủ yếu là các khoản huy động đầu tư cho tài sản cố định, bao gồm 5.500 tỷ đầu tư sà lan, xe cẩu, xe siêu trường… Đây là các tài sản tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn của Trungnam Group trong hoạt động phát triển dự án tại các khu vực có địa thế phức tạp.

Dự kiến, sẽ có khoảng 6.500 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn vào năm 2023, 3.500 tỷ sẽ đáo hạn vào năm 2024, 2.500 tỷ đáo hạn năm 2025 và từ năm 2026 đến 2035 là thời gian đáo hạn của số dư nợ còn lại.

Doanh thu của riêng mảng năng lượng tái tạo bao gồm điện gió, điện mặt trời và thủy điện ước tính cho năm 2023 là 323 triệu USD (tương đương hơn 8.000 tỷ theo tỷ giá USD tháng 11/2022). Biên EBITDA lên đến 90% doanh thu, EBITDA dự phóng cho năm 2023 là 293 triệu USD (tương đương 7.300 tỷ đồng).

Đại diện Trungnam Group cũng cho biết sẽ thoái vốn khỏi các dự án bất động sản với quỹ đất 600 ha trong thời gian tới để thu tiền về. 

Hoàng Kiều

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.