|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Canh bạc của Gojek tại Việt Nam

13:32 | 11/09/2024
Chia sẻ
Thời kỳ đầu của gọi xe công nghệ Đông Nam Á là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa Gojek và Grab tại “chiến địa” Việt Nam.

Cuối cùng thì khoảnh khắc ấy cũng đã đến. Sự kết thúc của kỷ nguyên đầu tiên giữa Grab và Gojek, tờ Asia Tech Review viết. Cả hai công ty đều IPO từ nhiều năm trước. Grab lên sàn chứng khoán Mỹ vào năm 2021 và Gojek cũng chào sàn chứng khoán Indonesia một năm sau đó. Gojek thậm chí còn trải qua thương vụ sáp nhập lớn với kỳ lân Tokopedia ngay trước khi IPO.

Ngày 4/9 đã đánh dấu sự kết thúc cho kỷ nguyên giai đoạn đầu của cuộc cạnh tranh giữa Grab và Gojek sau khi kỳ lân công nghệ Indonesia tuyên bố rời thị trường Việt Nam. Bài học kinh nghiệm của Gojek tại Việt Nam là minh chứng cho tất cả cuộc cạnh tranh đó.

Kỳ nguyên đầu tiên của gọi xe công nghệ Đông Nam Á là cuộc cạnh tranh giữa Grab và Gojek. (Ảnh: Nikkei).

Thoạt nhìn, Việt Nam có vẻ là lựa chọn hợp lý để mở rộng tại Đông Nam Á. Với dân số 100 triệu người, một nửa trong số đó dưới 30 tuổi, Việt Nam đã trở thành thị trường mở rộng đầu tiên của Gojek vào tháng 8/2018, khi công ty Indonesia này tìm cách lấp đầy khoảng trống mà Uber để lại và tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Việt Nam là bước đầu tiên trong kế hoạch mở rộng bao gồm Singapore, Thái Lan và Philippines của Gojek. Trong số đó, giờ chỉ còn lại thị trường Singapore.

Sự mở rộng này đã bị cản trở, hoặc thậm chí là thất bại.

Tháng 7/2021, AirAsia đã mua lại GET - hoạt động kinh doanh của Gojek tại Thái Lan, với giá chỉ 50 triệu USD. Trong khi đó, Gojek chưa bao giờ ra mắt dịch vụ gọi xe tại Philippines sau khi không xin được giấy phép.

Coins.ph, công ty khởi nghiệp fintech mà Gojek mua lại tại Philippines với giá gần 100 triệu USD vào năm 2019, chưa bao giờ được tích hợp vào Gojek. Sản phẩm của nó trì trệ và cuối cùng đã được bán cho một công ty do cựu CFO của Binance điều hành chỉ hai năm sau đó.

Việt Nam có lẽ cũng có thể được thêm vào danh sách này.

Tại sao Gojek chọn Việt Nam?

Ban đầu, các số liệu thị phần cho thấy Gojek đang cạnh tranh quyết liệt với Grab, mặc dù gia nhập thị trường Việt Nam muộn hơn 4 năm. Tuy nhiên, nhân viên Grab thường phản bác bằng cách cho rằng Gojek đã sử dụng các chương trình khuyến mãi để tăng số liệu. Và thực tế là dữ liệu thị phần thường không đáng tin cậy.

Các ước tính khác nhau, nhưng Gojek Việt Nam (trước đây là GoViet) được cho là đứng thứ 4 trên thị trường với thị phần chỉ một con số. Gojek xếp sau Grab và các tân binh mới trong nước như Xanh SM - dịch vụ taxi điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - và Be Group. GoTo - tập đoàn mẹ của Gojek, cũng thừa nhận thị trường Việt Nam đóng góp chưa đến 1% tổng số giao dịch.

Điều này đặt ra câu hỏi, tại sao họ lại vào thị trường này ngay từ đầu?

Bối cảnh năm 2018 rất khác. Khi đó, Gojek đang trong cuộc chiến huy động vốn với Grab, và câu chuyện của họ đã chuyển từ thống trị Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á - sang mở rộng ra nước ngoài và lấp đầy khoảng trống mà Uber để lại.

Việt Nam trở thành cách để Gojek gây sức ép lên Grab. Tăng khuyến mãi và giảm giá để tăng thị phần, buộc Grab phải có những động thái tương tự, và có thể ghi điểm với người dùng.

Họ không có thị phần ở Thái Lan và cũng không hiện diện ở Philippines, vì vậy Việt Nam trở thành mũi tấn công buộc Grab phải tập trung nhiều hơn vào các thị trường bên ngoài Indonesia - thị trường mà Gojek thống trị và CEO của Grab, Anthony Tan, rất muốn chiếm lĩnh.

Về mặt đầu tư, chiến lược này dường như đã có kết quả. Lời hứa về việc mở rộng khu vực đã giúp Gojek trở thành kỳ lân vào năm 2016 và sau đó huy động được 2 tỷ USD với mức định giá 9,5 tỷ USD vào năm 2019. Họ thậm chí còn có vốn để ra mắt bộ phận giải trí riêng, hiện đã độc lập, cũng như một công ty đầu tư, hiện đã đổi thương hiệu.

Thời điểm đó, các giám đốc điều hành của Gojek tin rằng việc mở rộng sang các thị trường vốn đã bị Grab thống trị vẫn đáng giá nếu nó giúp định vị Gojek là một công ty đa quốc gia và thu hút thêm đầu tư, thay vì chỉ giới hạn ở một thị trường duy nhất.

Vì vậy, mặc dù nhân viên của Gojek, và thậm chí cả nhân viên của Grab, có thể không tin tưởng nhiều rằng Gojek có thể thiết lập sự hiện diện đáng kể ở nước ngoài, ngay cả ở Việt Nam, công ty vẫn theo đuổi việc mở rộng của mình - và nó có thể đã phục vụ một mục đích quan trọng.

Cắt máu để có lãi

Tua nhanh đến thời điểm hiện tại, tình hình đã hoàn toàn khác.

Là một công ty niêm yết, Gojek đã từ bỏ những mảng kinh doanh kém hiệu quả, giống như một con tàu vũ trụ tháo dỡ các tên lửa đẩy nặng nề sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ đưa nó vào không gian.

Tokopedia, mảng thương mại điện tử thua lỗ và trì trệ, đã được bán cho TikTok vào cuối năm ngoái trong một thương vụ trị giá hàng tỷ đô trong một thời điểm hoàn hảo. Kể từ đó, GoTo đã tập trung vào cắt giảm chi phí để tìm kiếm con đường sinh lời. Đối thủ cũ của họ, Grab, cũng đang trên cùng một con đường. Trong khi cả hai công ty đều ăn mừng sự tăng trưởng bằng các thuật ngữ như "EBITDA dương đã điều chỉnh", thì lợi nhuận thực sự vẫn còn xa vời đối với GoTo.

Chắc chắn, vẫn có những cuộc thảo luận về một thương vụ sáp nhập tiềm năng - và ý tưởng Uber quay trở lại Đông Nam Á không phải là không thể, đặc biệt khi họ đã có lãi và vẫn sở hữu một phần của Grab.

Những trò chơi cạnh tranh giữa hai bên đã kết thúc với việc Gojek rút khỏi Việt Nam. Điều gì sẽ xảy ra trong kỷ nguyên mới này, chỉ có thời gian mới trả lời được.

Đức Huy

Nhận định thị trường chứng khoán 2/12: Kiểm tra cung cầu quanh 1.250 – 1.265 điểm
Theo dự báo của công ty chứng khoán, nhà đầu tư có thể khai thác cơ hội ngắn hạn tại một số cổ phiếu có diễn biến dần khởi sắc từ vùng hỗ trợ. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần quản trị danh mục hợp lý, tránh rơi vào trạng thái quá mua, có thể cân nhắc diễn biến hồi phục để chốt lời ngắn hạn.