|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

5 thương vụ M&A lớn nhất 10 tháng đầu năm

15:51 | 29/11/2023
Chia sẻ
5 thương vụ M&A lớn nhất trong 10 tháng đầu năm 2023 có tổng giá trị hơn 2,8 tỷ USD, trong đó giá trị thương vụ Ngân hàng SMBC mua lại cổ phần của VPBank chiếm hơn một nửa.

Tại Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2023 (M&A Vietnam Forum 2023) do Báo Đầu tư tổ chức ngày 28/11, KMPG Việt Nam đã công bố 5 thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) lớn nhất trong 10 tháng đầu năm.

Xếp đầu danh sách là thương vụ của Ngân hàng VPBank với giá trị hơn 1,4 tỷ USD. VPbank đã hoàn tất giao dịch phát hành riêng lẻ 119 tỷ cổ phiếu, tương đương 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), chính thức đưa ngân hàng lớn thứ hai Nhật Bản trở thành cổ đông chiến lược đồng hành cùng VPBank. Toàn bộ số cổ phiếu phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm tới.

Thỏa thuận chào bán cho SMBC nằm trong kế hoạch tăng vốn được VPBank triển khai từ năm 2022 nhằm củng cố năng lực tài chính dài hạn và giúp ngân hàng đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong chiến lược phát triển 5 năm lần thứ 3 (2022 - 2026). Nhờ đó, tổng vốn chủ sở hữu của VPBank sẽ được nâng từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng, cao nhất trong ngành ngân hàng và bỏ xa các đại diện còn lại trong nhóm Big4.

Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) đã chính thức trở thành cổ đông chiến lược của VPBank. (Ảnh minh họa: MH).

BW Industrial là liên doanh giữa Warburg Pincus (Công ty quản lý quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân, có trụ sở tại New York, Mỹ) và Becamex IDC, được thành lập vào đầu năm 2018. Liên doanh hoạt động động trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp (KCN), có vốn điều lệ ban đầu gần 2.565 tỷ đồng.

Đầu năm nay, ESR Group Limited, một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất Châu Á Thái Bình Dương đã dẫn đầu nhóm nhà đầu tư rót vốn vào BW Industrial với giá trị 450 triệu USD.

“Đầu tư chiến lược của ESR vào BW Industrial đánh dấu một cột mốc quan trọng cho hoạt động kinh doanh của chúng tôi ở Đông Nam Á,” ông Jeffrey Shen đồng sáng lập ESR chia sẻ.

Một thương vụ M&A tại ngành bất động sản khác là Gamuda Land, công ty con của Tập đoàn Gamuda Berhad Malaysia đã chi gần 7.300 tỷ đồng (khoảng 316 triệu USD) để mua lại dự án rộng 3,7 ha ở TP Thủ Đức thông qua việc thâu tóm CTCP Bất động sản Tâm Lực. Sau giao dịch, Gamuda Land nắm 98% vốn tại Bất động sản Tâm Lực. Van Lam Investment và Truong Tin Construction mỗi bên sở hữu 1%.

Dự án được mua lại có tên thương mại là The Riverdale nằm tại phường An Phú, TP Thủ Đức. Dự án này được chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2021, quy mô 6 tháp với gần 2.000 căn hộ. Hồi đầu năm, TP HCM đã tháo gỡ các vướng mắc pháp lý để dự án này có thể triển khai.

Đại diện cho lĩnh vực y tế phải kể đến thương vụ Bệnh viện FV được Thomson Medical Group - một trong những tập đoàn chăm sóc sức khỏe hàng đầu Singapore mua lại với giá trị 381,4 triệu USD. Đây là thương vụ mua lại lớn nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Đông Nam Á kể từ năm 2020.

Với thương vụ này, Thomson Medical Group sẽ trả trước khoảng 359,6 triệu USD và trả thêm 21,8 triệu USD nếu Bệnh viện FV đạt được các chỉ tiêu hiệu suất nhất định.

Ở mảng bán lẻ, hàng tiêu dùng, đầu tháng 10, BCC Meerkat LLC thuộc Bain Capital đã đăng ký mua 60 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành tối đa hơn 143 triệu cổ phiếu riêng lẻ của Masan Group. Giá chào bán dự kiến là 85.000 đồng/cp. Tổng số tiền tổ chức này phải bỏ ra ít nhất là 200 triệu USD để sở hữu 4,02% vốn điều lệ của Masan Group. Trước đó nhà đầu tư này không sở hữu cổ phiếu MSN.

Top 5 thương vụ M&A lớn nhất được KPMG thống kê trong 10 tháng 2023. (Nguồn: MH tổng hợp).

Tại sự kiện ngày 28/11, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia, cho biết hoạt động và giá trị giao dịch M&A toàn cầu bị đình trệ khi các nhà đầu tư đối mặt với những bất ổn chính trị và kinh tế vĩ mô trên toàn thế giới.

Thị trường đã trải qua cơn sốt về giá trị và khối lượng giao dịch bởi các nhà đầu tư trong nước từ năm 2020, khi nhiều công ty củng cố thị phần và phân khúc kinh doanh. Tuy nhiên, cơn sóng từ vốn nội địa chưa từng có đã kết thúc vào năm ngoái khi đạt đỉnh với hơn 1,3 tỷ USD về giá trị giao dịch.

Trong 10 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư trong nước chuyển sang thế phòng thủ để đánh giá lại chiến lược của mình, thị phần giá trị M&A đã giảm xuống còn 161,6 triệu USD, tương đương 4% tổng giá trị giao dịch được công bố.

Khác với hai năm trước khi nhà đầu tư trong nước chiếm ưu thế, nhà đầu tư nước ngoài đã chiếm lĩnh cả 5 vị trí top đầu về giá trị giao dịch trong 10 tháng. Nhật Bản, Singapore, và Mỹ tiếp tục là những nhà đầu tư nước ngoài hoạt động sôi nổi nhất. Ba nhà đầu tư này chiếm trên 70% tổng giá trị giao dịch được công bố, đại diện KPMG thông tin.

Tại Việt Nam, giá trị giao dịch trong 10 tháng đầu năm 2023 giảm 23% so với đầu năm. Số lượng thương vụ cũng thấp hơn so với hai năm trước.

“Sự sụt giảm tạm thời trong thị trường M&A có thể được xem như một phần của chu kỳ kinh tế rộng hơn. 2023 là một năm thị trường tìm lại cân bằng để tiến tới phát triển bền vững. So với cùng kỳ, sự tăng vọt đáng kể trong giá trị giao dịch trung bình của các thương vụ được công bố đạt mức trung bình 54,5 triệu USD mỗi giao dịch trong 10 tháng đầu năm (năm 2022 là 15,3 triệu USD và năm 2021 là 31,1 triệu USD), cho thấy nhà đầu tư vẫn tích cực tham gia tìm kiếm các thương vụ chiến lược”, đại diện KPMG nhận định.

Minh Hằng