|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Việt Nam thường tăng mạnh vào tháng 9, xu hướng có lặp lại năm nay?

07:54 | 02/09/2022
Chia sẻ
Thống kê dữ liệu lịch sử từ năm 2010 cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam thường tăng trong tháng 9. VN-Index tăng điểm vào tháng 9 trong 6 năm gần đây, liệu kịch bản này có lặp lại vào năm nay?

Thị trường chứng khoán Việt Nam thường tăng vào tháng 9 trong nhiều năm gần đây

Trước tiên cần nhấn mạnh rằng các thống kê lịch sử chỉ mang tính tham khảo về những gì đã diễn ra và mỗi giai đoạn thị trường đều có những đặc điểm nội tại khác nhau. Bởi vậy mà tính dự báo dựa trên các dữ liệu chỉ là một chỉ báo hay còn được gọi là hiệu ứng tháng như những gì nhà đầu tư biết về hiệu ứng tháng giêng, hiệu ứng tháng 5 (sell in May and go away).

Còn tại thị trường Việt Nam, thống kê trong giai đoạn 2010 – 2021, tỷ lệ tăng điểm của thị trường chứng khoán đang chiếm ưu thế.

 

 Biến động của VN-Index theo từng tháng giai đoạn 2010 - 2022. Nguồn: Thu Hà tổng hợp.

 

Cụ thể, VN-Index tăng điểm 8/12 năm trên giai đoạn với mức tăng bình quân là 0,79%. Mức tăng cao nhất được ghi nhận vào tháng 9/2013 (4,22%) trong khi cùng kỳ năm sau đó giảm tới 5,95%.

Đáng chú ý, trong 6 năm gần đây (2016 – 2021), VN-Index đều tăng điểm với mức tăng cao nhất là 2,79% năm 2018. Vào năm ngoái, chỉ số của sàn HOSE chỉ nhích nhẹ 0,8%.

 

 Biến động của VN30-Index theo từng tháng giai đoạn 2010 - 2022. Nguồn: Thu Hà tổng hợp. 

 

Còn với những mã vốn hóa lớn, VN30-Index tăng điểm trong 7/12 năm. Tỷ suất bình quân của tháng 9 là 0,78%. Tháng 9/2020 ghi nhận mức tăng cao nhất của chỉ số này với 4,2%, trong khi giảm mạnh nhất với tỷ lệ 4,81% vào tháng 9/2014.

Tương tự như VN-Index, HNX-Index có xu hướng tăng điểm trong 6 năm gần đây. Tỷ lệ tăng điểm trong năm trước là 1,76%.

Thống kê trên sàn HNX, chỉ số tăng điểm trên 8/12 năm giai đoạn 2010 – 2021 với tỷ lệ tăng bình quân là 0,88%. Tháng 9 của năm 2020 có tỷ lệ tăng cao nhất trong 12 năm, đạt 6,47% trong khi tỷ lệ giảm vào cùng kỳ năm 2012 lên đến 9,7%.

Khởi sắc hơn hai chỉ số trên, HNX-Index có chuỗi tăng liên tiếp trong 8 năm gần đây. Mức tăng của chỉ số năm ngoái đạt 4,24%.

 

 Biến động của HNX-Index theo từng tháng giai đoạn 2010 - 2022. Nguồn: Thu Hà tổng hợp. 

 

Những sự kiện, ngành nghề cần quan tâm trong tháng 9

Như vậy thống kê trên đã cho thấy rằng thị trường chứng khoán Việt Nam thường tăng điểm vào tháng 9 hàng năm. Tuy vậy, như đã đề cập đầu bài viết, diễn biến của thị trường còn phụ thuộc vào các yếu tố nội tại và xu hướng đang đi của chỉ số.

Ở thời điểm hiện tại, chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tháng 8 tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 11/2021. Đà tăng diễn ra sau khi thị trường giảm sâu trong quý II và cho tín hiệu tạo đáy ngắn hạn vào tháng 7.

Mặc dù hồi phục 6,15% trong tháng 8, VN-Index vẫn giảm 14,53% kể từ đầu năm. Mức giảm tương đương với VN30-Index 8 tháng đầu năm (15,25%). Tồi tệ hơn, HNX-Index mất đến 38,41% điểm số trong 8 tháng.

Tới đây câu hỏi được nhiều người quan tâm liệu thị trường có tiếp diễn đà hồi phục và những sự kiện nào nhà đầu tư cần quan tâm trong tháng 9.

Điểm lại những sự kiện diễn ra trong tháng 9, tháng này các quỹ ETF trên thị trường sẽ công bố kết quả cơ cấu danh mục và thực hiện giao dịch hoán đổi định kỳ quý III. Tuy nhiên, nếu so sánh quy mô của các ETF với thanh khoản hiện nay, sự tác động có thể nói rằng là không lớn.

Sự quan tâm của giới đầu tư có lẽ lớn hơn với các sự kiện vĩ mô như quyết định và mức độ nới “room” tín dụng tại các ngân hàng thương mại, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 3 quý đầu năm hay việc triển khai gói kích thích kinh tế, vốn đầu tư FDI.

 

Ngành hàng không được dự báo tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu tăng cao và mức nền thấp trong cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Thu Hà.

 

Về các doanh nghiệp, tháng 9 không còn là vùng trũng thông tin khi một số đơn vị sẽ công bố kết quả kinh doanh sơ bộ ba quý đầu năm vào tháng này. Trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng hạn hẹp, dự báo khó khăn được đưa ra với những lĩnh vực sử dụng vốn vay lớn, tiêu biểu là bất động sản.

Với nhóm chứng khoán, việc thị trường hồi phục trong quý III và gia tăng thanh khoản kỳ vọng ngành này sẽ có sự cải thiện đáng kể về kết quả kinh doanh so với tháng trước đó.

Tuy vậy, một số ngành nghề được dự báo khó khăn do tác động của chính sách Zero-COVID từ Trung Quốc. Việc đóng cửa các nhà máy, cắt điện do tình trạng hạn hán của quốc gia này có thể tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của Việt Nam do nhiều ngành sản xuất của Việt Nam có tỷ trọng nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc cao như dệt may, luyện kim, hóa chất, điện tử.

Tuy vậy, một số ngành nghề được dự báo tăng trưởng mạnh như du lịch, hàng không, bán lẻ thực phẩm và đồ uống khi nhu cầu tăng mạnh nhờ dịch bệnh được kiểm soát. Bên cạnh đó, việc giãn cách trong quý III năm ngoái tạo mức nền thấp nếu như so sánh với cùng kỳ.

Nói thêm, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa triển khai việc rút ngắn chu kỳ thanh toán xuống T+2. Điều này giúp nhà đầu tư phản ứng linh hoạt hơn với diễn biến của thị trường, góp phần tăng tính thanh khoản của thị trường chung.

Hoàng Linh - Thu Hà