|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bài 2: Bên trong PDD, thế lực thương mại điện tử mới nổi ở Trung Quốc: Văn hoá làm việc đến kiệt sức

07:14 | 22/12/2023
Chia sẻ
Trong khi hầu hết các đối thủ cho phép lịch làm việc linh hoạt (dù một số vẫn có tăng ca), PDD áp dụng hệ thống chấm công khắt khe. Nhiều nhân viên hiện tại kể cho Nikkei rằng họ phải làm việc 6 ngày/tuần, 12 tiếng/ngày, và đến muộn một phút sẽ bị trừ lương một giờ.

Việc giữ giá thấp và sự hài lòng của khách hàng đòi hỏi PDD phải trả giá. Ngay cả theo tiêu chuẩn của giới công nghệ Trung Quốc vốn nổi tiếng khắt khe, làm việc tại PDD có thể rất áp lực.

Nhiều cựu nhân viên và giám đốc điều hành hiện tại và trước đây đã chia sẻ với Nikkei kinh nghiệm làm việc tại công ty. 

Một nhân viên Temu mới được tuyển dụng gần đây cho biết: "Nếu bạn không ngại thức đêm, bạn có thể tham gia. Ngược lại, tôi không khuyên bạn”.

Tại PDD, tất cả nhân viên đều sử dụng bí danh, mỗi đội làm việc độc lập và không biết cấu trúc tổ chức của các đội khác, theo nguồn tin của Nikkei. 

Công ty còn chủ động hạn chế giao tiếp giữa nhân viên, thậm chí giải tán các nhóm chat trên WeChat giữa đồng nghiệp.

Trong khi hầu hết các đối thủ cho phép lịch làm việc linh hoạt (dù một số vẫn có tăng ca), PDD áp dụng hệ thống chấm công khắt khe. Nhiều nhân viên hiện tại kể cho Nikkei rằng họ phải làm việc 6 ngày/tuần, 12 tiếng/ngày, và đến muộn một phút sẽ bị trừ lương một giờ.

Nhân viên tại trụ sở Pinduoduo ở Thượng Hải, Trung Quốc. Nhiều nhân viên nói với Nikkei Asia rằng công ty nuôi dưỡng một nền văn hóa làm việc độc hại, với thời gian làm việc dài và các quy định nghiêm ngặt về đúng giờ. (Ảnh: Reuters).

Công ty PDD tìm kiếm những người có động lực kiếm tiền mãnh liệt, tin rằng họ sẽ làm việc chăm chỉ và tuân thủ hơn. Theo một nhân viên hiện tại, trong quá trình phỏng vấn tuyển dụng, công ty thường hỏi những câu cá nhân, bao gồm cả tình trạng hôn nhân, quê quán của gia đình và việc họ có phải trả tiền vay thế chấp hay không.

"Mục đích của những câu hỏi này là để sàng lọc những người khao khát kiếm tiền và sẵn sàng cống hiến toàn bộ thời gian cho công ty”, nhân viên giấu tên cho biết, đồng thời tiết lộ bản thân họ cũng từng bị hỏi những câu như vậy.

Không giống như Alibaba và JD, vốn mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như logistics, tài chính và trí tuệ nhân tạo, PDD vẫn tập trung chủ yếu vào thương mại điện tử. 

Quy mô nhân sự của PDD nhỏ hơn đáng kể so với Alibaba và JD, cho phép họ ra quyết định và triển khai linh hoạt hơn.

Tuy nhiên, lo ngại về văn hóa làm việc của PDD suýt đẩy công ty vào khủng hoảng vào cuối năm 2020, khi một nhân viên 22 tuổi của Pinduoduo qua đời sau khi làm việc quá giờ. Theo công ty, cô gái trẻ "bỗng nhiên co thắt bụng và ngất xỉu khi đi bộ về nhà" lúc 1:30 sáng, và qua đời sau khi được đưa đến bệnh viện.

Sau sự việc, tài khoản chính thức của Pinduoduo đã đăng một bình luận trên Zhihu, một diễn đàn trò chuyện của Trung Quốc, nói rằng "đây là thời đại mà con người đánh đổi mạng sống để thành công". 

Bài đăng đã gây ra phản ứng dữ dội trên mạng xã hội. Ban đầu, Pinduoduo phủ nhận bình luận này xuất phát từ tài khoản chính thức của họ nhưng sau đó thừa nhận nó được thực hiện bởi một cá nhân và không phản ánh quan điểm chính thức của công ty.

 Các nhân viên tại sảnh trụ sở chính của Pinduoduo ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: AP).

Một phát ngôn viên của PDD cho biết nói rằng cáo buộc "nhân viên phải làm việc quá nhiều giờ" là "bị cường điệu" và nhấn mạnh rằng doanh nghiệp có chế độ làm việc ít hơn tám tiếng một ngày.

Các đối thủ cạnh tranh đã chú ý đến cách thức hoạt động của PDD. Một giám đốc điều hành của JD cho biết trong các cuộc họp nội bộ, thỉnh thoảng các đồng nghiệp sẽ nói: ”Đây là những gì PDD đang làm, chúng ta có nên làm theo không?”.

PDD cũng bị các chuyên gia an ninh mạng cáo buộc sử dụng phần mềm độc hại để theo dõi người dùng. Theo Google, PDD vẫn bị đình chỉ khỏi cửa hàng ứng dụng Google Play sau khi các phiên bản của ứng dụng này được cung cấp bên ngoài cửa hàng được phát hiện chứa phần mềm độc hại vào tháng 3.

Mặc dù vậy, PDD vẫn tin tưởng rằng họ đã tìm ra một công thức chiến thắng.

Trong khi Pinduoduo cung cấp các sản phẩm giá rẻ cho khách hàng, Alibaba và JD lại đặt cược vào xu hướng "nâng cấp tiêu dùng” - người tiêu dùng Trung Quốc trong thập kỷ qua đã chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ và hàng hóa chất lượng cao. 

Alibaba ưu tiên Tmall, nền tảng bán lẻ trực tuyến doanh nghiệp đến người tiêu dùng chuyên cung cấp hàng hóa chất lượng, trong khi JD thu hút khách hàng chủ yếu nhờ dịch vụ logistics cao cấp.

 

Việc Alibaba ưu tiên Tmall bắt nguồn từ mô hình kinh doanh cốt lõi của họ, bởi một phần lớn doanh thu của Alibaba đến từ hoa hồng thu được từ các nhà bán hàng trên Tmall. Tiền hoa hồng này đóng vai trò nguồn tài chính chính cho các mảng kinh doanh thua lỗ khác của Alibaba.

Pinduoduo dường như có cách hiểu khác về xu hướng này.

"Nâng cấp tiêu dùng không phải để người dân Thượng Hải sống như người Paris mà là cung cấp giấy ăn và trái cây ngon cho người dân An Khánh (một thành phố nhỏ ở miền đông Trung Quốc - pv),” Huang nói trong cuộc phỏng vấn với Caijing.

Một giám đốc điều hành cấp cao của Alibaba cho biết vào cuối năm 2018, Alibaba đã nhận ra Pinduoduo có thể trở thành đối thủ đáng gờm trong tương lai, nhưng họ lại do dự không muốn có động thái lớn nào để ngăn chặn kẻ mới nổi này.

“Trọng tâm của Alibaba là bán hàng và quảng cáo, chủ yếu thông qua Tmall”, một giám đốc điều hành của PDD nói với Nikkei. 

"Để bắt chước hoàn toàn mô hình của chúng tôi, họ sẽ phải thay đổi chiến lược bằng cách ưu tiên các nhà bán hàng nhỏ trên Taobao. Tuy nhiên, thay đổi này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu và giá cổ phiếu của họ, điều này sẽ tự hủy hoại”, người này nói thêm.

Người sáng lập Alibaba Jack Ma. (Ảnh: Tư liệu của Reuters).

Alibaba và JD đã tung ra các nền tảng thương mại điện tử giá rẻ của riêng họ, Taote và Jingxi, vào khoảng năm 2020 để đáp trả thách thức từ Pinduoduo, nhưng đã quá muộn và cả hai đều thất bại.

Giám đốc điều hành giấu tên của Alibaba, cho biết: "Bạn không thể đổ lỗi cho Alibaba vì đã đặt cược vào xu hướng nâng cấp tiêu dùng từ năm 2018 hoặc 2019 vì cổ phiếu của chúng tôi đang tăng và Bắc Kinh khuyến khích xu hướng này. Và dĩ nhiên, không ai có quả cầu pha lê để tiên đoán đại dịch sắp đến”.

Ba năm phong tỏa nghiêm ngặt COVID đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc, khiến hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ phải phá sản. Trong thời gian này, Tencent và Alibaba lần đầu tiên ghi nhận doanh thu giảm kể từ khi lên sàn.

Sau đó, các quy định siết chặt ngành công nghệ kéo dài hai năm của Bắc Kinh bắt đầu vào cuối năm 2020, chặn đứng đợt IPO của Ant Group, công ty fintech của Alibaba trong năm đó và khiến tập đoàn "do dự và thận trọng hơn trong việc theo đuổi những nỗ lực trong tương lai", giám đốc điều hành của Alibaba nói thêm.

Đức Huy (theo Nikkei Asia)

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.