|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chủ tịch DIC Corp (DIG): Các giải pháp gỡ vướng bất động sản đến nay vẫn rất chung chung, chưa có hiệu quả

14:58 | 28/06/2023
Chia sẻ
Ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIC Corp (DIG) cho rằng vướng pháp lý bất động sản là tình trạng chung của rất nhiều doanh nghiệp chứ không riêng DIC Corp. Chính phủ đã có nhiều hành động để tháo gỡ nhưng thực tế đến nay các giải pháp này vẫn rất chung chung, chưa có hiệu quả.

Ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch DIC Corp. (Ảnh: Nguyên Ngọc).

Tính đến 14 giờ 45 phút, ĐHĐCĐ thường niên 2023 lần 1 của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, Mã: DIG) chưa đủ điều kiện tiến hành. Ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIC Corp (DIG), xin cổ đông chờ thêm 1,5 tiếng, nếu vẫn không đủ tỷ lệ sẽ tuyên bố hủy đại hội lần 1. Trong thời gian chờ, Chủ tịch chia sẻ một số thông điệp đến cổ đông.

Ông Nguyễn Thiện Tuấn cho biết, sau giai đoạn chuyển biến và tăng trưởng đáng kể 2018-2021, kết quả kinh doanh năm 2022 của DIC Corp không hoàn thành kế hoạch khi đạt hơn 1.909 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 146 tỷ đồng lãi ròng, giảm 26% và 85% so với kết quả đạt được trong năm 2021. Theo đó, doanh nghiệp thực hiện được hơn 8% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trong đó, doanh thu từ các dự án đạt trên 1.134 tỷ đồng: Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên (427,73 tỷ); CSJ (369,15 tỷ); dự án Hiệp Phước (152,14 tỷ); Vũng Tàu Gateway (136,83 tỷ); DIC Phoenix (28,39 tỷ); Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước (13,17 tỷ); Khu trung tâm Chí Linh (6,77 tỷ).

(Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp; Đồ họa: Nguyên Ngọc).

Tình hình kinh doanh của DIC Corp không nằm ngoài vòng xoáy khó khăn chung trong năm qua: Các dự án có sản phẩm giao dịch chững lại, khách hàng khó khăn trong thanh toán dẫn đến việc bàn giao mặt bằng, căn hộ chậm hơn so với kế hoạch,…

Nói thêm về nguyên nhân kết quả kinh doanh không đạt được như kỳ vọng, Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn cho biết việc thanh kiểm tra của Nhà nước diễn ra trên diện rộng, không xử lý hồ sơ của doanh nghiệp nên DIC Corp không thể hoàn thành các thủ tục pháp lý, các dự án theo đó không thể triển khai công tác bán hàng để hạch toán lợi nhuận.

Các dự án có doanh thu, thu nhập khác, lợi nhuận chiếm tỷ trọng lớn trong năm như Khu nhà ở Lam Hạ Center Point, Khu dân cư thương mại Vị Thanh, khu 31 ha Đại Phước bị vướng mắc các thủ tục pháp lý nên chưa chuyển nhượng được, chưa hạch toán doanh thu, dẫn đến kết quả kinh doanh thấp. Riêng doanh thu Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên thực hiện được 50,9% kế hoạch.

“Đây là tình trạng chung của rất nhiều doanh nghiệp chứ không riêng DIC Corp. Do đó, Chính phủ đã phải thành lập Tổ công tác và đề ra nhiều biện pháp tháo gỡ cho các doanh nghiệp bất động sản.

Tuy nhiên, thực tế đến nay các giải pháp vẫn rất chung chung, chưa có hiệu quả. Bên cạnh đó, việc thắt chặt các chính sách của Nhà nước cũng làm ảnh hưởng rất nhiều đến dòng tiền của các nhà đầu tư, khách hàng, theo đó thị trường bất động sản có nguy cơ đóng băng”, Chủ tịch DIC Corp nói.

Vào giữa tháng 2, DIC Corp đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đề xuất 10 kiến nghị tháo gỡ vướng mắc cho các dự án của DIC Corp nói riêng và thị trường bất động sản nói chung. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các địa phương đã làm việc, đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Trong giai đoạn 2024-2025, nếu tình hình thị trường khả quan hơn và các vướng mắc được tháo gỡ, DIC Corp dự kiến có nguồn thu từ các dự án: Khu dân cư thương mại Vị Thanh – Hậu Giang (1.000 tỷ đồng), Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc giai đoạn 1 (hơn 1.000 tỷ đồng), Khu nhà ở Lam Hạ Center Point - Hà Nam (hơn 1.000 tỷ đồng), dự án điểm du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Hồ Ba Hang (250 tỷ đồng),…

Vốn huy động trong năm 2022 bằng 0

Biến động giá cổ phiếu DIG. (Nguồn: Wichart).

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, các cổ đông DIC Corp đã thông qua phương án phát hành 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 30.000 đồng/cp. Vốn huy động 3.000 tỷ phục vụ đầu tư dự án Khu đô thị du lịch Long Tân – Đồng Nai.

Tuy nhiên, do biến động giá cổ phiếu trên thị trường, công ty đã điều chỉnh giá phát hành về 15.000 đồng/cp. Đến cuối tháng 4 vừa qua, HĐQT đã công bố thông tin bất thường dừng triển khai phương án phát hành này.

DIC Corp cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ hoặc phát hành ra công chúng tối đa 2.500 tỷ đồng hoặc 100 triệu USD trái phiếu trong năm 2022. HĐQT cho biết trong bối cảnh thị trường vốn có nhiều khó khăn, ban lãnh đạo DIC Corp đã quyết định dừng phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Kế hoạch huy động gần 1.694 tỷ đồng cho 4 dự án trong năm 2022 cũng chưa hoàn thành do các dự án chưa hoàn thành thủ tục pháp lý. Trong đó, hồ sơ cho các dự án Khu phức hợp Cap Saint Jacques (424 tỷ), Khách sạn và hội nghị DIC Star Vị Thanh (290 tỷ), Chung cư DIC Emera (550 tỷ) vẫn đang được xem xét. Còn số vốn 430 tỷ cho dự án nhà ở xã hội thuộc Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên chưa thu xếp được do chờ điều chỉnh quy hoạch toàn dự án.

Bên cạnh việc không huy động vốn, DIC Corp đã mua lại 1.600 tỷ đồng trái phiếu trong năm qua. Ngày 31/3/2023, công ty đã tiếp tục mua lại trước hạn thêm 1.000 tỷ đồng trái phiếu. Dư nợ trái phiếu đến nay còn 900 tỷ đồng.

Nguyên Ngọc

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.