'Át chủ bài' Tổ hợp xút chất dẻo Nghi Sơn của Hóa chất Đức Giang
CTCP Tập đoàn Hóa Chất Đức Giang (Mã: DGC) hiện tại đang tập trung vào các mảng hoá chất, sản phẩm phốt pho vàng, axit photphoric (H3PO4) và quặng apatit.
Phốt pho vàng là sản phẩm sinh lợi chính cho DGC, đóng góp khoảng 50% doanh thu cho tập đoàn. Đây là nguồn đầu vào để sản xuất chất bán dẫn - ngành đang thu hút rất nhiều vốn đầu tư trên toàn cầu.
Tuy nhiên, sản xuất phốt pho vàng gây ô nhiễm môi trường nặng. Tỉnh Lào Cai đang hạn chế cấp phép khai thác và sản xuất mới. Do đó, ngoài việc sáp nhập thêm khai trường và nhà máy mới, DGC phải hướng tới các sản phẩm hóa chất khác.
Theo thông tin trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 mới công bố, DGC cho biết sẽ dồn lực cho dự án xây dựng Tổ hợp Xút chất dẻo tại Nghi Sơn giai đoạn 1 với số tiền đầu tư trong năm nay là 500 tỷ đồng. Hiện tại, dự án Tổ hợp Xút chất dẻo tại Nghi Sơn giai đoạn 1 đã được tiến hành thuê tư vấn thiết kế cơ sở để tháng 6/2024 sẽ khởi công tại Khu công nghiệp Nghi Sơn - Thanh Hóa.
Dự án Tổ hợp Xút chất dẻo tại Nghi Sơn (Thanh Hóa), do Công ty TNHH MTV Đức Giang - Nghi Sơn, thành viên của DGC làm chủ đầu tư, có diện tích đất sử dụng khoảng 30 ha, tổng vốn đầu tư ban đầu cho giai đoạn 1 là 2.400 tỷ đồng.
Dự án này sau đó đã được DGC điều chỉnh tăng mạnh vốn đầu tư cho giai đoạn 1 lên 10.000 tỷ đồng, tổng mức đầu tư toàn dự án được giữ nguyên ở mức 12.000 tỷ đồng, công suất 50.000 tấn/năm - cao nhất Việt Nam và bằng 28% tổng công suất của năm nhà máy lớn nhất trong nước cộng lại.
Khi đi vào hoạt động, dự án Tổ hợp Xút chất dẻo tại Nghi Sơn sẽ cho ra 150.000 tấn xút NaOH (xút) quy đặc 100%; 150.000 tấn nhựa PVC; 34.000 tấn bột tẩy trắng Ca (OCI)2; 1.000 tấn chất diệt khuẩn Chloramin B; 30.000 tấn chất xử lý nước PAC; 15.000 tấn axit HCI 31% và 10.000 tấn nước tẩy Javen 10%.
Để cho ra sản phẩm xút, nhà máy sử dụng công nghệ điện phân muối ăn (thường phải lấy từ nguồn nhập khẩu) qua màng trao đổi ion. Với sản phẩm nhựa PVC, nguồn nguyên liệu đầu vào chính là đá vôi.
Khu Công nghiệp Nghi Sơn là khu kinh tế nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, có vị trí địa lý trên Quốc lộ 1, nằm gần đường sắt Bắc - Nam, và có hệ thống cảng Nghi Sơn. Đây cũng là khu vực có nhiều mỏ đá vôi được đánh giá có chất lượng cao cung cấp nguyên liệu cho dự án.
DGC cho biết, nhiều sản phẩm đầu ra của dự án Tổ hợp Xút chất dẻo là những loại hoá chất mà nguồn cung trong nước hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Riêng NaOH đang đang phần lớn dựa vào nguồn cung từ Trung Quốc (chiếm 40% - 50% nhu cầu sử dụng) trong khi các doanh nghiệp trong nước như CTCP Hóa chất cơ bản Miền Nam (Mã: CSV), hoặc Công ty Hóa chất Việt Trì đang hoạt động hết công suất.
Hiện tại DGC đã nhắm đến nhiều khách hàng như Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn, Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Nam Định.
Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị DGC cũng từng chia sẻ, dự án tổ hợp trên được xem là “át chủ bài” của công ty trong thời gian tới khi hoạt động kinh doanh của nhà máy tại Lào Cai đã đến giai đoạn không thể phát triển thêm (còn 20 – 30 năm nữa là hết quặng).
Về tình hình tài chính, DGC đang trữ lượng tiền, tiền gửi ngân hàng lớn, với hơn 10.300 tỷ đồng, chiếm 2/3 tổng tài sản tính đến hết 2023. Trong khi đó công ty chỉ đi vay nợ ngắn hạn 1.300 tỷ đồng. Số tiền này có thể giúp công ty tính bài toán tài chính khi đầu tư vào dự án này cũng như việc thực hiện các thương vụ M&A khác nhằm mở rộng quy mô.
Theo đánh giá mới nhất của Chứng khoán KB Securities Vietnam (KBSV), với dự phóng thận trọng, Tổ hợp Hoá chất Nghi Sơn sẽ hoàn thành trong quý II/2025, đóng góp khoảng 670 tỷ đồng vào doanh thu năm 2025 của DGC với biên lợi nhuận gộp đạt 12%. Các năm sau đó, doanh thu sẽ tăng dần và đạt khoảng 1.500 tỷ đồng/năm khi tổ hợp đạt công suất tối đa.
"Dự án được kỳ vọng sẽ giúp DGC thâm nhập lĩnh vực kinh doanh xút đầy tiềm năng và đồng thời cũng là bước chuẩn bị cho công ty hoàn thành chuỗi giá trị sản xuất với đại dự án Bô-xít Tây Nguyên trong dài hạn", báo cáo của KBSV viết.
Ngoài dự án xây dựng Tổ hợp Xút chất dẻo tại Nghi Sơn, DGC còn đang nhắm đến các phát triển sản phẩm hóa chất khác. Chẳng hạn dự án Bô-xít Tây Nguyên có tổng mức đầu tư dự kiến là 57.000 tỷ đồng. Bô xít được sử dụng rất phổ biến trong ngành công nghiệp chế tạo.
Công ty cũng hướng đến mở rộng sang lĩnh vực sản xuất pin lithium cho xe điện khi đã mua 100% cổ phần tại Tibaco (Mã: TSB) – một công ty chuyên về sản xuất pin.
Trong ĐHĐCĐ sắp tới, Hội đồng quản trị sẽ trình cổ đông về việc sáp nhập Công ty Phốt pho 6 vào Công ty TNHH Hóa chất Đức Giang Lào Cai. Việc có thêm nhà máy của Phốt pho 6 giúp tăng thêm sản phẩm phốt pho phục vụ cho sản xuất H3PO4 (axit phosphoric) và nằm trong chiến lược đa dạng hoá các sản phẩm của tập đoàn này.
Song song đó, công ty cũng nghiên cứu sáp nhập CTCP Phốt Pho Apatit Việt Nam (PAT) - một công ty chuyên sản xuất phốt pho vàng với công suất 20.000 tấn/năm tại Khu công nghiệp Tằng Loòng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Việc M&A sẽ giúp nâng công suất cho dự án sản xuất phốt pho vàng hiện tại của DGC.