Bamboo Capital lấn sân mảng tài chính: Bước đi mới hay sự trở lại đầy tham vọng?
CTCP Bamboo Capital (Mã: BCG) được biết đến với hai mảng nổi trội là năng lượng tái tạo và bất động sản, ngoài ra còn có mảng sản xuất và xây dựng.
Tuy nhiên thời gian gần đây, BCG nổi lên với vai trò là "tay chơi mới" trong mảng tài chính khi lần lượt thâu tóm các công ty Bảo hiểm AAA, Công ty Chứng khoán Thủ Đô (CASC),... Cả năm 2021, mảng tài chính đem về BCG số tiền gần 2.300 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với năm 2020. Bên cạnh đó, trong quý IV, công ty lần đầu ghi nhận 18 tỷ đồng từ hoạt động bảo hiểm.
Trong diễn biến mới đây nhất, BCG đã đưa người tham gia vào HĐQT của Ngân hàng Eximbank, nơi mà ông Phạm Minh Tuấn, lãnh đạo BCG mong muốn sẽ góp sức để giúp ngân hàng sớm ổn định trở lại trong bối cảnh thị trường tài chính đang phát triển rộng mở.
Những bước đi trên là bệ phóng, bổ sung cho tham vọng định hình dịch vụ tài chính sẽ là mảng kinh doanh cốt lõi, hoàn thiện mảng ghép thứ 5 trong hệ sinh thái của tập đoàn.
Thực tế, năng lượng tái tạo và bất động sản là hai ngành thâm dụng vốn, buộc BCG lấn sân sang tài chính để phần nào dễ dàng trong việc huy động tiền của, bên cạnh tận dụng cơ hội thị trường để kiếm lời. Và M&A là vũ khí chính của tập đoàn để thâm nhập vào thị trường mới này.
Cần nhắc lại là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) BCG là ông Nguyễn Hồ Nam từng trải qua nhiều vị trí cấp cao trong lĩnh vực ngân hàng.
Trước khi thành lập BCG, ông Nam là sáng lập đồng thời là Chủ tịch CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - SBS). Bên cạnh đó ông còn là Phó Tổng Giám đốc của Ngân hàng Sacombank, nơi ông chịu trách nhiệm về mảng thẩm định tín dụng. Trước đó ông còn phụ trách mảng tài chính doanh nghiệp tại Tập đoàn Unilever.
Cùng với ông Nam còn có ông Nguyễn Thế Tài và ông Nguyễn Thanh Hùng, những cựu lãnh đạo tại SBS.
Đặc biệt, ông Phạm Minh Tuấn - người thường xuất hiện trên truyền thông từng là chuyên gia tài chính cấp cao của công ty môi giới chứng khoán tại Canada là BMO Nesbitt Burns Wealth Management. Ông Tuấn cũng từng làm Phó Chủ tịch chuyên phụ trách báo cáo tài chính tại Ngân hàng Citibank Canada.
Như vậy có thể nói, BCG không phải "chân ướt chân ráo" bước vào mảng ngân hàng, bảo hiểm mà chính là sự tái xuất.
Tuy nhiên, lãnh đạo BCG cũng nhiều lần nhấn mạnh mảng năng lượng tái tạo sẽ là hoạt động cốt lõi của tập đoàn để trở thành công ty hàng đầu về mảng năng lượng xanh. Việc tham gia vào thị trường tài chính nhằm tận dụng cơ hội thời thế.
Cũng chính vì thế mà năm 2022, ban lãnh đạo BCG cũng hé lộ kế hoạch kinh doanh cực kỳ tham vọng, dựa trên nền tảng cao của năm 2021.
Ngoài mục tiêu nâng vốn lên 10.000 tỷ đồng tới cuối năm nay, ban lãnh đạo còn thông tin BCG đang tìm hiểu các cơ hội trong lĩnh vực mới là hydrogen và lĩnh vực năng lượng của Siemens Gamesa Renewable Energy để phát triển các dự án.
Song song đó BCG đang tìm hiểu các dự án về lưu trữ tích điện (energy savings). Đây là một trong các mục tiêu của BCG Energry đang hướng tới. Trong năm 2022, công ty dự định bắt đầu thực hiện dự án hydrogen.
Bamboo Capital lộ diện tại Eximbank
Nếu như những lần trước chỉ là mua cổ phần của các ngân hàng hay công ty bảo hiểm, thì lần này BCG đã quyết định tham gia sâu hơn vào đội ngũ lãnh đạo của Eximbank.
Tại sự kiện công bố HĐQT nhiệm kỳ mới của Eximbank diễn ra cách đây không lâu, ngoại trừ bà Lương Thị Cẩm Tú là thành viên HĐQT đương nhiệm duy nhất thì 6 người mới còn lại được đề cử vào HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025 đều là các gương mặt mới, chưa từng xuất hiện tại ngân hàng này trước đây.
Trong đó có ông Nguyễn Thanh Hùng (sinh năm 1978), Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc BCG được đề cử bởi nhóm cổ đông bao gồm ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lê Thị Mai Loan, CTCP Thắng Phương, CTCP Đầu tư và Dịch vụ Helios.
Mặt khác, Helios chính là "đứa con" của các cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Hồ Nam và BCG với tên cũ là CTCP Dịch vụ Hợp Điểm vào năm 2012 với vốn điều lệ 6 tỷ.
Sau khi các cổ đông sáng lập thoái vốn thì đến tháng 7/2021, Helios góp mặt vào cổ đông lớn của BCG với tỷ lệ sở hữu là 10,36%, sau đó đến tháng 1 mới đây thì giảm tỷ lệ xuống 6,92% vốn điều lệ qua việc thực hiện quyền mua cho đợt phát hành 2:1 của tập đoàn. Ngoài ra, Helios còn nhiều mối liên hệ với BCG thể hiện qua các khoản phải thu, phải trả của tập đoàn này, dựa trên báo cáo tài chính công bố.
Nói thêm về Helios, theo bản công bố thông tin tháng 6/2021, vốn điều lệ của Helios đạt 2.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.
Song trong đợt phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu diễn ra tháng 9 năm ngoái, lô trái phiếu được đảm bằng bằng 134 triệu cổ phần Helios thuộc sở hữu của các cổ đông gồm 95 triệu cổ phần của bà Phạm Thị Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc công ty; hơn 21 triệu cổ phần của bà Hồ Thị Thuỳ Dung; gần 18 triệu cổ phần của bà Trần Thị Kiều Tiên và 252.000 cổ phần của ông Nguyễn Thanh Hùng - nhân vật liên quan vừa được vào ban lãnh đạo Eximbank.
Ngoài ra, Helios còn gây chú ý khi với vốn điều lệ ít ỏi nhưng vay trái phiếu lên tới 3.000 tỷ đồng vào giữa năm ngoái, được bảo đảm bằng cổ phần thuộc sở hữu của các cổ đông tại Miền Đất Hoàng Thịnh Phát - chủ đầu tư dự án khu nhà ở có diện tích 8,25 ha tại phường Cát Lái, quận 2, TP HCM. Trong đó, BCG Land - thành viên của BCG là tổ chức cam kết bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang cho toàn bộ các nghĩa vụ thanh toán của Helios liên quan đến số trái phiếu này.
Hiện chưa rõ Helios tham gia Eximbank từ khi nào nhưng với sự xuất hiện chính thức của BCG với vai trò quản trị trong ngân hàng này đã đánh dấu một bước đi "rõ ràng" hơn trong việc định hình mảng tài chính là hoạt động chính của tập đoàn.