Chuyển động thu hút vốn vào khu công nghiệp ở TP HCM, Hà Nội
Tăng trưởng FDI đăng ký và thực hiện trong những tháng đầu năm được đánh giá là yếu tố tích cực trong việc thu hút vốn vào các khu công nghiệp. Tại hai thành phố lớn là HCM và Hà Nội, các khu công nghiệp (KCN) ghi nhận hoạt động ổn định. Tuy nhiên, đội ngũ phân tích của Avison Young Việt Nam cho rằng phân khúc này cũng có nhiều thách thức và mỗi thị trường có thách thức riêng.
Nguyên nhân TP HCM giảm lợi thế cạnh tranh thu hút vốn vào KCN
Avison Young Việt Nam ghi nhận trong quý III, TP HCM không có khu công nghiệp mới được đưa vào hoạt động. Tổng nguồn cung hiện tại khoảng 5.000 ha đất tự nhiên. Tình trạng thiếu quỹ đất cho sản xuất công nghiệp đã kéo dài nhiều năm, điều này làm giảm lợi thế cạnh tranh của thành phố, đặc biệt trong các dự án công nghệ cao.
HEPZA đã đề xuất bổ sung 11 vị trí đất cho phát triển công nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, việc cho thuê gặp khó khăn do vấn đề pháp lý và quy hoạch, làm chậm quá trình thu hút đầu tư. TP HCM thu hút được gần 272 triệu USD vào các khu chế xuất, KCN trong 6 tháng đầu năm, tương đương 49,45% kế hoạch.
Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi 5 khu chế xuất và KCN gồm Tân Thuận, Hiệp Phước, Tân Bình, Cát Lái và Bình Chiểu, HEPZA đã làm việc với các tỉnh Tây Ninh, Long An và Bình Thuận để tìm quỹ đất di dời. Trong đó, KCN Phước Đông (Tây Ninh) dành 150 - 200 ha, Long An dự kiến dành 500 ha. TP HCM cũng quy hoạch 100 ha tại KCN Hiệp Phước (giai đoạn 3).
Việc chuyển đổi sẽ tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, logistics và khu công nghiệp sinh thái, mục tiêu hoàn thành vào năm 2025.
So với quý trước, giá thuê đất công nghiệp tiếp tục tăng 5% lên 240 USD/m2/kỳ hạn và tỷ lệ lấp đầy 90%. Nhu cầu thuê đất từ các ngành công nghệ cao, logistics và thương mại điện tử cao nhưng do chi phí và quỹ đất khan hiếm, nhiều doanh nghiệp đang chuyển hướng sang các tỉnh lân cận.
Chuyên gia Avison Young cho rằng quỹ đất khan hiếm và quy hoạch lỗi thời của nhiều KCN hoạt động lâu năm làm giảm lợi thế cạnh tranh của TP HCM. Dự báo giá thuê đất sẽ tăng nhẹ khoảng 2 - 4% trong quý cuối năm, đặc biệt ở các khu vực ngoài trung tâm.
Giá thuê đất công nghiệp tại Hà Nội khoảng 221 USD/m2
Trong quý III, Hà Nội vẫn chưa có thêm KCN mới. Thị trường đang có gần 2.000 ha đất công nghiệp, phân bổ tại 9 KCN và một khu công nghệ cao. Trong đó, các KCN của Hà Nội đã thu hút hơn 700 dự án đầu tư, chiếm 42,85% doanh nghiệp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 6,7 tỷ USD.
Tại huyện Phúc Thọ, UBND huyện cùng với T&T Group đã khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ - giai đoạn 1, với quy mô 41,7 ha và tổng mức đầu tư gần 780 tỷ đồng.
Tại Bắc Ninh, hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư trao biên bản ghi nhớ phát triển cho dự án sản xuất màn hình và linh kiện điện tử của Samsung Display Việt Nam tại KCN Yên Phong, với vốn đầu tư khoảng 1,8 tỷ USD.
Hội nghị cũng trao biên bản ghi nhớ cho 16 dự án khác, bao gồm Nhà máy FCPV Foxconn Bắc Ninh (383 triệu USD) và các dự án điều chỉnh vốn lớn như Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn (1,07 tỷ USD). Tổng vốn đầu tư đăng ký tại hội nghị đạt 5,5 tỷ USD.
Khác với TP HCM tập trung chuyển đổi để tối ưu sử dụng đất, Hà Nội đang tích cực tăng nguồn cung đất công nghiệp. Các thị trường cấp hai và cấp ba như Hưng Yên, Thái Nguyên, Hải Dương, Thái Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa cũng đẩy mạnh cấp phép phê duyệt KCN mới trong quý, mục tiêu tăng nguồn cung đất công nghiệp phía Bắc trong dài hạn.
Giá thuê đất trung bình các KCN tại Hà Nội ghi nhận đạt 221 USD/m2/kỳ hạn và tỷ lệ lấp đầy đạt 86%. Cơn bão số 3 vừa qua và mưa lớn sau bão đã gây ra tình trạng ngập úng cục bộ tại một số khu công nghiệp ở miền Bắc, bao gồm Sông Công I, Sông Công II, Yên Bình, Nam Phổ Yên và Điềm Thụy - Khu A.
"Tình trạng ngập úng này đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và giao thông trong các KCN, gây gián đoạn trong vận chuyển hàng hóa và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Việc ứng phó kịp thời để khắc phục tình trạng này là cần thiết để giảm thiểu thiệt hại và duy trì hoạt động ổn định của các khu công nghiệp", chuyên gia Avison Young đánh giá.
Theo ôngVũ Minh Chí, Quản lý cấp cao, Dịch vụ Công nghiệp tại Avison Young Việt Nam, tốc độ đầu tư phát triển các dự án KCN mới cần song hành với các phương pháp bền vững và hiệu quả năng lượng.
Ông nhận định "Việt Nam đang nỗ lực thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao và khả năng tiêu thụ năng lượng hiệu quả cũng như trách nhiệm đối với môi trường là các điều kiện then chốt để nhà đầu tư công nghệ cao cân nhắc thuê đất. Các chủ đầu tư bất động sản công nghiệp vì vậy cần tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở và đa dạng hóa dịch vụ để thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam hấp dẫn hơn và cạnh tranh hơn trong khu vực.”