|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Toàn cảnh đoạn vành đai 2 sẽ mở nối đường Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa

07:12 | 13/03/2023
Chia sẻ
Đoạn vành đai 2 nối đường Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa có chiều dài khoảng 2,7 km, tổng đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng.

Đoạn vanh đai 2 nối đường Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa thể hiện trên bản đồ Google vệ tinh.

Toàn tuyến vành đai 2 TP HCM  hiện còn 4 đoạn chưa được khép kín. Trong đó, đoạn 3 là đoạn nối từ đường Phạm Văn Đông - nút giao Gò Dưa. Đây là đoạn duy nhất trong 4 đoạn khép kín đường vành đai 2 đã được triển khai thi công nhưng cũng đang rơi vào tình trạng dang dở. Trong ảnh là điểm đầu của đoạn 3 dự án khép kín vành đai 2.

Tại khu vực giao giữa vành đai 2 TP HCM với đường Phạm Văn Đồng, sẽ có dạng nút giao khác mức ba tầng với ba cầu vượt, nút giao này và nút giao Bình Thái là hai nút giao lớn sẽ được TP HCM xây dựng trên các đoạn của dự án khép kín đường vành đai 2.

Đoạn 3 dự án khép kín vành đai 2 có chiều dài khoảng 2,7 km, được khởi công cuối năm 2017 với tổng đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 1.410 tỉ đồng, tách thành dự án riêng do TP Thủ Đức triển khai. Dự án đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

Từ năm 2020, sau khi dự án đạt 44% giá trị hợp đồng xây lắp, nhà đầu tư đã tạm dừng thi công dự án này. Trong ảnh là một khu vực được giải phóng mặt bằng để làm đoạn 3 dự án khép kín vành đai 2.

Hiện trên công trường, toàn bộ máy móc, công nhân đã rút. Trong ảnh là một khu vực thi công của đoạn 3, hai nhánh cầu được xây dựng hiện vẫn chưa được hoàn thiện. Theo chủ đầu tư, nguyên nhân dự án này chậm tiến độ do  địa phương chậm bàn giao mặt bằng, đồng thời chờ TP HCM xem xét điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, điều chỉnh dự án, ký điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT, thanh toán quỹ đất...

Điểm cuối tuyến nằm tại nút giao Gò Dưa, đồng thời sẽ mở rộng đường số 11 hiện hữu tại khu vực nút giao Gò Dưa. Nút giao Gò Dưa cũng chính là điểm cuối của tuyến vành đai 2 TP HCM. Ngoài đoạn 3 là đoạn nối đường Phạm Văn Đồng - Nút giao Gò Dưa, TP HCM cũng dự chi 13.639 tỷ đồng ngân sách trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện hai đoạn của vành đai 2 qua TP Thủ Đức, tương đương 80% tổng mức đầu tư hai đoạn này. Phần kinh phí còn lại khoảng 3.410 tỷ đồng sẽ cân đối bố trí ở giai đoạn 2026 - 2030. Trong đó, đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu tới Xa lộ Hà Nội) có tổng mức đầu tư dự kiến gần 8.600 tỷ đồng, đoạn 2 (từ Xa lộ Hà Nội tới đường Phạm Văn Đồng) hơn 8.400 tỷ đồng.

Trong ảnh là toàn cảnh nút giao Gò Dưa - điểm cuối của đoạn 3 dự án khép kín vành đai 2 TP HCM.

Cầu vượt Gò Dưa hiện nay. Khi nối liền mạch, tuyến vành đai 2 TP HCM đảm nhận vai trò điều phối, hạn chế xe vào nội thành, kết nối các cảng biển, giảm ùn tắc cho các trục đường vào cảng như Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ..., cùng với đó là kết nối dễ dàng hơn đến các khu công nghiệp, khu chế xuất như Khu công nghiệp Đông An 1; khu chế xuất Linh Trung 2.

Khu vực kết nối lên cầu vượt Gò Dưa.

Một khu vực gần nút giao Gò Dưa được giải phóng mặt bằng phục vụ thi công đoạn 3 dự án khép kín vành đai 2. Theo lời người dân địa phương, khu vực này được giải phóng mặt bằng đã hai năm nhưng đến này vẫn chưa có động thái thi công tiếp.

Bên phải tuyến đường là chung cư Sài Gòn Avenue, một trong các dự án được hưởng lợi trực tiếp dự dự án khép kín đường vành đai 2 TP HCM.

(Đồ họa trong bài được vẽ tương đối căn cứ theo ứng dụng Thông tin quy hoạch TP HCM).

Hải Quân