Ba ga ngầm Metro Bến Thành - Suối Tiên trước ngày đón khách
Ngày 28/11, ga Bến Thành khang trang sau 7 năm thi công. Ga dài 236 m, rộng 60 m, sâu khoảng 32 m, gồm 4 tầng ngầm. Các tầng của ga có màu trắng chủ đạo, với 174 trụ bêtông ốp nhôm. Hệ thống đèn chiếu sáng, máy bán vé, biển báo, chỉ dẫn, đèn tín hiệu các hướng, tuyến metro... được lắp đặt.
Đây là ga trung tâm của Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), có quy mô và diện tích lớn nhất trong 14 nhà ga. Theo quy hoạch, ga Bến Thành sẽ là điểm kết nối các tuyến Metro số 1, 2, 4, 3a.
Metro số 1 hoàn thành 100% khối lượng thi công, đang làm các thủ tục để đưa vào khai thác dự tính ngày 22/12.
Tầng đầu tiên có diện tích khoảng 45.000 m2. Ngoài chức năng sảnh chờ, bán vé, khu vực này tích hợp với trung tâm thương mại rộng 18.100 m2, hành lang và quảng trường ngầm rộng 21.500 m2.
Ở tầng này có giếng trời cao 6 m, đường kính 21,6 m, thiết kế hình hoa sen. Giếng là điểm nhấn của ga Bến Thành, có chức năng cung cấp ánh sáng cho các tầng hầm. Nơi này còn tạo không gian mở, giúp khách đi metro nhìn qua chợ Bến Thành.
Khu vực sảnh của tầng đầu tiên lắp 18 máy bán vé tự động. Khách đi có thể chọn các loại vé, gồm theo lượt, một ngày, ba ngày và theo tháng. Khách mua vé lượt dùng tiền mặt trả 7.000 đồng đến 20.000 đồng, tùy quãng đường; vé 6.000-19.000 đồng nếu thanh toán không tiền mặt.
Đối với vé tháng, mức giá áp dụng 300.000 đồng mỗi khách; học sinh, sinh viên giảm một nửa. Ngoài các loại vé trên, khách có thể mua vé một ngày hoặc ba ngày, lần lượt 40.000 đồng và 90.000 đồng. Các loại vé này không giới hạn lượt đi. Người khuyết tật, cao tuổi... được miễn vé.
Khu soát vé có hai lối vào chia thành 16 luồng, trong đó có 4 luồng rộng hơn dành cho người khuyết tật. Khách muốn qua cổng phải quẹt vé tại cổng soát vé rồi tiếp tục thao tác tương tự ở cổng ra.
Cạnh đó là phòng bán vé thủ công, giám sát an ninh, làm việc của nhân viên nhà ga. Các bảng chỉ dẫn, biển báo thông tin về những chuyến tàu, đồng hồ điện tử đã hoàn thiện.
Sau khu soát vé là thang bộ và thang cuốn dẫn xuống các tầng dưới. Toàn nhà ga có đủ thang máy, bộ và cuốn cho khách, lắp đặt xong.
Khu vực lối vào tàu cho khách ở tầng hai. Tại đây đã lắp đủ các biển chỉ dẫn hướng tuyến, đèn tín hiệu, camera an ninh, ghế chờ. Các cửa ra vào để đón trả khách phần lớn đang được bọc kín.
Tầng này cũng là nơi tàu dừng, đỗ để đón trả khách. Hai đoạn ray chạy song song giữa ga Bến Thành và Nhà hát Thành phố, mỗi bên dài 660 m, khổ rộng hơn 1,4 m. Trên tường ngoài gắn bảng chỉ dẫn hướng tuyến tàu chạy còn có các ô để lắp biển quảng cáo. Trong ảnh là tàu chạy thử toàn tuyến, xuất phát từ ga Bến Thành, hồi tháng 8/2023.
Hai tầng còn lại dành cho tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) và những tuyến tiếp theo đang khóa cửa.
Cách đó khoảng 400 m là ga Nhà hát Thành phố đã xong sau 10 năm thi công. Công trình gồm 4 tầng, sâu 36 m, với các hạng mục tương tự như các ga ngầm khác.
Tầng đầu tiên dài 190 m, rộng 26 m với diện tích gần 5.000 m2; đã thi công xong với tông màu trắng chủ đạo. Điểm nhấn của tầng này là một phần trần có lắp đặt các hoa văn bằng sắt màu nâu, mô phỏng lại phong cách kiến trúc của Nhà hát thành phố.
Sau 10 năm triển khai, ga ngầm Ba Son với hai tầng, dài 240 m, rộng hơn 34 m, sâu 20 m, có quy mô nhỏ nhất. Tầng một rộng hơn 8.000 m2, với các hạng mục phục vụ vận hành metro như các ga ngầm khác. Điểm nhấn tầng này và cả nhà ga là phần trần ốp hoa văn bằng thép màu trắng, tạo hình sóng lượn.
Khu soát vé cả ga ngầm Nhà hát Thành phố và Ba Son tương tự nhau, lần lượt có 6 và 4 luồng. Phía sau khu soát vé là sảnh chờ và lối đi xuống nơi điểm chờ tàu.
Khu vực lối vào tàu cho khách tại ga ngầm Nhà hát Thành phố và Ba Son dưới tầng hai. Tầng 3 của ga Nhà hát Thành phố là khu vực nghỉ ngơi của nhân viên, đặt thiết bị điện, hệ thống thông gió, hệ thống bơm nước thải, trung tâm kiểm soát thảm họa và sân ga ở tầng cuối.
Hiện ga Nhà hát Thành phố có 27 nhân viên vận hành, ga Bến Thành và Ba Son lần lượt có 23 và 24 người.
Đường ray dẫn vào nơi tàu dừng, đỗ để đón và trả khách ở tầng hai của ga Nhà hát Thành phố và Ba Son. Các đoạn hầm thi công bằng công nghệ khiên đào, gồm hai ống hầm dài 2,6 km kết nối với ba ga ngầm khác cùng đoạn chạy trên cao.
Một lối ra vào của ga ngầm Ba Son gần sông Sài Gòn và cầu Ba Son. Các ga ngầm khác cũng được thiết kế nhiều lối lên xuống nằm quanh nhà hát Thành phố và chợ Bến Thành.
Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP HCM, tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km, từ Bến Thành, quận 1 đến depot Long Bình, Thủ Đức. Ngoài ba ga ngầm còn 11 ga trên cao gồm: Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu công nghệ cao, Suối Tiên, Bến xe Miền Đông mới.
Lộ trình Metro số 1 qua 14 ga. Đồ họa: Khánh Hoàng