|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cơ cấu nợ theo Thông tư 14 liệu đã đủ cho các doanh nghiệp?

09:34 | 18/09/2021
Chia sẻ
Một tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành Thông tư 14, câu chuyện bàn luận xung quanh chủ đề này vẫn luôn "nóng" với nhiều ý kiến khác nhau.

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức sửa đổi Thông tư 01 mới đây được nhiều chuyên gia đánh giá là động thái hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời cho người đi vay cũng như hệ thống ngân hàng.

Thông tư này mở rộng thêm những đối tượng khách hàng đi vay được tái cơ cấu nợ từ đó khách hàng đi vay có thể giãn thanh toán nợ gốc, giãn thanh toán lãi vay hoặc giãn cả hai mà không bị nhảy nhóm nợ; giúp cho khách hàng đi vay có thêm thời gian hơn để thanh toán trong tương lai. 

Thời hạn thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng sẽ kéo dài thêm nửa năm so với thông tư cũ, tới ngày 30/6/2022.

Cơ cấu nợ nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ có hợp lý?

Khó khăn do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, khách hàng không có đủ khả năng trả nợ nhưng lại vẫn được giữ nguyên nhóm nợ, điều đó trái với những nguyên tắc phân loại nợ trước đây của các ngân hàng. Nhưng không hẳn như vậy.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do giãn cách diện rộng. Và 4 tháng giãn cách tại các tỉnh phía Nam khiến các ngành sản xuất nhỏ gần như bị tê liệt toàn bộ, tác động dây chuyền tới cả doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân.

Cơ cấu nợ liệu đã đủ cho các doanh nghiệp? - Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển. (Ảnh: BizLIVE).

Ông đánh giá việc doanh nghiệp không có khả năng trả nợ là do khách quan. Và sự khách quan này có một phần đến từ quy định của Chính phủ chứ không hẳn do doanh nghiệp yếu kém. Lấy ví dụ Chính phủ cho đóng cửa các ngành nghề, các công ty thiếu nợ ngân hàng sẽ không trả nợ được vì bị đóng cửa.

"NHNN phải giãn thời gian thu hồi nợ cho ngân hàng thương mại, tránh việc chuyển nhóm nợ xấu bởi nếu cứ áp theo tiêu chuẩn của NHNN với nhóm nợ xấu sẽ dẫn tới hệ luỵ rất lớn", ông nói.

Các quy định đúng lúc này sẽ mang lại lợi ích hài hoà cho cả hai bên là người đi vay và ngân hàng. Ngân hàng có thời gian để xử lý nợ xấu tăng và khách hàng cũng có thời gian để sắp xếp việc trả nợ.

"Thông tư mới ban hành cho thấy sự đồng hành của NHNN đối với việc phục hồi của nền kinh tế nói chung và với các ngân hàng nói riêng khi giãn thời hạn trả nợ hỗ trợ doanh nghiệp và người đi vay", chuyên gia đánh giá.

Áp lực vẫn còn đó

Cơ cấu nợ không đồng nghĩa với việc không phải trả gốc và lãi mà khách hàng sẽ được trì hoãn, kéo dài hoặc dồn nợ lại trả những kỳ sau đó. Các khoản nợ mới và cũ dồn lại lại càng lớn. Nếu như thời điểm đó, khách hàng vẫn khó khăn không trả được sẽ dẫn đến gia tăng nợ xấu ngân hàng.

Một trường hợp khách hàng vay mua nhà với gốc phải trả hàng tháng 4 triệu đồng, lãi hàng tháng khoảng 6 triệu đồng. Nếu được cơ cấu lại nợ, 6 tháng đầu họ chỉ cần thanh toán tiền lãi và không phải trả nợ gốc. Tuy nhiên, số nợ gốc phải trả bù sau 6 tháng là 8 triệu đồng cộng thêm lãi vay hàng tháng khiến tổng phải trả tăng cao.

Cơ cấu lại thời hạn trả nợ làm cho các số liệu về tỷ lệ nợ xấu ngân hàng không phản ánh đúng thực chất, như vậy sẽ tiểm ẩn bất ổn rủi ro.

Chuyên gia Đinh Thế Hiển

Do đó, với nhiều trường hợp nhận được đề xuất ngân hàng cũng khuyến nghị không nên thực hiện cơ cấu nếu khách hàng vẫn còn khả năng trả nợ gốc và lãi vay. Việc cơ cấu nợ nhiều khả năng sẽ tạo áp lực phải trả khoản nợ gốc rất lớn về sau.

Về phía ngân hàng, nợ xấu vẫn luôn hiện hữu chỉ là tồn tại trên các báo cáo tài chính ở một "hình dáng" khác và làm cho các chỉ số tài chính như tỷ lệ nợ xấu nội bảng trở nên đẹp hơn.

Việc trì hoãn nhảy nhóm nợ đồng nghĩa với việc ngân hàng không cần trích lập dự phòng cho sự thay đổi tình trạng nợ ngay mà có thể kéo dài tới trong 3 năm, điều đó góp phần đẩy lợi nhuận lên cao.

"Cơ cấu lại thời hạn trả nợ làm cho các số liệu về tỷ lệ nợ xấu ngân hàng không phản ánh đúng thực chất, như vậy sẽ tiểm ẩn bất ổn rủi ro", chuyên gia Đinh Thế Hiển nhận xét.

Thời hạn cơ cấu nợ tới 30/6/2022 đã đủ?

Có những ý kiến khác nhau về mốc thời gian được NHNN quy định để kéo dài thời gian cơ cấu nợ là ngày 30/6/2022. 

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng lo ngại rằng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và có thể tiếp tục kéo dài như hiện nay, có thể tới hạn chót là 30/6/2022 các doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi.

Tác động có độ trễ sẽ khiến nền kinh tế nói chung cũng như nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn về sau. Theo đó, ngay cả khi các hoạt động trở lại bình thường thì phải mất khá nhiều thời gian nữa các doanh nghiệp mới có thể khôi phục trở lại.

Ông Hùng cũng cho rằng những thay đổi được đưa ra vẫn chưa đủ mạnh so với nhu cầu hỗ trợ của các doanh nghiệp hiện nay.

Trong một chia sẻ gần đây, Cựu CEO Trung Nguyên Đỗ Hòa cũng cho rằng khi mở cửa trở lại, nhiều doanh nghiệp khó mà hoạt động hiệu quả; nguy cơ không đáp ứng ngay được các đơn hàng do chi phí cao, nhân công khó tìm, nguồn cung nguyên vật liệu không đảm bảo mà giá lại cao,...

Cơ cấu nợ liệu đã đủ cho các doanh nghiệp? - Ảnh 3.

TP HCM dự kiến sẽ sớm mở cửa trở lại. (Ảnh minh hoạ: Thanh niên).

Còn theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, 6 tháng là đủ dài do TP HCM sẽ mở cửa dần vào tháng 10 và mở cửa toàn diện là tháng 1/2022. Như vậy có đến 3 tháng cuối năm 2021 cho việc mở cửa và có thêm 3 tháng trong năm 2022 để đi vào hoạt động ổn định.

Ông Hiển cho biết theo kế hoạch của TP HCM và các tỉnh phía Nam thì chậm nhất là đến tháng 2/2022 sẽ đưa các hoạt động trở lại bình thường và cần thêm 2 tháng nữa để hoạt động trở nên sôi động.

"NHNN cho phép giãn nợ thêm 6 tháng nữa là tính tới thời điểm mà các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư cá nhân đã đi vào quỹ đạo ổn định", ông Hiển nói.

Đừng ỷ lại vào ngân hàng

Phân tích rõ hơn về nhận định trên, ông Hiển cho biết trong bối cảnh khó khăn chung mỗi doanh nghiệp cần cố gắng nỗ lực mà không thể chỉ ỷ lại vào ngân hàng vì nguồn lực của họ cũng có giới hạn.

Nếu các doanh nghiệp không nỗ lực, không có biện pháp quyết liệt nâng cao năng lực tài chính để sắp xếp trả nợ mà chỉ ỷ lại vào câu chuyện giãn nợ của NHNN, sẽ đến lúc bất ổn lên tới đỉnh điểm, khoản nợ lớn quá không thể thu hồi như "cục máu đông" gây tắc nghẽn lưu thông.

Chuyên gia Đinh Thế Hiển

Chẳng hạn như câu chuyện giảm lãi suất, NHTM chịu áp lực rất lớn bởi lãi suất huy động, dự phòng nợ xấu và nhiều yếu tố khác. Chắc chắn ngân hàng sẽ một phần mất vốn dù muốn hay không và phải tìm cách để bù đắp.

Do đó, yêu cầu ngân hàng phải giảm lãi suất là rất khó. Việc giảm lãi suất là do sự chủ động của các ngân hàng trong cơ chế cạnh tranh chứ không thể bắt buộc.

Cơ cấu nợ liệu đã đủ cho các doanh nghiệp? - Ảnh 5.

Việc yêu cầu ngân hàng phải giảm lãi suất là không nên. (Ảnh minh hoạ: Thanh niên).

Việc NHNN đã hỗ trợ, cho phép gia hạn thời gian cơ cấu nợ là đủ phù hợp, còn những chính sách giảm lãi, gói hỗ trợ với đối tượng nào là chuyện riêng của Chính phủ tuỳ theo các góc độ, chứ không phải của NHNN hay các ngân hàng thương mại.

"Ví dụ việc ưu tiên hay có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu trong giai đoạn khó khăn là quyết định của Chính phủ chứ không phải do NHNN. Thậm chí cũng rất hạn chế vì xét cho cùng đối tượng nào cũng cần hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn này," ông Hiển nói thêm.

Hơn nữa, cơ chế thị trường vốn đòi hỏi sự sàng lọc. Các doanh nghiệp không quản lý tài chính hiệu quả, không có sức chịu đựng thì phải "phá sản", cần hiểu phá sản ở đây là bình thường trong một nền kinh tế thị trường.

Tại các nước phát triển như Nhật Bản, trong một năm có khoảng 100.000 doanh nghiệp thành lập mới, 80% trong số đó bị phá sản là chuyện bình thường. Ngay sau đó, chủ doanh nghiệp phá sản có thể thành lập doanh nghiệp mới theo cách khác.

"Những cơ chế sàng lọc đó cần phải chấp nhận chứ không phải như chúng ta cứ đưa ra ý kiến phải cứu doanh nghiệp theo diện Nhà nước phải lo cho vốn rồi đủ thứ khác," ông Hiển bày tỏ.

Ngoài ra, ông cũng khẳng định nếu doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt, hướng phát triển phù hợp và ổn định thì ngân hàng sẽ rót tiền ra. Đó là cơ chế kinh doanh vốn của thị trường. Do vậy, không nên đòi hỏi NHNN phải "ra lệnh" cho ngân hàng giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp. Điều đó là không nên.

Phương Nga