|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

2023: Năm giải ngân đầu tư công cao kỷ lục, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng GDP

09:00 | 30/12/2023
Chia sẻ
Giải ngân đầu tư công là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung năm 2023. Xét về số tuyệt đối, 625.300 tỷ đồng là mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay.

Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng xuất khẩu, tiêu dùng gặp khó khăn, đầu tư công có ý nghĩa quan trọng, là lĩnh vực Việt Nam có thể chủ động thúc đẩy để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Năm 2023, kế hoạch vốn ngân sách được Quốc hội giao gần 711.700 tỷ đồng, là con số kỷ lục từ trước đến nay, tăng hơn 130.000 tỷ so với 2022 và 250.000 tỷ đồng so với 2021.

Ngay từ đầu năm, giới chuyên gia đã đề cập đến sức ép giải ngân nguồn vốn khổng lồ này đặc biệt trong bối cảnh giải ngân đầu tư công vẫn tổn tại một số nút thắt trong nhiều năm và chưa xử lý được trong thời gian ngắn như công tác giải phóng mặt bằng, chất lượng chuẩn bị dự án, năng lực Ban Quản lý dự án, nhà thầu,…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương khi đó cho biết thách thức giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 còn đến từ bối cảnh kinh tế vĩ mô năm 2023 được dự báo nhiều bất định, đặc biệt chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, khó dự báo, bóng ma lạm phát vẫn phủ bóng trên toàn cầu.

Phương tiện lưu thông trên tuyến Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn được đưa vào vận hành và khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+).

Giải ngân vốn đầu tư công cao kỷ lục

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê phát hành sáng 29/12, giải ngân vốn đầu tư công 625.300 tỷ đồng, bằng 85,3% kế hoạch năm và tăng 21,2% so với năm trước. Trước đó năm 2022, vốn giải ngân đầu tư công đạt 516.100 tỷ đồng, bằng 86% kế hoạch năm và tăng 19,9% so với năm trước.

 

Trước đó từ đầu năm, Việt Nam đặt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn. Dù chưa đạt như kỳ vọng, nhưng giải ngân đầu tư công vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung năm 2023. Xét về số tuyệt đối,   625.300 tỷ đồng là mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay.  

Tại hội nghị đốc thúc đầu tư công cuối tháng 11/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết lý do giải ngân chưa đạt kỳ vọng chủ yếu ở khâu tổ chức thực hiện. Bởi cùng điều kiện khó khăn chung về giá nguyên vật liệu tăng cao, một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, nhưng số khác lại chậm trễ. Vướng mắc nữa được bộ này nêu là thể chế, chính sách và đặc thù quy mô vốn năm nay lớn, tăng 130.000 tỷ đồng so với kế hoạch 2022. 

Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công của một số cơ quan, địa phương, kết quả giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Hà Nội, Hải Phòng khá nổi bật.  

 

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 của Bộ GTVT ngày 28/12, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ GTVT được Chính phủ giao giải ngân hơn 94.160 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022, gấp 2,2 lần năm 2021, cùng với 19,9 tỷ đồng bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Đến tháng 12/2023, ước giải ngân của Bộ đạt khoảng 90% kế hoạch và dự kiến hết niên độ đạt trên 95%.  

Giá trị giải ngân thời gian qua của Bộ GTVT tập trung vào các dự án cao tốc Bắc Nam - dự án có ý nghĩa kết nối vùng miền, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. 

Bộ GTVT cũng cho biết năm 2023, cả nước đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó, 9 dự án đường bộ cao tốc dài 475 km, nâng tổng số cao tốc đưa vào khai thác từ đầu nhiệm kỳ đến nay gần 730 km.

Đồng thời nâng tổng số cao tốc của cả nước lên gần 1.900 km và đang triển khai thi công gần 1.700 km đường cao tốc kết nối trục Bắc-Nam và Đông-Tây. Như vậy Việt Nam có thể đạt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường cao tốc và đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc.

Ngành GTVT cũng đã đồng loạt khởi công 12 dự án cao tốc Bắc-Nam với tổng chiều dài 723,7 km, 3 cao tốc trục Đông-Tây, 2 đường vành đai TPHCM và Hà Nội, cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang, khởi công một số dự án: Cao Lãnh-Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, Chợ Mới-Bắc Kạn, Hòa Liên-Túy Loan. 

Về hàng không, hoàn thành đưa vào khai thác nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Phú Bài, Điện Biên, xử lý quyết liệt, dứt điểm vướng mắc để khởi công nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành bảo đảm chất lượng, tiến độ yêu cầu. 

Về đường sắt, đã cơ bản hoàn thành từng phần và bàn giao đưa vào khai thác sử dụng theo kế hoạch 2 dự án; đã khởi công 3 dự án: Cải tạo nâng cấp đường sắt trên tuyến Hà Nội-TPHCM (đoạn Hà Nội-Vinh, đoạn Vinh-Nhà Trang) và cải tạo các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc.

Về hàng hải, đường thủy nội địa, đã khởi công 2 dự án là nâng cấp luồng Cái Mép-Thị Vải và nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn. Đã hoàn thành 1 dự án kênh nổi Đáy-Ninh Cơ, đang triển khai thi công dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu.

Ngoài ra, dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo bám sát tiến độ, hoàn thiện các thủ tục để khởi công dự án nâng tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia giai đoạn 1 (khu vực phía Nam).

Vốn đầu tư công sẽ tác động tích cực đến kinh tế đầu năm 2024

Vai trò của đầu tư công với hỗ trợ tăng trưởng kinh tế luôn được thể hiện rõ ràng, đặc biệt trong năm 2023 khi bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, các động lực chính của kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng.

Vào quý II, sau kết quả tăng trưởng GDP quý I khá thấp, đầu tư công đóng góp đáng kể vào tăng trưởng khu vực xây dựng, đóng góp nhiều giúp tăng trưởng GDP quý II cải thiện (đạt 4,25%).

"Bên cạnh lĩnh vực dịch vụ, tăng trưởng GDP quý II được hỗ trợ nhiều bởi khu vực xây dựng (chủ yếu đến từ đầu tư công)", PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định hồi đầu tháng 7, ngay sau khi Tổng cục Thống kê công bố báo cáo kinh tế 6 tháng đầu năm.

Sang quý III, tăng trưởng GDP đạt 5,47%. Giới chuyên gia khi đó cũng kỳ vọng giải ngân đầu tư công tăng tốc vào cuối năm sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng GDP quý IV đạt gần 7%, từ đó giúp cải thiện tăng trưởng GDP cả năm 2023.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, tăng trưởng GDP quý IV đạt 6,72%. GDP cả năm đạt 5,05%. Trong đó ngành xây dựng tăng 7,06%, đóng góp 0,51 điểm phần trăm.

Dưới góc độ chuyên gia, trong quý I, ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright đánh giá Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay đã cao hơn năm ngoái và do độ trễ của đầu tư công nên vốn giải ngân sẽ tác động đến kinh tế vào đầu năm 2024.   

 

            

Anh Đào

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.